“Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” là một bộ Thiền sử Trung Hoa có thể nói là xưa nhất nhì và hoàn bị nhất mà từ khi ra đời vào năm đầu niên hiệu Cảnh Đức nhà Tống (1004) cho đến nay , trải qua hơn 1000 năm mà chưa có ai phiên dịch hay chú giải vì sách vừa đồ sộ về sung lượng (Tiểu truyện 1701 Thiền sư), lại vừa rất khó hiểu ở văn Lý và Thiền ý.
Cho nên một dịch phẩm đầy đủ, trọn vẹn, nhất quán mà lại có chất lượng là rất cần không chỉ riêng cho các tăng, ni sinh mà cho cả những ai trong nước Việt Nam ta, muốn hiểu Thiền phong Trung Hoa nói riêng và lãnh vực Thiền nói chung…
(Bảy vị Phật – 27 Tổ Tây Thiên – 6 Tổ Đông Độ – 1661 Thiền Sư – Cộng Chung 1701 Vị)
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄), gọi tắt là Truyền Đăng Lục, là tác phẩm lịch sử cổ nhất của Thiền tông Trung Quốc, do Thiền sư thuộc tông Pháp Nhãn là Đạo Nguyên, môn đệ của Quốc sư Thiên Thai Đức Thiều biên soạn vào năm Cảnh Đức, đời Tống Nhân Tông (1004). Lục là ghi chép, Truyền Đăng là thắp sáng ngọn đèn Phật pháp trao truyền chánh pháp giữa các thế hệ thầy trò nối nhau không dứt. Nội dung chính của Truyền Đăng Lục nói về sự truyền thừa của chư tổ cho đến Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958).
Cảnh Đức truyền đăng lục gồm 30 quyển có thể xem là quyển chính sử của Thiền tông Trung Hoa và Ấn Độ vì trong đó ghi chép về công hạnh, cơ duyên ngộ đạo của hơn 1701 vị tổ Thiền tông Ấn Độ và Trung Hoa. Rất nhiều công án thiền nổi tiếng được ghi chép lại lần đầu tiên trong Truyền Đăng Lục. Truyền Đăng Lục ghi chép bắt đầu từ 7 vị Phật trong quá khứ (gồm cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Truyền đến nhị tổ Ma Ha Ca Diếp qua tích Niêm Hoa Vi Tiếu đến A Nan rồi từ từ đến đời thứ 28 là Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma dong thuyền ra khơi đến Trung Hoa được tôn làm Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa. Từ đây mở ra một thời kỳ huy hoàng của Thiền tông Trung Hoa theo lốiTổ Bồ Đề Đạt Ma ngồi diện bích 9 năm ở Thiếu Lâm Tự núi Thiếu Thất – Tung Sơn rồi truyền y bát cho nhị tổ Huệ Khả, tam tổ Tăng Xán, tứ tổ Đạo Tín, ngũ tổ Hoằng Nhẫn rồi đến lục tổ Huệ Năng. Tương truyền Lục Tổ Huệ Năng là người phương Nam và hoàn toàn không biết chữ. Sau thời Lục Tổ thì y bát không truyền nữa, Thiền Tông Trung Hoa phân chia thành 5 dòng khác nhau trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Thiền tông Lâm Tế mà ngày nay đang phát triển lớn mạnh ở Việt Nam.