Khái niệm Tâm và Thức trong Phật học nên được hiểu như thế nào, xin hãy giải thích sơ lược? Giáo lý Duy tâm hay Duy thức của Phật giáo có quá mâu thuẫn với học thuyết Duy vật của Karl Marx hay không?
Minh Tâm, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, Sa Đéc, Đồng Tháp
Trong Phật học, Tâm và Thức được nghiên cứu rất khúc chiết, chi li, liên hệ đến nhiều ngành triết học như Tâm lý, Tâm thái, Tri thức, Nhận thức, Đạo đức… ở đây chúng tôi chỉ trình bày vắn tắt.
Tâm (Citta), tức cái tinh thần, tâm thái, tâm lý, cái chủ thể suy động mọi nhận thức, tư duy của con người. Trong năm thành phần tạo nên con người là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì Tâm bao gồm bốn thành phần sau, đối lập với thành phần đầu là sắc, tức vật chất, hình sắc. Thức là cái biết, cái nội dung biết, bao gồm cả chủ thể và đối tượng, tức bao gồm cả phần tinh thần bên trong và vật chất bên ngoài. Khi nói đến sự vận hành của Tâm, tương tác của Tâm đối với sự vật, hiện tượng bên ngoài và ngược lại thì Tâm cũng chính là Thức. Thức hay Tâm được định nghĩa là chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức nên Tâm và Vật là một, không thể nói Tâm có trước hay Vật có trước; Duy tâm của Phật giáo không chủ trương Tâm có trước, Vật có sau như nhiều người lầm tưởng.
Cái Tâm rỗng không, vắng lặng thì không có gì để nói đến vì nó không có nội dung, nó không có trạng thái vui khổ. Nhưng vì vô minh, Tâm trở nên vọng động, phân biệt trong, ngoài, phải, trái, này, nọ… chủ thể, khách thể bị tách rời, bị phân biệt; bấy giờ Tâm là vọng tâm, Thức là vọng thức, tất cả trở nên nhiêu khê, gây phiền não, khổ đau. Khi Tâm được hiểu là Thức thì Tâm được xem là cái thức thứ tám, tức thức A-lại-da (Alaya Vijnana), là nơi tích tập những gì được thâu nhận từ bên ngoài qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (tạo thành sáu thức đầu). Nội dung này được ví như những hạt mầm, gặp điều kiện thuận tiện nó sẽ lớn lên, thể hiện ra bên ngoài. Mặt khác cái thức thứ bảy, tức Mạ-na (manas) lại chấp nhận cái nội dung của thức thứ tám A-lại-da để xem A-lại-da là một chủ thể, là cái tôi (ngã, atman), từ đó có sự phân biệt chủ thể – khách thể; tâm – vật; tôi – không phải tôi; của tôi – không phải của tôi;… sinh ra mọi khổ đau, luân hồi…
Theo Karl Marx – người sáng lập học thuyết Duy vật biện chứng – thì tất cả các học thuyết triết học đều có thể qui vào hai chủ nghĩa lớn là Duy tâm và Duy vật mà chỗ ách yếu để phân biệt là: Duy tâm chủ trương tinh thần có trước, vật chất có sau; tinh thần quyết định vật chất và Duy vật thì chủ trương ngược lại. Trong ý nghĩa này thì Duy tâm được hiểu là học thuyết mơ hồ, không phù hợp với thực tế, với khoa học, không kiểm chứng được, thường dựa vào niềm tin vào một thực thể tuyệt đối, một nguyên lý siêu hình hay một đấng tài năng sáng tạo, định đoạt tất cả mọi sự…
Trong khi đó, giáo lý Duy tâm của Phật giáo nỗ lực đối đãi với tâm và vật đang hiện diện cùng một lúc và định nghĩa rằng tâm hay thức là chủ thể cộng với khách thể, tâm theo cảnh, cảnh theo tâm. Phật giáo tìm hiểu, nhận biết tâm, tu sửa tâm, chứng ngộ tâm; cho nên có thể nói Phật học là Tâm học. Duy tâm là chú trọng đến cái Tâm; một khi không chuyển đổi được vật thì quyết chuyển đổi cho được tâm. Duy tâm là vậy.
Cũng như học thuyết Duy vật, Duy tâm của Phật giáo không công nhận có Thượng đế, thần quyền tối thượng… chủ trương rằng tâm và vật vận động không ngừng, vô thường; chủ trương tính bình đẳng của tâm, của giá trị con người nên đả phá mọi phân biệt đối xử, mọi cực đoan, mọi phân chia giai cấp. Duy tâm của Phật giáo đồng ý với học thuyết Duy vật về sự tôn trọng thực tế khách quan, công nhận mọi kiến thức, mọi phát hiện đúng đắn của khoa học. Phật giáo ủng hộ mọi học thuyết, mọi chế độ xã hội mang lại hạnh phúc cho loài người. Mặt khác, giáo lý Duy tâm quan niệm rằng hết thảy mọi sự việc, toàn bộ vũ trụ này đang được nhìn thấy và đối đãi qua cấu trúc tâm lý, vật lý của con người, do đó chúng sẽ khác đi một khi cái tâm thọ nhận của con người trở nên khác đi. Đây chính là trọng điểm của giáo lý Duy tâm, của sự tu tâm trong Phật giáo.
Như thế, giáo lý Duy tâm có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa Duy vật và một số dị biệt cũng không quá mâu thuẫn, gây trở ngại cho việc áp dụng cả hai vào cuộc sống thường nhật.
http://tapchivanhoaphatgiao.com