Lời dẫn: Lòng cha mẹ như trời biển. Làm người, ai cũng mong muốn “nhiều phúc, sống lâu, con cháu đông đúc”. Con cháu đông là nhờ phúc của tổ tiên, lại còn nối dõi tông đường; đây là tâm nguyện rất lớn của bậc làm cha mẹ. Lại nữa, họ còn mong “con trai thành rồng, con gái thành phụng”. Ai mà không mong muốn con cái mình hơn mọi người? Nhưng nguyện vọng của mọi người đều phải tốn nhiều công sức, cực khổ nuôi con lớn khôn, lại phải lao tâm khổ tứ dạy dỗ, mới trở thành một người có học vấn, có tri thức, lương thiện. Tất cả những điều này đều phải tốn rất nhiều về tinh thần và sức lực. Nếu như mọi người không tốn công sức trước thì e rằng tất cả mọi hi vọng đều trở thành thất vọng; lại còn có kết quả ngược lại. Đây là lẽ thường của người thế gian? Hay là nghiệp chướng?
Ngày xưa có một quả phụ trung niên, chồng nàng mất đã mấy năm, để lại một đứa con trai; nhưng nàng vẫn muốn có thêm một đứa con nữa. Thường ngày, ngoài công việc làm lụng trồng trọt cực khổ ra, nàng còn đi khắp mọi nơi đốt hương cầu thần, khấn Phật gia hộ: “Con không cầu vinh hoa, phú quý, cũng không muốn tái giá, chỉ mong ước có thêm một đứa con”. Việc này có mâu thuẫn không?
Có một bà đồng biết được việc này, liền chạy đến nhà nàng nói:
– Chị muốn có thêm đứa con nữa phải không?
Quả phụ đáp:
– Đúng thế! Bà có cách nào làm cho tôi có thêm đứa con không?
– Chỉ cần chị cầu thần, thần là đấng có quyền tuyệt đối, bất cứ việc gì thần cũng làm cho mọi người thỏa ước nguyện.
– Cầu như thế nào mới được cảm ứng?
– Chỉ cần chị cúng tế thần trọng hậu.
– Thế nào là cúng tế trọng hậu?
– Đem người để cúng tế.
– Là phải giết chết một người hay sao?
– Đúng vậy! Tốt nhất là người thân của chị.
– Tôi chỉ có một đứa con.
– Đúng rồi! Cách tốt nhất là con của chị.
Quả phụ này vì cầu con tha thiết, cũng bị mê tín thần là đấng quyền năng tuyệt đối. Cho nên, chẳng cần suy nghĩ liền giết con mình cúng tế thần.
Khi đứa bé chết rồi, thần có từ trên trời xuống ban cho quả phụ đứa con không? Mọi người hay chuyện liền kéo đến mắng quả phụ vừa ngu si vừa mê tín; bà đồng gian trá hại người. Đây là lỗi do thần hay do bà đồng?
Bài học đạo lý
Con người không thể không có tín ngưỡng tôn giáo, không có tín ngưỡng tôn giáo thì tinh thần không có nơi nương tựa, cũng không có chỗ để xoa dịu nỗi đau khổ; giống như con mất cha mẹ, chẳng những không có người giáo dục mà còn học theo thói hư tật xấu. Bởi vì, con không có cha mẹ, không có người trông nom dạy bảo, ngoài xã hội rất nhiều cạm bẫy xấu ác; cho nên, chúng nó rất dễ lôi cuốn học theo những thói xấu, một khi đã nhiễm thành thói quen thì tương lai đi vào ngõ cụt.
Tín ngưỡng theo tôn giáo cũng phải có lý trí mới đúng, nếu tin mù quáng theo tà giáo thì chi bằng không tin. Xã hội cũng có rất nhiều tà sư ngoại đạo. Nếu chúng ta không có trí tuệ thì rất dễ bị bọn chúng lôi kéo. Khi mê tín bị tổn thất của cải là việc nhỏ mà nếu như qua lại giao thiệp với quỷ thần thì càng nguy hiểm. Tục ngữ có câu: “Mời thần đến thì dễ, đưa thần đi thì khó”. Điều đáng sợ hơn là tương lai đi vào tà đạo, mới là điều oan uổng rất lớn.
Có những kẻ ngoại đạo nói: “Thần là đấng quyền năng tuyệt đối”. Chỉ cần mọi người tin theo thần thì việc gì thần cũng giải quyết cho bạn êm đẹp. Bạn có tin thần làm được không? Nếu bạn phạm tội người khác có thể thay bạn ngồi tù được không? Người khác có thay bạn chịu đau đớn vì tật bệnh hay chết thay được không? Bạn ăn no có thay cho người khác không còn đói được không? Bạn vào nhà vệ sinh người khác có thay bạn được không? Những điều này không thể thay được. Lại nói làm con của thần, cầu tiền thì được tiền, cầu sống lâu thì được sống lâu; thậm chí, có thể thoát được tai nạn, tương lai được sinh lên cõi trời. Thần thật sự có quyền năng tuyệt đối như thế sao? Vậy tại sao thần không làm cho mọi người được giàu sang hạnh phúc, khắp thiên hạ được thái bình? Nếu như thần đòi hỏi mọi người đi cầu khẩn, cúng bái; hoặc đem lễ vật cúng tế thì mới được thần gia hộ. Vậy khác nào như quan tham ô?
Thần là bậc Thánh hiền thời xưa; hoặc là người trung hiếu, nhân nghĩa được mọi người tôn xưng là thần. Người tin thần phải học tập theo những điều vĩ đại của ngài. Nếu có việc cầu thần gia hộ, giống như nhờ cha mẹ giúp đỡ con cái. Cha mẹ giúp con thành tựu sự nghiệp, tạo công ăn việc làm cho mọi người, làm người vĩ đại, chứ không phải nuông chiều. Chúng tôi nói cách khác: “Nếu mọi việc đều ỷ lại thì sẽ thành người không làm nên việc gì”. Còn nếu có cầu ắt có ứng, e rằng không phải thần chân chính- giống như bọn lưu manh giúp bạn làm việc.
Có những ngoại đạo ở Ấn Độ nói: “Tất cả sự đau khổ của con người đều là tội nghiệp đời trước, cho nên cần phải làm cho hết khổ mới được an lạc (sinh về cõi trời)”. Vì thế, họ tu nhiều pháp môn khổ hạnh. Có người đứng suốt ngày đêm. Có người nằm trên lửa nóng chịu thiêu đốt. Có người ngồi trên gai nhọn chịu đau đớn. Có người treo ngược thân mình trên cây. Có người chịu đói khát, không ăn uống. Mục đích họ tu khổ hạnh là được sinh về cõi trời thì cũng giống như câu chuyện giết con cầu con là không đúng chánh pháp.