Hòa thượng Thích Thiện Bản (Tổ Cao Đà), pháp danh Thông Đoan, thế danh Hoàng Ngọc Thụ, sinh giờ Dần ngày mồng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1884) tại làng Tử Mặc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân có truyền thống mến mộ đạo Phật. Ngài là con út của cụ Ngô Ngọc Luyện tự Phúc Ứng (truyền thống dòng họ : sinh họ Hoàng, thác theo họ Ngô), cụ bà Nguyễn Thị Xây hiệu Diệu Cao. Chị Ngài là Ni sư chùa Bảo Sái – Yên Tử.
Năm 16 tuổi (Canh Tý – 1900), Ngài từ biệt song thân đến chùa Diên Phúc, thị trấn Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây) khất cầu xuất gia, thấy người tuấn tú lễ độ, nhất tâm cầu đạo nên Thầy trụ trì chấp nhận cho tập sự xuất gia. Trước đó, Ngài đã được theo học Nho với cụ Cử trong làng và được cha mẹ dạy bảo giáo lý Phật đạo căn bản, nên ngày 16 tháng 11 cuối năm, Ngài được cầu giới Sa di tại chốn Tổ Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội do Tổ đệ nhị Quảng Gia làm Hòa thượng giới đàn. Cũng từ đây, Ngài được Tổ cho làm thị giả tu học tại trường Phật học chùa Bồ Đề. Năm sau 1901, Ngài được Tổ cho lễ Sư tổ Phổ Tụ – Tế Xuyên tham học đạo thiền, ở đâu Ngài cũng được thầy mến bạn yêu, chuyên trì giới luật, nghiêm thân tiến đạo.
Năm 20 tuổi (Giáp Thìn – 1904), Ngài được nghiệp sư cho đăng đàn cầu Đại giới tại Tổ đình Tế Xuyên ngày 15 tháng 2, theo học đắc pháp nơi tổ Phổ Tụ (đệ tam Tổ chùa Bảo Khám, làng Tế Xuyên) với pháp danh Thông Đoan. Trải qua năm năm nương thừa học đạo, Ngài không rời Thầy nửa bước.
Năm Bính Thìn (1916) mở rộng tầm hiểu, Ngài xin phép Tổ Tế Xuyên du tích tham phương học đạo nơi Tổ Thanh Hanh (Thiền Gia Pháp Chủ Phật Giáo Bắc Kỳ) trải qua 10 Hạ tại chốn Tổ Vĩnh Nghiêm.
Năm Bính Dần (1926) Tổ Phổ Tụ thị tịch, Ngài từ biệt thầy bạn trở về Tế Xuyên thụ tang, đền đáp công ơn giáo dưỡng giới thân tuệ mệnh của Tôn sư.
Năm Mậu Thìn (1928), Ngài nhận lời thỉnh cầu của nhân dân làng Thượng Nông (huyện Lý Nhân, Hà Nam) trụ trì chùa Bảo Khám-Tế Xuyên, trùng tu Bảo điện, Tổ đường nhất nhất trang nghiêm, thiện tín quy y, Tăng Ni cầu pháp tham học vài trăm người.
Năm Canh Ngọ (1930), Ngài giao chùa cho trưởng tử trụ trì, còn Ngài đến trụ trì và xây dựng chùa Bà Hướng (thôn Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Năm sau Tân Mùi – 1931, Ngài cùng nhân dân người hằng tâm, kẻ hằng sản tôn tạo phạm vũ nguy gia tráng lệ như ngày nay (ngôi chùa vốn có từ đời Trần lợp lá, vách đất, với truyền thuyết mẹ con bà Hướng), đồ chúng tham học, kiết Hạ an cư trở thành nơi hội tụ Tăng sinh lớn nhất vùng Nam Xương quận Lý.
Ngài còn trùng tu các chùa : Vạn Thọ (1932); Điện Bàn (1936), Đô Quan (1942). Tuy Phật sự đa đoan nhưng công việc giáo dục Tăng Ni vẫn được Ngài duy trì, ngoài ra còn phụ tá Hòa thượng Doãn Hài (Tổ Tế Cát) duy trì nề nếp Tổ đình Tế Xuyên, mở Hạ an cư hàng năm cho Tăng Ni sơn môn quy tụ. Ngài cũng là bạn đồng hàng tâm đắc với Hòa thượng Tuệ Tạng (Thượng thủ Tăng Già toàn quốc 1952) chung xây dựng Phật học Bắc kỳ. Tờ báo Đuốc Tuệ ra đời, Ngài đóng góp trí tuệ tài năng và vật lực duy trì tiếng nói của Bắc kỳ Phật giáo.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài là Trưởng phái đoàn Phật giáo đến yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Cũng năm này, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam thành lập, Ngài được Hội suy tôn trong Ban Chứng Minh Đạo Sư. Đầu năm 1959, Hòa thượng Doãn Hài viên tịch, Ngài nhận lãnh trách nhiệm thống lãnh sơn môn, làm chủ các khóa Hạ tại Tổ đình Tế Xuyên, làm thầy Hòa thượng các giới đàn của tỉnh Hà Nam.
Giờ Thìn ngày mồng 10 tháng 5 năm Nhâm Dần (1962), sau 2 ngày thị bệnh, Hòa thượng an nhiên xả báo thân, trải qua 79 năm ứng tích Sa bà, 68 mùa kiết Hạ an cư.
Hòa thượng Thích Thiện Bản đã để lại cho môn đồ đệ tử và Tăng Ni hậu học đức tính khiêm cung, tinh thần hiếu học, cần mẫn, nhiệt tình trong mọi công việc. Suốt đời vì sự nghiệp đào tạo Tăng tài, mà kết quả đó thể hiện trong số các đệ tử : Hòa thượng Thích Tâm Tịch (Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam), Hòa thượng Trí Hải; Hòa thượng Tâm Nguyện; Hòa thượng Tâm Thông… Nếu có ai đó qua các ngôi già lam tự viện mà trong cuộc đời Ngài có tác phúc hưng công, dừng gót ngắm cảnh, chiêm ngưỡng Phật đài tham quan kiến trúc, tất cả có lẽ đều khâm phục tài năng kiến trúc nghệ thuật nơi Ngài, thể hiện tinh thần tận tụy đối với công việc phúc quả viên thành. Chính những thành quả đó đã tô thắm cho danh thắng địa phương, góp phần làm phong phú đa dạng nền văn hóa Phật giáo Việt Nam.