Phật Tử Thọ Giới Bồ-Tát Có Phải Trường Trai & Tuyệt Dục?

Truyền giới Bồ-tát cho Phật tử nên phân thành hai loại (kinh Phạm võng hoặc kinh Ưu-bà-tắc giới) để tùy duyên thọ nhận.

HỎI: Tôi năm nay 21 tuổi, là Phật tử muốn thọ giới Bồ-tát. Hiện tôi gặp trở ngại là ba tôi không cho phép, vì theo ba, người thọ giới Bồ-tát rồi phải ăn chay trường và không được lấy vợ. Tôi muốn hiểu rõ hơn về hai giới này. Làm sao để ba tôi đồng ý cho thọ giới?

(MINH, xx_cicadidae_xx@yahoo.com.vn)

ĐÁP: Bạn Minh thân mến!

Phát tâm thọ giới Bồ-tát là điều rất quý hóa. Tuy nhiên người thọ giới cũng cần tìm hiểu trước về giới Bồ-tát để tự lượng sức mình. Giới Bồ-tát đang được truyền thọ hiện nay, có loại chỉ dành riêng cho Phật tử tại gia, có loại dùng chung cho cả Phật tử xuất giaPhật tử tại gia.

Giới Bồ-tát dành riêng cho hàng tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới, gồm 6 trọng pháp và 28 khinh pháp. Giới Bồ-tát chung cho cả xuất gia và tại gia theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh.

Nếu Phật tử thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới được lập gia đình bình thường (Trong 6 trọng pháp, trọng pháp thứ 4: Không tà dâm); ăn chay vào các ngày trai (Trong 28 khinh pháp, khinh pháp thứ 7: Mỗi tháng thọ trì trai giới, cúng dường Tam bảo vào 6 ngày trai).

Nếu Phật tử thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới cũng vẫn được phép lập gia đình bình thường (Mặc dù, trong 10 giới trọng, giới thứ 3: Không dâm dục. Nhưng chú giải nói điều đó chỉ dành cho Phật tử xuất gia, còn Phật tử tại gia chỉ giữ Không tà dâm – Kinh Phạm võng Bồ-tát giới, HT.Thích Trí Tịnh dịch, THPG TP.HCM ấn hành, 1992, tr.67); ăn chay trọn đời (Trong 48 giới khinh, giới thứ 3: Không ăn thịt).

Như vậy, điều mà ba của bạn nói, chỉ đúng một phần (ăn chay trường) nếu ai thọ giới Bồ-tát theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới, và hoàn toàn không đúng cho những ai thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới. Vậy bạn nên phát tâm thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới để vừa nâng cao sự tu tập và vừa được mọi người trong gia đình hoan hỷ trợ duyên.

Nhân đây, chúng tôi thiết nghĩ, các giới đàn hiện nay khi truyền giới Bồ-tát cho Phật tử có thể phân thành hai, đàn truyền giới Bồ-tát theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới (chung cho Tăng Ni và Phật tử) và đàn truyền giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới (riêng Phật tử) để các Phật tử tùy duyên phát tâm thọ nhận. Nếu chỉ có một đàn truyền giới Bồ-tát theo kinh Phạm võng Bồ-tát giới thì Ban Kiến đàn cần thông báo cụ thể và hướng dẫn rõ ràng để tránh những bất cập về sau, Phật tử thọ giới rồi nhận ra quá sức mình, không giữ hết được.

Việc thọ giới Bồ-tát là sự phát tâm, tự nguyện và tự giác nhằm tiến tu hướng đến Phật quả. Thực tế hiện nay, nhiều Phật tử sau khi tìm hiểu giới Bồ-tát có khuynh hướng phát tâm thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới (dĩ nhiên là hành trì dễ dàng hơn). Do vậy, Giáo hội cũng như chư tôn đức Tăng Ni cần quan tâm kiến lập rộng rãi các đàn giới truyền giới Bồ-tát tại gia, giới Thập thiện cho Phật tử có phương tiện dấn thân tu học và phụng sự đạo pháp.

Liên quan đến vấn đề này, cố HT.Thích Trí Thủ đã từng định hướng, thiết nghĩ thế hệ kế thừa chúng ta cần quan tâm ứng dụng: “Chúng Phật tử tại gia vì trần vụ đa đoan, các sinh hoạt nghề nghiệp khác nhau rất nhiều, vai trò xã hội của mỗi người mỗi khác, do đó điều kiện để hành trì Phật pháp không thể thuần nhất được. Vì vậy Đức Phật đã chế nhiều trình độ và nhiều loại giới luật khác nhau cho các chúng đệ tử tại gia. Tựu trung có chúng Ngũ giới, chúng Thập thiện, chúng Bồ-tát giới. Nói rộng ra nữa, về chúng Bồ-tát giới, còn có giới pháp của luật Phạm võng, luật Anh lạc, luật Du-giàđịa, luật Thắng man, luật Ưu-bà-tắc giới kinh v.v… Tùy theo đó, mỗi địa phương và mỗi thời đại, tùy theo phong tục tập quán, tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước mà sự hành trì có khác nhau.

Do hoàn cảnh đặc biệt của nước Việt Nam ta và do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt trong khoảng hơn một nửa thế k trở lại đây, các giới pháp Thập thiện và Bồ-tát tại gia được tổ chức truyền thọ cho người tại gia càng lúc càng nhiều. Căn bản của các học giới này chính do Đức Thích Tôn chế định. Nhưng theo đà phát triển của lịch sửhội loài người và phạm vi địa lý mà đạo Phật được truyền bá trong đó, các Thánh tăng và các Bồ-tát trong từng thời từng xứ có một đôi chỗ châm chước cho thích hợp.

Ở Việt Nam, để thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh đất nước, hai hệ thống học giới được áp dụng cho Phật tử tại gia, ngoài học giới căn bản là Tam quy Ngũ giới. Đó là giới Thập thiện được rút ra từ trong kinh Thọ thập thiện giới và giới Bồ-tát tại gia được rút ra từ kinh Ưu-bà-tắc giới” (Tâm Như Trí Thủ toàn tập).

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn