Hòa thượng Thích Bình Minh, pháp danh Quảng Tuấn, thế danh Nguyễn Bình Minh, sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Tý (10-11-1924) tại xã Hương Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Chữ và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Ninh. Ngài là con út trong gia đình có bốn trai hai gái, nên được học hành chu đáo cả Nho lẫn Tây học.
Gia đình Ngài đều là những Phật tử thuần thành. Trung tuần tháng 6 năm Mậu Dần (1938), Ngài được song thân cho phép xuất gia và được Sư cụ Thanh Tiên, trụ trì chùa Tuân Lục, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nhận làm đệ tử và truyền thụ tam quy ngũ giới.
Cuối năm 1938, Ngài được truyền thụ Sa Di giới và tu học ở chùa Tuân Lục được hơn một năm. Cuối năm 1939, khi Sư cụ Thanh Tiên vào trụ trì tại chùa Lễ (An Lạc) thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An, Ngài được theo Bổn sư.
Ngài tu học tại đó đến giữa năm 1944 thì ra chùa Quán Sứ, được Hòa thượng Trí Hải quan tâm đưa sang chùa Bồ Đề (huyện Gia Lâm) theo học Tổ Tuệ Tạng (tức Tổ Cồn) và sau đó lại trở về chùa Quán Sứ học Duy Thức học do Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu) giảng.
Vào đầu năm 1945, Ngài được cử đi trụ trì chùa làng Phú Nghĩa Hạ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mới được nửa năm thì Cách Mạng Tháng Tám thành công, Ngài trở lại chùa Quán Sứ và sau đó Ngài về chùa Cồn (Nam Định) theo Tổ Tuệ Tạng để tu học.
Từ cuối năm 1945 đến giữa năm 1954, Ngài y chỉ hẳn vào Tổ Tuệ Tạng để tu học và đã theo hầu Tổ trú chân đó đây nhiều cảnh chùa như Quần Phương Trung, Nam Anh, Cát Chữ, Nội, Sở, Vọng Cung, Quán Sứ v.v…
Vào trung tuần tháng 3 năm Mậu Tý (1948), Tổ Tuệ Tạng tổ chức giới đàn để truyền thụ Tỳ kheo giới cho Ngài và các bạn đồng tu có giới hạnh.
Từ năm 1951 đến 1954, Tổ cho Ngài ra ở chùa Quán Sứ để học Trung cấp ngoại điển. Sau Hiệp định Genève, Ngài vào Nam để tham cứu thêm nội điển nơi các bậc Tôn đức Phật giáo đàng trong. Đầu tiên, Ngài tạm trú tại chùa Ấn Quang, nơi có Phật học đường Nam Việt đang mở do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc cũng là đồng hữu tu học môn Luật tạng với Ngài tại chùa Cồn.
Đầu năm 1955, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam ra đời, chùa Giác Minh được thành lập, Ngài về chùa Giác Minh giữ chức Giảng viên kiêm Thủ quỹ. Sau đó Ngài về chùa Giác Hoa ở Gia Định để học thêm ngoại ngữ và nghiên cứu nội điển. Cũng trong năm này, Ngài cùng một số vị Tăng hữu sang Campuchia tham quan các ngôi chùa nổi tiếng và tìm hiểu về Phật giáo Nguyên Thủy.
Năm 1957, Ngài được cử giữ chức Tổng thư ký Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, tiếp theo Ngài làm Ủy viên Hoằng pháp, rồi cố vấn giáo lý và Chánh Duy Na chùa Giác Minh cho đến năm 1960.
Năm Tân Sửu (1961), Ngài khai sơn cảnh chùa riêng do Ngài tự tạo để tìm sự yên tĩnh tư duy về giáo lý và giảng dạy Tăng tín đồ. Đó là chùa Hòa Bình ở đường Lê Văn Duyệt, quận 10 Sài Gòn. Tại nơi đây chính thức bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa của Ngài. Tăng tín đồ khắp nơi quy ngưỡng về học Giáo lý và Luật tạng rất đông và đều đặn.
Năm 1964, Ngài được bầu làm Đặc Ủy Tăng Sự Miền Vĩnh Nghiêm, và giữ chức vụ ấy đến ngày thống nhất đất nước (1975). Trong thời gian này, Ngài cùng Hòa thượng Thích Thanh Kiểm hướng dẫn một đoàn Phật tử Việt Nam tham quan chiêm bái thắng tích các cảnh chùa ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (năm 1967). Rồi cùng các Hòa thượng trong đoàn Phật giáo Việt Nam đi thăm viếng Phật giáo các nước Lào, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông (1969). Trong những năm này, Ngài được mời làm Giáo sư giảng dạy tại Phật học viện Việt Nam Quốc Tự.
Năm 1972, Ngài được Giáo Hội cử đi dự Đại hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới lần thứ 10 tại Tích Lan (Colombo) cùng với các Hòa thượng Thanh Kiểm, Độ Lượng, Kim Sang. Sau đó Ngài được cơ duyên thăm viếng các ngôi chùa nổi tiếng tại Kandy, Anuradhapura, Mihintale.
Cuối năm 1972 đến năm 1973, Ngài được mời làm Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Phật học Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, sau đó làm Đặc Ủy Phật học miền Vĩnh Nghiêm cho đến ngày thống nhất đất nước, và tiếp tục giữ chức Ủy Viên Quản Trị chùa Vĩnh Nghiêm suốt những năm về sau.
Năm 1983-1984, Ngài dạy luật tại Phật học viện Thiện Hòa chùa Ấn Quang, và phụ trách môn Kinh Luật tại các trường hạ Vĩnh Nghiêm, Giác Ngộ và các Phật học Ni trường cùng giảng giáo lý phổ thông cho Phật tử tại chùa Hòa Bình. Đặc biệt, qua các lớp chuyên khoa Luật học tại chùa Hòa Bình, Ngài đã tạo được một thế hệ kế thừa vững chắc về căn bản giáo điển cần thiết để thi hành nhiệm vụ Sứ Giả Như Lai.
Ngoài việc giảng dạy, Ngài còn biên soạn các giáo trình, phiên dịch các kinh điển phổ cập và công trình cuối cùng là phiên dịch bộ luật Yết Ma Chỉ Nam ra tiếng Việt, giúp cho Tăng Ni có điều kiện hành sự tác pháp Thiền môn đúng luật. Bên cạnh đó, Ngài tổ chức việc tác pháp tụng giới đều đặn tại giới tràng chùa Hòa Bình cho Tăng sinh các nơi về đây thực tập, và là giới tràng tụng Bồ Tát giới cho cư sĩ Phật tử.
Nhưng hữu thân tức hữu bệnh, một bệnh nan y đã khiến Ngài ra đi về cõi Phật vào ngày 15 tháng 11 năm Mậu Thìn (23-12-1988) tại chùa Hòa Bình trong sự luyến tiếc của Tăng Ni Phật tử. Ngài trụ thế được 64 năm với 40 hạ lạp.
Hòa thượng đã biên soạn và phiên dịch các tác phẩm :
Phật Giáo giáo khoa (biên soạn).
Kinh 42 Chương (dịch).
Kinh Di Giáo (dịch).
Nghi thức phổ thông (biên soạn).