Hòa thượng pháp danh Suvanna Dhamma (Thiện Pháp). Thế danh Tăng Sanh, sinh năm 1897 nhằm ngày 6 tháng 4 năm Đinh Dậu, tại làng Gò Đất, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá.
Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân thuần hậu, thân phụ là cụ ông Tăng Keo và thân mẫu là cụ bà Danh Thị Ni. Ngài là người con út trong gia đình, trên Ngài còn có 7 anh chị.
Năm 1905, khi lên 8 tuổi, Ngài được song thân cho vào chùa Bom-Pênh-Chey-Svai, xã Sóc Sơn, huyện Châu Thành học chữ Khmer với Ngài Danh Huôi.
Năm 1909, sau hơn 4 năm học chữ, làm quen nếp sống giải thoát, Ngài xin phép cha, mẹ được cắt ái từ thân, phát tâm xuất gia lúc 12 tuổi và được thọ giới Sa di nơi Hòa thượng Danh Huôi.
Đến năm 19 tuổi, Ngài xin phép Thầy tế độ trở về chùa Gò Đất ở quê của mình theo truyền thống để thăm xóm làng, bái biệt cha mẹ, trước khi chính thức bước vào hàng Tăng lữ.
Năm 1917, khi tròn đủ 20 tuổi, Ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Suvanna Ransì Khlang Ong (Minh Lương, Châu Thành, Kiên Giang). Do Hòa thượng Tăng Phêng làm Thầy tế độ, Ngài Danh Tuôch làm Thầy Giáo thọ và Ngài Tăng Hiên làm Thầy Yết ma. Sau khi thọ Cụ túc giới, Ngài trở về chùa Gò Đất nhập Hạ hết hai năm để trau dồi đạo nghiệp.
Năm 1920, với mong mỏi tiến tu Tam học, Ngài xin phép thầy trụ trì chùa Gò Đất, đến chùa Suvanna Ransì Khlang Ong, là nơi Ngài thọ Đại giới, để được thân cận thầy Tổ phụng Sư học đạo. Nơi đây, Ngài tiếp tục học chữ Khmer, học giáo lý Vini (Vinaya); chẳng bao lâu, với sự nỗ lực, tinh cần, Ngài đã khá tinh thông Phật pháp, thông thạo việc chép kinh điển trên lá muôn. Tiếng tăm của sự tinh thông ấy bắt đầu tỏa sáng; Hòa thượng Trưởng ban Phật giáo tỉnh là Mé-Kon Gana đã mời Ngài cộng tác, giao trách nhiệm là người chuyên chép kinh điển trên lá muôn, soạn thảo tài liệu để học tập và truyền bá Phật pháp.
Năm 1924, thấy Ngài có chí khí hoằng dương đạo pháp, có đức hạnh nhu hòa, khiêm tốn, Hòa thượng Mé-Kon, cùng thầy Tổ đã tấn phong Ngài lên Thượng tọa, và giao phó trách nhiệm làm Phó trụ trì chùa Suvanna Ransì Khlang Ong. Với trọng trách mới, Ngài càng ra sức tu trì, giới luật nghiêm minh, và góp phần sửa sang chùa cảnh, xây dựng thêm liêu, cốc, trai đường, giảng đường làm nơi tu học cho Tăng chúng.
Một thời gian sau, Hòa thượng Tăng Phêng viên tịch, với sự chuyên tâm tu học và chăm phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, Ngài được Tăng chúng trong bổn tự, cùng đông đảo đồng bào Phật tử tín nhiệm đề cử lên chức vị trụ trì kế vị.
Năm 1942, nhờ uy tín và đạo hạnh nghiêm minh, Ngài được các hàng giáo phẩm tấn phong lên Hòa thượng. Từ thời gian này trở đi đến cuối đời, Ngài không ngừng làm việc phụng sự đạo pháp. Trong những năm chiến tranh tàn phá, Ngài đã cố công sửa sang lại chùa cảnh, mở rộng khuôn viên đất chùa, để làm nơi cho Tăng chúng tu học và đồng bào Phật tử lui tới sinh hoạt tín ngưỡng. Ngoài ra, với tâm niệm “Tu phải Học”, Ngài cho xây cất trường lớp, mở lớp học phổ cập dạy chữ, dạy kinh để thoát nạn mù chữ cho các Sư và tín đồ dân chúng địa phương.
Năm 1962, qua những năm tích cực hoạt động phụng đạo, ích đời, Ngài được tiến cử chức vị Phó Mé-Kon. Lúc này, tuổi đời đã 65, tuy tuổi cao sức có yếu, nhưng Ngài vẫn cố gắng phục vụ Phật pháp, kêu gọi hướng dẫn đồng bào Phật tử tu học, đặc biệt hướng dẫn các vị trụ trì tiến tu Phật học, song song trau dồi thêm kiến thức thế học, để đủ khả năng truyền bá đạo Phật ở thế gian. Trong thời gian này, Ngài đã kiến tạo một ngôi tháp lớn, để an vị tôn thờ xá lợi của thầy Tổ là cố Hòa thượng Tăng Phêng, và nhiều ngôi tháp nhỏ xung quanh chánh điện của chùa. Sau buổi lễ khánh thành tháp xá lợi tôn sư, ý nguyện đã thành tựu, do bệnh duyên tứ đại hoành hành, Ngài phải nằm bệnh nhưng vẫn khuyên bảo, chỉ dạy các hàng đệ tử xuất gia và tại gia chuyên tâm tu học, đoàn kết phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Đến 9 giờ sáng ngày 16 tháng 01 năm 1970, tức nhằm ngày 09 tháng 12 năm Kỷ Dậu, theo lẽ vô thường có sinh tức có diệt, Ngài đã thu thần thị tịch, về cảnh vô dư thường lạc, trụ thế 73 năm, hưởng 53 tuổi Hạ. Sau 15 ngày đêm tổ chức lễ tang, Kim quan của Ngài được trà tỳ và nhập tháp xá lợi ngay tại chùa, để Tăng chúng tín đồ được chiêm ngưỡng, tôn thờ.
Hòa thượng Suvanna Dhamma Tăng Sanh đã có công lớn trong việc trùng hưng kinh sách, truyền bá đạo pháp và hướng dẫn mọi người thực hành đúng theo phương châm tu hành “duy Tuệ thị nghiệp”, lợi lạc chúng sanh. Ngài để lại sự kính ngưỡng cho Tăng chúng, Phật tử Phật giáo Khmer ở miền Tây Nam bộ.