NGƯỜI CÓ TRÍ KHÔNG NÊN KHÉP CHẶT QUAN ĐIỂM

Trong nhận thức của người nông dân nghèo thường không biết đến sinh hoạt của nhà giàu có; trong nhận thức của nhà giàu có, lại không biết đến sinh hoạt của bậc đế vương. Tuy cùng ở trong cõi người nhưng các giai cấp sang hèn, cao thấp đã khác biệt nhau rất xa, huống chi đem so con người với chư thiên cõi trời, hoặc đem cõi trời so với Tịnh độ của chư Phật.

Người ta cho rằng kẻ đọc sách nhiều hẳn chỗ thấy biết phải rộng. Nhưng không biết rằng [có những trường hợp] càng đọc sách thì chỗ thấy biết càng thêm hẹp hòi. Đó là vì cố chấp vào những kiến thức đã được tiếp nhận trước, cố kết trong lòng thành định kiến không thể xóa bỏ, thay đổi.

Nói chung, chỗ thấy biết của người ta, bất quá cũng chỉ nằm trong phạm vi của một cõi nước, không biết rằng số lượng thế giới thật nhiều không cùng tận, số lượng mặt trời, mặt trăng cũng không thể cùng tận. Người thiển cận thì chỉ biết con người ban đầu vốn sinh ra từ đời Bàn Cổ, nhưng không biết rằng từ thuở kiếp sơ thế giới vừa thành lập, từ khi Đại Bình Đẳng Vương khai sáng đất nước trở về sau, đến nay đã trải qua đến tiểu kiếp thứ chín rồi; chỉ biết riêng một xứ sở này, gọi tên là Trung Hoa, nhưng không biết chỉ trong một châu Diêm-phù-đề, chỗ mà mình tự gọi là Trung Hoa đó, vốn thật có đến mười sáu nước lớn, năm trăm nước ở hạng trung bình và mười vạn nước nhỏ; chỉ biết con người sống được đến tuổi bảy mươi đã gọi là “xưa nay ít có”, không biết rằng từ thuở kiếp sơ con người vốn đã sống trung bình đến tám vạn bốn ngàn năm mới chết; chỉ biết ở nơi đây muốn có y phục, thức ăn uống đều phải vất vả cày ruộng dệt vải, không biết rằng nơi các cõi trời hay cõi Tịnh độ của chư Phật thì chỉ cần nghĩ đến các nhu cầu ấy đã tự nhiên hiện ra; chỉ biết rằng vàng bạc tiền của ở cõi này muốn có được thật hết sức khó khăn, không biết rằng nơi các cõi Phật trong mười phương, mặt đất đều bằng bảy báu tạo thành; chỉ biết chữ viết ở cõi này theo pháp lục thư của Thương Hiệt tạo thành, không biết rằng từ sau khi sáng lập thế giới, vốn đã có đến sáu mươi bốn cách viết chữ; chỉ biết được đôi ba quyển sách như Tả truyện, Quốc ngữ, Sử , Hán thư… đã vội cho là bậc tôn quý văn chương uyên bác, không biết rằng trên điện Phổ Quang Minh, rương hòm chứa sách chất cao như núi; chỉ biết xác thân xương thịt của con người đều do tinh cha huyết mẹ hòa hợp mà thành, không biết đến việc thể chất gửi vào thai sen, sinh ra ở cõi thơm tho tinh khiết tột cùng, hoàn toàn không từ bụng mẹ mà ra; chỉ biết cưới được một cô vợ gầy còm vàng vọt liền hết sức thương yêu chiều chuộng, trân quý như vàng như ngọc, ngày đêm thích thú lắng nghe tiếng oanh vàng thỏ thẻ; đâu biết rằng khi Chuyển luân vương ngự giá, ngoài nàng ngọc nữ là vợ chính ra, còn có đến hai vạn phu nhân diễm lệ theo hầu, đến như Thiên vương ở cõi trời Đao-lợi thì riêng số ngọc nữ đã tính lên đến hàng vạn ức; bên cạnh mỗi một nàng ngọc nữ ấy đều hóa hiện một thân của Thiên vương để hưởng sự vui thú; chỉ biết rằng con người là loài tối linh trong muôn loài, có thể giúp dật vào sự khai hóa, nuôi dưỡng của trời đất, đâu biết rằng con người bất quá cũng chỉ là một trong sáu đường luân hồi, là một trong bốn cách sinh ra, là một pháp giới trong mười pháp giới; chỉ biết tôn sùng một vài bậc thánh nhân liền cho đó là những bậc không ai sánh kịp, ngoài ra hết thảy những thánh thần nào khác đều một mực cho là không đáng để tin theo, một mực cho rằng những gì mình chưa từng nhìn thấy đều là chuyện hoang đường, không biết rằng mỗi một đất nước đều có một số vị thánh nhân chủ trì sự giáo hóa, nhân loại có nhiều đất nước, trong cõi Diêm-phù-đề có tất cả đến sáu ngàn bốn trăm chủng tộc khác nhau, đâu chỉ riêng ở đất nước Trung Hoa này mới có thánh nhân!

Than ôi! Những cảnh giới rộng lớn bao la như thế, những kẻ chỉ biết chạy theo âm thanh, hình sắc, tiền tài vật chất, sao có thể hé thấy được đôi chút trong đó? Ví như con giun đất, chỉ biết được niềm vui ăn đất trong phạm vi một thước, không biết đến rồng xanh quẫy vọt giữa biển lớn, vẫy vùng trong muôn đợt sóng. Lại ví như con bọ hung, chỉ biết được niềm vui chui rúc trong đống phẩn dơ, không biết đến chim đại bàng vỗ cánh bay xa chín vạn dặm, cưỡi gió đạp mây.

Cho nên, người học Phật cần phải có được cái nhìn hết sức sáng suốt.