Hòa Thượng Thích Hoằng Khai (1883-1945)

Hòa thượng Thích Hoằng Khai, pháp danh Hồng Khê, húy Kiểu Đạo, tự Thiện Minh, hiệu Hoằng Khai, thế danh Phạm Văn Tiểng, sinh năm Quý Mùi (1883), tại làng Minh Lễ, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là ông Phạm Văn Hữu, thân mẫu là bà Hồ Thị Thị. Cha mẹ mất sớm khiến Ngài mồ côi từ nhỏ, sống nương nhờ nơi người chú.

Năm 14 tuổi (1897), Ngài vào Nam tạm trú ở vùng Gia Định, vốn giỏi võ, nên Ngài mở trường dạy võ làm kế sinh nhai. Do bản tính hào hiệp, Ngài thường hay cứu giúp những người thế cô, sức yếu, khiến bọn anh chị Sài Gòn – Chợ Lớn đều kính phục tôn xưng Ngài là đại ca và không dám bức hiếp những lương dân trong khu vực ấy nữa. Ngài sớm ý thức được rằng những bất công xã hội không thể cải tạo được bằng vũ lực, cũng như tâm địa xấu xa, độc ác của con người không thể giáo hóa bằng đôi tay. Ngài từ bỏ con đường võ nghiệp và dần chuyển sang cảm hóa bằng lý lẽ và tình cảm, một thể hiện của đạo đức. Ngài tin tưởng rằng, chỉ có đạo đức mới có thể cảm hóa được lòng người và thực sự mang lại công bằng và yêu thương cho xã hội.

Năm 20 tuổi (1902), Ngài đến chùa Bảo An ở Bà Chiểu, xin thế phá xuất gia, được Bổn sư Thiện An đặt pháp danh Hồng Khê (dòng Lâm Tế đời thứ 40). Hòa thượng trụ trì biết lai lịch của Ngài nên lúc đầu có ngần ngại. Về sau, khi đã nhiều phen thử thách, biết được thật tâm cầu đạo của Ngài, Hòa thượng đã hoan hỷ thu nhận làm đệ tử và đặt pháp tự cho Ngài là Thiện Minh. Về sau, Ngài cầu pháp với Tổ Thiên Thai – Huệ Đăng, được Tổ đặt húy là Kiểu Đạo – pháp hiệu Hoằng Khai.

Năm Giáp Thìn 1904, chùa Khánh Quới, Cai Lậy, Mỹ Tho khai trường Kỳ, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ tam đàn Cụ túc giới. Vốn thông minh lại cần mẫn tu học, nên chẳng bao lâu thiền môn Kinh luận Ngài đều làu thông, phạm tắc uy nghi thảy tường tận. Lại thêm giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm dõng mãnh nên trên được Hòa thượng mến yêu tin cậy, dưới được các vị đồng phạm hạnh ngợi khen.

Khi biết nhân duyên hóa độ của Ngài đã đến, Hòa thượng Bảo An đã cho Ngài đăng đàn giáo chúng tại các trường Hương ở Gia định, Mỹ Tho, Bến Tre. Từ đó tiếng tăm đạo hạnh của Ngài càng lúc càng lan rộng. Nữ tín chủ Tư Diêm, chủ chùa Hội Phước ở xã Tân Thạch, tỉnh Bến Tre, nhân ngưỡng mộ đạo hạnh của Ngài, gặp lúc chùa chưa có thầy hương khói, nên đã đảnh lễ Hòa thượng Bảo An thỉnh Ngài về trụ trì. Hòa thượng hứa khả.

Ngài rời đất Gia Định về trụ trì chùa Hội Phước ở Tân Thạch, Bến Tre và bắt đầu sự nghiệp kế đạo khai lai của mình. Chùa Hội Phước lúc bấy giờ chỉ là một am tranh vách đất, xây cất sơ sài để thờ Phật, lau sậy mọc rậm rạp. Khi về, Ngài đã cùng bổn đạo địa phương trùng tu, dần dần ngôi Bảo tự ngày càng to lớn, khang trang.

Có một giai thoại mà cho đến nay những Phật tử lão thành của chùa vẫn còn truyền tụng : trong lúc thi công kiến thiết chùa, một người thợ tên Ba Lung đang ngồi lợp trên nóc, bỗng cây đòn tay bị gãy và làm ông này rơi xuống, mọi người hoảng hốt, Ngài phóng tới như một mũi tên nhanh nhạy chính xác đỡ ông thợ đứng xuống nhẹ nhàng trên mặt đất. Từ đó mọi người mới biết được Ngài võ nghệ siêu quần.

Đã kính trọng đức độ tu hành, lại thêm ngưỡng mộ võ công tuyệt học nên những thành phần bất hảo ở địa phương dần dần đều quy y với Ngài và trở thành Phật tử đắc lực của chùa. Nhưng cũng với tiếng tăm này mà Ngài gặp phải không ít khó khăn với nhà chức trách đương thời. Lúc ấy, ở An Hóa có một ông quận trưởng mà dân địa phương quen gọi là huyện Trụ, nghe tiếng Ngài là tay anh chị ở đất Gia Định đi tu, thầm nghi Ngài mượn hình thức tôn giáo để hoạt động chính trị, nên cho mời Ngài xuống huyện đường thẩm tra.

Khi gặp Ngài, huyện Trụ biết Ngài là tay bản lãnh thật sự nên ngõ ý muốn kết nghĩa anh em. Nhưng huyện Trụ còn muốn thử xem Ngài có thật tâm quyết chí tu hành hay không, nên ông ta yêu cầu Ngài cho xem những hình xăm trên mình. Ngài bằng lòng và vén tay áo lên cho quan huyện coi. Xem xong, huyện Trụ lại tỏ ý muốn xin Ngài một vài hình xăm. Ngài cũng bằng lòng và bình tĩnh lấy dao lạng những hình xăm trên tay đưa cho huyện Trụ. Trước hành động trầm tĩnh gan dạ của Ngài, huyện Trụ vô cùng kính phục. Biết được thật tâm tu hành của Ngài nên từ đó về sau ông ta để yên cho Ngài hoằng hóa độ sanh.

Phật học uyên thâm, đức hạnh kiêm ưu, lại thêm võ nghệ cao cường, tiếng tăm của Ngài mỗi lúc một lan xa. Tứ chúng bốn phương, Tăng tục mọi miền đều quy ngưỡng, thọ học rất đông. Chính nơi Tổ đình Hội Phước, biết bao lần Ngài khai trường Hương giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử; mở trường Kỳ tiếp dẫn hậu lai, chọn người làm Phật. Biết bao bậc cao Tăng làm lương đống trong Phật pháp đã được đào tạo nơi đây, trong số đó có vị hóa duyên đã mãn, có vị vẫn còn trụ thế độ sinh, có vị tuổi thọ vượt ngoài bách tuế như Hòa thượng Từ Quang ở Bà Chiểu, Hòa thượng Hội Long ở Long An. Ngoài ra, còn có những danh Tăng thạc đức khác mà Tăng, Ni hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đều kính ngưỡng như Hòa thượng Phú Thuận ở Bến Tre (đã viên tịch), Hòa thượng Phật Quang (Bến Tre), Hòa thượng Thiện An (Tầm Vu), Hòa thượng Thiện Bình ở Cai Lậy (đã viên tịch).

Tại đạo tràng Hội Phước, Ni chúng được Ngài hóa độ và đào tạo rất đông. Đã có biết bao danh Ni mà đạo đức xứng đáng làm thiền môn quy cảnh cho Ni chúng truyền đời; như Sư bà Như Hương ở Từ Nghiêm, Sư bà Sắc Tứ ở Soài Hột, Sư bà Phổ Đức ở Tân Hương, Sư bà Vạn Phước ở Kim Sơn…

thể nói Tổ đình Hội Phước trong thời kỳ giáo hóa của Ngài là một đạo tràng tu học của Tăng, Ni rất sùng thịnh. Riêng Ngài còn là Pháp sư giảng dạy kinh Pháp Hoa, luật Trường hàng và bộ Qui Nguơn Trực Chỉ.

Năm Bính Dần 1926, Ngài khai trường Hương tại chùa Hội Phước, thỉnh Hòa thượng Từ Văn, chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một làm pháp sư giảng kinh Pháp Hoa. Sau Hòa thượng Từ Văn cử Hòa thượng Thiện Tòng, chùa Khánh Quới, Mỹ Tho thay thế.

Năm Bính Tý 1938, Ngài mở trường Hương, khai trường Kỳ tại chùa Hội Phước. Chính Hòa thượng Hội Long (Long An) thọ Cụ túc giới trong đàn giới này.

Năm K Mão 1939, ông cả Huy, bác của Sư bà Thiên Phước, Tân Hương thỉnh Ngài về trụ trì chùa Thiên Phước.

Năm Canh Thìn 1940, Ngài khai trường Hương, mở trường Kỳ tại chùa Thiên Phước. Ngài làm chủ hương, Hòa thượng Phước Tường làm thiền chủ, Hòa thượng Khánh anh làm Pháp sư bên Tăng, Sư bà Diệu Kim, Cần Thơ làm Pháp sư bên Ni. Khi mãn đàn giới, Hòa thượng Khánh Anh có tặng cho Ngài một tấm biển: “Hương Phong Giới Nguyệt”, này vẫn còn treo nơi Tổ đình Hội Phước.

Năm Tân Tỵ 1941, do sức khỏe kém, Ngài rời chùa Thiên Phước, trở về Tổ đình Hội Phước để chuyên tu và dưỡng bệnh.

Năm Ất Dậu 1945, Ngài lâm bệnh nặng và vùng Tân Thạch lúc bấy giờ lại loạn lạc không yên, nên hào phú Lâm Tấn Tài ở Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre thỉnh Ngài về đây tịnh dưỡng. Ngài đề nghị cất cho Ngài một tịnh thất. Thất đang xây dựng Ngài nói với thị giả: “Thất làm xong chưa ? Ta sắp bỏ nó ta đi”. Khi thất làm xong, Ngài vào nhập thất được vài hôm thì viên tịch. Lúc ấy nhằm ngày 11 tháng 11 năm Ất Dậu. Ngài hưởng thọ 63 tuổi, hành đạo 41 mùa Hạ.