Hỏi:
Ngài Vân Môn nói “cái áo, cây gậy”: thì đối với Tiểu thừa là vô ngã, đối với Trung thừa là do duyên hợp mới có, đối với Đại thừa thì nói cái áo là không, đối với Thiền sư của Tối thượng thừa nói cái áo là cái áo, cây gậy là cây gậy. Như vậy là như thế nào?
Đáp:
Thí dụ như vậy người ta khó hiểu. Sanh tử thì Tiểu thừa chấp có sanh diệt, Trung thừa không thấy sanh mà thấy diệt, Đại thừa thấy sanh và diệt như hoa đốm trên không, Tối thượng thừa không có giáo lý chỉ là trực tiếp thực hành, nhưng không nghịch với giáo lý. Tam thừa có giáo lý (Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa). Mỗi mỗi có pháp thiền đều có giáo lý.
Như Tiểu thừa có pháp thiền là Ngũ đình tâm quán (5 thứ thiền quán để đình chỉ tâm), Trung thừa là 12 nhân duyên, Đại thừa có 3 thứ thiền quán là Sa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na; giống như Pháp hoa tông là Giả quán, Không quán, Trung quán; giống chứ không có khác. Tất cả Đại thừa đều có 3 thiền quán này.
Tam thừa có xen lộn cái lý trong đó, Tối thượng thừa không có lý, tất cả đều y như cũ, không có đem cái lý để cho là phải hay không phải, cho là đúng hay là không đúng, cho là hợp lý hay không hợp lý.
Kinh Đại Niết Bàn có ngài Ca Diếp thay mặt cho đại chúng hỏi Phật: tại sao phàm phu có điên đảo tưởng mà có phiền não, còn bực thánh cũng điên đảo tưởng mà không có phiền não?
Phật nói: tại sao bực thánh có điên đảo tưởng?
Ca Diếp nói: phàm phu gọi con trâu là con trâu, con ngựa là con ngựa thì bực thánh gọi con trâu là con trâu, con ngựa là con ngựa, không phải là điên đảo sao?
Phật giải thích tưởng có hai thứ:
Một thứ là thế lưu bố tưởng (thế là thế gian, lưu là lưu hành, bố là phổ biến) và trước tưởng. Phàm phu ở nơi thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, tức là gặp cái nào cũng chấp thật, nói con trâu chấp con trâu là thật, nói con ngựa chấp con ngựa là thật, nhà cửa cây cối đều vậy.
Bực thánh vì hoằng pháp muốn cho phàm phu nghe cũng phải nói theo lời của phàm phu, gọi con trâu là con trâu, con ngựa là con ngựa; nhưng không có chấp thật (trước tưởng), trước tưởng gọi là điên đảo tưởng. Không có trước tưởng thì con trâu vẫn là con trâu, con ngựa vẫn là con ngựa, chỉ là lời nói, chứ không có chấp thật; tức không có đem ý mình cho con trâu là thật hay giả.
Như Đại thừa nói không quán, giả quán; Tối thượng thừa không có cái đó, tức không có sự đối đãi; cái nào vẫn y như cũ, không đem ý mình xen vô.
Thiền tông có công án: Trung Quốc có Tòng Lâm ở trên núi là của mười phương, không thuộc về ai, Tỉnh trưởng biết ai kiến tánh rồi mời làm trụ trì, người nhận chức trụ trì thì Tỉnh trưởng không can thiệp nội bộ Tòng Lâm. Nhưng Tỉnh trưởng có quyền mời làm trụ trì và có quyền thôi trụ trì.
Ở giữa đường lên núi có một cái Đàm Không Đình (đàm là đàm luận, không là nghĩa không). Có một hôm, Tỉnh trưởng gặp Vị trụ trì kiến tánh.
Tỉnh trưởng hỏi: Thế nào là Đàm Không Đình?
Vị trụ trì đáp: Đàm Không Đình là Đàm Không Đình.
Nhưng Tỉnh trưởng nghe bất mãn, rồi đi hỏi một vị chưa kiến tánh: Thế nào là Đàm Không Đình?
Người ấy đáp: Chỉ đem Đình thuyết pháp, đâu cần miệng đàm không!
Tỉnh trưởng nghe thấy hay quá, rồi thôi Vị Trụ trì kiến tánh, mời người chưa kiến tánh làm trụ trì. Vì người chưa kiến tánh đem ý của mình xen vô thì tỉnh trưởng nghe thấy có lý, còn vị kiến tánh thì cái gì vẫn y nguyên vậy, chứ không có ý của mình xen vô.
Không có ý của mình xen vô thì người ta không chịu, tại tánh con người ham nghĩa lý. Cho nên, Tăng Ni sinh của Phật Học Viện khắp thế giới rất đông, những người học thiền rất ít, vì không có lý để học.