Hòa thượng Thích Đại Trí, pháp hiệu Nhơn Duệ, pháp húy Trừng Thông, pháp tự Công Thắng, thế danh là Huỳnh Huệ, sanh ngày 17 tháng 10 năm Đinh Dậu (1897) tại làng Phú Hòa, tổng Hiệp Trung, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều là người đức hạnh, chuyên trì trai giới, tu niệm tại gia.
Sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, Ngài có 4 anh chị, thân sinh và hai người anh cả sớm khuất núi, còn lại thân mẫu và mấy anh chị em đùm bọc thương yêu hòa thuận lẫn nhau.
Thiếu thời, Ngài được thân mẫu đưa đến quy y với Tổ Phổ Xứ tại thảo am Đồng Nẫy, thôn Tân Hưng, huyện Ninh Hòa và được Tổ đặt tên là Huỳnh Huệ. Sau Tổ Phổ Xứ về trụ trì chùa Kim Long và viên tịch tại đây, kế thừa Tổ Phổ Xứ là Tổ Phước Tường (1867-1932).
Lúc này, Ngài vừa lên 6 tuổi, đã sớm phải chịu cảnh xa cách người thân, sư phụ. Dù gặp phải trở duyên, thân mẫu Ngài vẫn giữ nguyên ý nguyện là cho hai người con trai xuất gia theo thầy học đạo.
Năm lên 16 tuổi (1903), Ngài cùng với người anh xuất gia với Tổ Phước Tường – Quảng Đạt. Nhờ tuệ căn minh mẫn, đức tính khiêm cung, chỉ hai năm phụng Phật sự Sư, Ngài đã sớm tỏ rõ thượng căn thượng trí. Thấy vậy, Tổ khuyến khích Ngài vào Ninh Thuận tham học với Tổ Huệ Đạo chùa Trà Bang và chùa Sắc Tứ Tây Thiên. Cũng trong thời gian này, Tổ Phước Tường về làm Hóa chủ Tổ đình Thiên Bửu, làng Điềm Tịnh, huyện Ninh Hòa.
Trong thời gian tu học ở Phan Rang, Ngài chuyên cần nỗ lực tấn tu, nên được Tổ Huệ Đạo phú cho pháp hiệu là Đại Trí. Khi sở học và giới đức đã tạm vừa đủ, Ngài xin phép Tổ được vân du tham cứu giáo điển các nơi để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho việc giáo hóa độ sanh sau này. Tổ rất hoan hỷ thuận tình. Trên bước đường du hóa ở Đà Lạt, Sài Gòn, Ngài luôn luôn thể hiện tấm lòng vô ngã vị tha, tùy duyên bất biến, khiến cho mọi người con Phật ai cũng cảm mến kính phục.
Trong lúc ấy, Ngài nhận được tin bào huynh của Ngài là Hòa thượng Nhơn Nguyện viên tịch ở chùa Linh Quang, trên sườn núi Đại An thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Khi về hộ tang bào huynh Ngài có dịp báo đáp công ơn sanh dưỡng của thân mẫu, vì người chị đã xuất giá theo chồng đồng thời được gần gũi, phụng sự Bổn sư (Tổ Phước Tường), thời gian này kéo dài đến 10 năm.
Năm Nhâm Thân 1932, Tổ Phước Tường xã mãn báo thân, Ngài cư tang trai tuần báo hiếu, cùng lúc ấy người chị ruột trở thành quả phụ, nên Ngài nhờ người chị cung dưỡng mẹ già. Ngài tiếp nối chí nguyện rộng bước vân du hoằng dương đạo pháp, lúc ở Đà Lạt, lúc vào Sài Gòn (ngụ tại chùa Pháp Vân, tục danh chùa Bà Đầm ở Phú Nhuận).
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài trở về lo tròn hiếu sự với Bổn sư tại Tổ đình Thiên Bửu. Một năm sau đó, chư Tăng Phật tử địa phương đã cung thỉnh Ngài khai Hạ an cư và mở Đại giới đàn tại đây năm 1935.
Ngài lần lượt trụ trì chùa Thiền Sơn (thôn Trường Lộc), chùa Linh Quang (thôn Phước Sơn) và chùa Kim Long để hướng dẫn Tăng tín đồ Phật tử Ninh Hòa tu học.
Khoảng năm 1936-1937, thân mẫu Ngài quá cố, Ngài trở về quê lo hiếu sự. Năm 1938 trước tấm lòng tha thiết thỉnh cầu của hàng đệ tử, Ngài đã thuận tình vào làng Phú Lộc, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa để chứng minh công cuộc xây cất chùa Thiên Quang.
Năm Canh Thìn 1940, để phần nào đáp đền hồng ân Thầy Tổ và trang nghiêm chùa cảnh làm nơi nương tựa tu học cho các Tăng tín đồ huyện Ninh Hòa, Ngài đã trùng tu lại chùa Kim Long.
Năm Tân Tỵ 1941, tín đồ Phật tử ở Vạn Giã, huyện Vạn Ninh lại khẩn cầu cung thỉnh Ngài chứng minh khai sơn chùa Di Đà ở thôn Mỹ Long.
Công việc hoằng pháp lợi sanh đã tạm đủ, Ngài trở về chùa Thiên Quang phát nguyện tịnh tu nhập thất 3 năm từ 12 giờ khuya ngày 18 tháng 7 năm Nhâm Ngọ, Tăng ni tín đồ nam nữ hay tin Ngài nhập thất 3 năm, hầu hết phát tâm hoan hỷ và tinh tấn tu niệm, đồng thời từng đoàn về chùa Thiên Quang để đảnh lễ Ngài từ bên ngoài Thiền thất để trượng thừa công đức.
Lúc 12 giờ khuya ngày 18 tháng 7 năm Giáp Thân (1944) trong khi các hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia đang làm lễ cầu an trong chánh điện, chờ giờ Thầy mãn nguyện xả thất, thì bỗng nhiên từ thất của Ngài, một ngọn lửa sáng bừng lên cả một vùng, khiến mọi người ai nấy đều kinh hãi và âu lo, nhưng rồi tất cả bùi ngùi cúi đầu đảnh lễ vì biết Ngài đã phát nguyện thiêu thân cúng dường chư Phật, Ngài trụ thế 47 tuổi đời, gần 30 năm tuổi đạo.
Cả cuộc đời của Ngài đã gắn liền với việc tu trì Phật pháp từ thiếu thời cho đến lúc hóa thân, để hồi hướng công đức viên thành Phật quả. Ánh đuốc ấy vẫn lan tỏa mãi ngàn sau, trong lòng mọi người con Phật.