Bộ Đại Tạng kinh Việt Nam này trọn bộ 37 quyển. 24 quyển đầu là Tạng Nikaya gồm Trường bộ, Trung bộ, Tương Ưng bộ, Tăng Chi bộ và Tiểu bộ được hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali. 13 quyển sau gọi là A-hàm, gồm: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, có nội dung tương đương với 4 bộ đầu trong Tạng Nikaya, được hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch từ bản Hán Văn.
Đây là Tạng kinh nguyên thủy của Phật giáo, không chỉ quan trọng đối với tu sĩ Nam tông nói riêng mà còn là bộ sách không thể thiếu của tu sĩ Phật giáo và những người muốn học Phật một cách căn cơ. Bộ sách với dung lượng vừa phải, những điều giảng dạy đều rất dung dị dễ hiểu nhắm vào pháp hành là chính, có lợi ích rất thiết thực và lớn lao. Người nào đọc qua Tạng kinh một lần sẽ có thể phát khởi niềm tin vào giáo lý đức Phật do thấy rõ nấc thang tiến đạo được chỉ dạy một cách chi tiết tường tận. Người nào đọc một cách thích thú, đọc nhiều lần và thực hành vài điều dạy trong Tạng thì niềm tin giải thoát hiện đời sẽ được củng cố và lớn mạnh, những đau khổ của đời sống thường nhật sẽ dễ dàng đi qua.
Chúng tôi ảnh ấn lại bản in cũ đã được ấn hành cách đây gần 30 năm, nhưng đây là bản in khổ nhỏ chữ to rất thuận tiện cho việc đọc và trì tụng. Ấn bản năm 2018 này, được tập thể Thư viện Huệ Quang xử lý cẩn trọng lại toàn bộ nên chất lượng tốt hơn rất nhiều so với bản lưu hành trước, số lượng in nhỏ lẻ nhưng chất lượng mực in và giấy in đều khá tốt, bìa được ép kim, gáy mo, có tờ gác và có hình Phật in màu đầu mỗi quyển. Ngoài bản thường còn có ấn bản quét củ nâu truyền thống nhằm bảo quản và tăng sự trang trọng cho bộ kinh.
Nếu có ai đó phát tâm bế quan trì tụng hết bộ kinh này thì thật là tam sinh hữu hạnh cho vị ấy và phúc phần cho việc làm của chúng tôi.
Huệ Quang, mùa thu năm Mậu Tuất, 2018
TM.Thư viện Huệ Quang
Về dịch giả
Hòa thượng Thích Minh Châu (1918 – 2012) là một tu sĩ Phật giáo người Việt Nam. Sư là một tăng sĩ cao cấp, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hiệu trưởng trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo quốc tế, Phó chủ tịch Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa bình (ABCP) và là Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam. Sư còn là một học giả và là một dịch giả với nhiều công trình phiên dịch kinh Tạng Pàli.
Sư thế danh là Đinh Văn Nam, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; là con thứ tư trong gia đình có 11 người con. Cha là Đinh Văn Chấp, người làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, từng đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7, khi mới 21 tuổi. Mẹ là bà Lê Thị Đạt.
Chịu ảnh hưởng từ gia phụ, nên rất chăm học và trí tuệ phát triển sớm. Năm 1939, thi đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học Đông Dương, năm 1940 đỗ Tú tài Toàn phần tại trường Khải Định (nay là trường Quốc Học – Huế) và cùng thời gian này, được bổ làm Thư ký tòa Khâm sứ, tỉnh Thừa Thiên (năm 22 tuổi). Ông cùng em là Đinh Văn Vinh đến tham gia với phong trào học Phật từ năm 1936 do Bác sĩ Lê Đình Thám tổ chức (Hội An Nam Phật học) đảm nhiệm chức Chánh Thư ký của Hội ông là hạt nhân nòng cốt phát động phong trào thanh niên tham gia nghiên cứu đạo Phật và là một trong những người sáng lập Đoàn Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ (tên cũ của Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam GĐPT sau này).
Ông xuất gia năm 1946 tại chùa Tường Vân (Huế). Từ năm 1952 đến năm 1961, ông du học và đậu thủ khoa Tiến sĩ Phật học với luận án “So sánh Tạng Pàli Trung Bộ Kinh với Tạng Hán A Hàm” (The Chinese Madhyama Agama and the Pàli Majjhima Nikàya – A Comparative Study) tại Đại học Phật giáo Nalanda (Ấn Độ).
Từ năm 1964 đến năm 1975, ông về lại Việt Nam giữ chức vụ viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, chuyên lo sự nghiệp giáo dục và dịch Kinh Tạng Pàli.
Năm 1976, ông thành lập Viện Phật học Vạn Hạnh. Năm 1979, ông tham gia vận động thống nhất và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, ông làm hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I tại Hà Nội. Năm 1984, ông mở Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1989, ông thành lập và làm viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Hòa thượng viên tịch lúc 9 giờ 5 phút ngày 16 tháng Bảy năm Nhâm Thìn (tức 1 tháng 9 năm 2012), thọ 95 tuổi. Lễ tang của hòa thượng được tổ chức ở Thiền viện Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh[1].
Theo http://vi.wikipedia.org