Hòa Thượng Thích Phổ Huệ (1870-1931)

Hòa thượng Thích Phổ Huệ người họ Trần sinh năm Canh Ngọ – 1870 tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định (đồng hương với Quốc sư Phước Huệ). Năm 12 tuổi (Nhâm Ngọ – 1882) Ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Từ Mẫn, tại chùa Tịnh Lâm, làng Chánh Lộc, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được đặt pháp hiệu là Phổ Huệ.

Sau một thời gian tu học tại chùa Tịnh Lâm, Ngài được Hòa thượng Bổn sư Từ Mẫn cho vào tham học Phật pháp với Hòa thượng Pháp Hỷ, tỉnh Phú Yên.

Đến khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài kế tục trụ trì chùa Tịnh Lâm và kiêm nhiệm trụ trì chùa Bảo Phong (chùa Bảo Phong cách chùa Tịnh Lâm khoảng 03 cây số về phía Đông).

Khoảng năm Mậu Thân – 1908, cũng như Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp), Ngài được triều đình Huế thỉnh vào trong hoàng cung để thuyết pháp. Vì thế, Ngài được tôn xưng là “Pháp sư Phổ Huệ” và là một ngôi sao sáng của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau thời gian hoằng hóa tại Huế, Ngài trở về chùa Tịnh Lâm, mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp. Vốn là bậc chân tu thạc đức, lại có biệt tài thuyết pháp, nên đạo tràng Tịnh Lâm lúc này rất thịnh vượng, tiếng tăm vang khắp cả Trung kỳ.

Ngoài ra, Ngài còn có biệt tài về thi ca, đã sáng tác nhiều bài thơ, kệ mang đậm ý Thiền, còn lưu truyền mãi đến ngày nay.

Vào năm 1901, Ngài Viên Thành (1879 – 1928) khai sơn chùa Tra Am – Huế có nhân duyên hội ngộ Ngài Phổ Huệ tại Đại giới đàn tỉnh Phú Yên (Ngài Phổ Huệ lúc này làm Giáo thọ Sư tại đây) rất lấy làm cảm phục kiến thức và đức độ của Ngài, ước ao được thân cận để học hỏi, nhưng không được thỏa nguyện, nên Ngài Viên Thành đã làm bài thơ sau đây kính tặng Ngài Phổ Huệ :

Bình bát truy tùy dĩ hữu niên
Đạo năng thâm khế diệc tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa ưng trụy
Quý phạp Tô Tuân chí học kiên”
Dịch:  Y bát bên mình trọn mấy niên
Đạo tình thâm áo cũng tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa rơi rụng
Thẹn với Tô Tuân chí học bền.

Nguyễn Lang dịch)

Khoảng năm 1926, Ngài Phổ Huệ có viết thư khen Ngài Viên Thành về bài bạt mà Ngài Viên Thành đã đề trong kinh Pháp Bảo Đàn ấn hành tại Huế năm 1925. Cảm động về bức thư này, Ngài Viên Thành liền gửi hai bài thơ vừa được sáng tác, trình bày kiến giải của mình, để cầu Ngài Phổ Huệ ấn chứng. Hai bài như sau :

Bài 1:  Tham thiền trực hạ liễu căn nguyên
Thánh giả phàm tinh lưỡng bất tồn
Đại đạo khởi tòng tâm ngoại đắc ?
Yếu giao nhất niệm tuyệt phan duyên.

Dịch:  Tham cứu cho lên tột cội nguồn
Còn đâu ai thánh với ai phàm
Ngoài tâm, đạo lớn tìm đâu thấy ?
Nhất niệm chuyên trì dứt vạn duyên.

Bài 2: Sơn cùng thủy tận chuyển thân lai
Bức đắc kim cương chính nhãn khai
Vạn tượng tòng trung thân độc lộ
Niết bàn, sinh tử tuyệt an bài

Dịch:  

Cùng non tột nước gửi thân về
Miễn được kim cương mở mắt ra
Vạn tượng bao la thân hiển lộ
Niết bàn, sinh tử có hề chi ?
(Nguyễn Lang dịch)

Khoảng năm 1927, nhân dịp du hóa Nam kỳ, đến Châu Đốc Ngài đã dừng chân một tháng tại chùa Phi Lai. Thấu rõ được nguyên lai và chí nguyện của vị sư trụ trì Thích Chí Thành nên Ngài Phổ Huệ đã làm bài thơ tán thán :

Đương thế Phi Lai chấn đạo tôn
Chí thành khí sắc cổ phong tồn
Phong lưu bất tẩy tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng tham tự tánh dung
Vân khứ, vân lai vô trụ trước
Hoa khai, hoa tạ tổng thành không
Phong quang hảo cực tư thời tận
Sa nhược linh san lạc bất ưng

Dịch:  

Chùa Tổ Phi Lai hương đạo xông
Chí thành nguyện tiếp bước Thiền tông
Phong lưu chẳng xóa tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng cầu tự tánh không
Mây lại, mây qua lòng há vướng
Hoa tàn, hoa nở tổng thành không
Gió thuận, thời lành xe pháp chuyển
Non thiêng cây báu mãi vun trồng

Ngoài bài thơ trên, Ngài còn cảm tác nhiều thi phẩm khác, nhưng hiện nay chưa sưu tập được.

Đệ tử đầu tiên của Ngài là Hòa thượng Huyền Giải, sau kế vị Ngài, trụ trì chùa Tịnh Lâm, và đệ tử kế tiếp tức giảng sư Trí Quang, kế thế trụ trì chùa Bảo Phong.

Năm 1931, Ngài viên tịch tại chùa Tịnh Lâm, trụ thế 61 năm hơn 40 tuổi đạo. Bảo Tháp tôn trí tại chùa Bảo Phong nơi Ngài đã sáng lập để môn đồ pháp quyến tôn thờ, chiêm ngưỡng và ghi mãi công ơn của một bậc Thầy tài năng và đức độ, đã góp phần to lớn, điểm tô nền Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu thế k XX thêm phần xán lạn rực rỡ, làm tiền đề cho phong trào Chấn hưng Phật giáo sau này.