Phật và Bụt đều là một hay khác? Có quan điểm nên gọi Phật là Bụt, xin cho biết ý kiến?
Bùi Đức Vinh, Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
Phật là từ Hán Việt phiên âm từ chữ Buddha trong tiếng Pali và Sanskrit. Phật là quả vị cao nhất của việc tu hành Phật giáo. Ngài là bậc trí tuệ tuyệt đối (Đại giác), chứng đạt cảnh giới Niết-bàn, không còn sinh tử luân hồi. Không thể nghĩ bàn về phẩm tính của Đức Phật vì mọi phẩm tính tuyệt đối đều thuộc về Ngài. Tuy vậy, Ngài không phải là đấng sáng tạo theo kiểu sáng tạo vũ trụ, quyết định về mọi sự của thế gian như ban thưởng hay trừng phạt, kiểu một vị Thượng đế mà một số tôn giáo quan niệm.
Phật được kinh điển diễn tả bằng nhiều danh hiệu, thuộc tính cao vời mang tính tuyệt đối ví dụ, Ngài là bậc có 10 lực (10 năng lực trí tuệ siêu phàm) với 10 hiệu: Như Lai (từ Chân Như mà đến), Ứng cúng (đáng được cúng dường), Chánh biến tri (biết khắp tất cả), minh hạnh túc (Trí tuệ và đức hạnh đầy đủ), Thiện Thệ (đi đến viên mãn, tốt đẹp), Thế gian giải (thông hiểu thế gian), Vô thượng sĩ (Không có ai có phẩm chất hơn Ngài), Điều Ngự trượng phu (Bậc điều ngự được mình và điều ngự chúng sinh), Thiên nhân sư (vị thầy của Trời và Người), Phật, Thế Tôn (Bậc giác ngộ, được thế gian tôn kính).
Từ Phật để chỉ những vị đã thành Phật với phẩm chất như trên, gồm nhiều vị trong thời quá khứ và có thể có nhiều vị trong tương lai. Từ Phật lại nhằm chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni), tức Đức Phật lịch sử xuất hiện là Thái tử Tất-đạt-đa (Siddharta) thành Ca-tỳ-la-vệ, nước Ca-tỳ-la-vệ của Ấn Độ cổ – Ngài đã lìa bỏ ngai vàng, tìm con đường thoát luân hồi, thành đạo và truyền đạo giải thoát trong suốt 45 năm cho đến khi chứng nhập Đại Niết-bàn.
Phật là từ Hán Việt, Bụt là từ Việt (Nôm) đều dùng để phiên âm từ Buddha. Có thể vài trăm năm trước Công nguyên, các nhà sư Ấn Độ đi theo các tàu buôn ghé lại nước ta và truyền khái niệm về Buddha cho người Việt, và chúng ta đọc trại là Bụt. Nhưng Bụt được hiểu như là vị thần phù hộ, cứu người hiền gặp khổ nạn. Bụt được tưởng tượng như vị tiên râu tóc bạc trắng, cầm phất trần, mặc áo tàu và có nhiều pháp thuật.
Đến khi Phật giáo Trung Quốc ảnh hưởng nước ta, từ “Fuo” phiên âm “Buddha” biến thành “Phật” theo âm Hán Việt. Tư tưởng Phật giáo trở nên sâu sắc hơn và từ Phật trở thành quen thuộc với người học Phật rồi lan truyền khắp nhân gian. Từ Bụt dần dần không còn phổ biến cho đến ngày nay.
Như vậy từ Phật hay Bụt cùng phát xuất từ Buddha. Có quan niệm cho rằng Bụt vốn là từ được dùng đầu tiên, ông bà ta vẫn dùng từ này, là từ thuần Việt, còn Phật là từ Hán ngữ; do đó nên dùng từ Bụt thay cho Phật. Trước hết Phật hay Bụt đều là từ phiên âm. Phật cũng như các từ Hán Việt khác đều là từ sáng tạo đặc biệt của ông cha ta, có thể xem là từ tiếng Việt như các từ: tối đa, sinh nhật, lễ hội… vì ta viết ra, đọc lên người Hoa không thể hiểu nếu không học Việt ngữ. Như đã nói ở trên, từ xa xưa từ Bụt chỉ được hiểu như là vị thần tiên, từ Phật đã mang ý nghĩa là bậc Đại Trí Tuệ, Đại Giải Thoát, là vị tối thắng. Sau cùng, từ Bụt dần dần được ít dùng và từ Phật càng lúc càng phổ biến. Đấy là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ trong bất cứ một sinh ngữ nào trên thế giới. Chủ trương dùng từ Bụt trở lại để thay thế cho từ Phật là một chủ trương trái với sự phát triển của ngôn ngữ, trong khi không một quốc gia nào trên thế giới trở lại dùng từ cổ của họ khi nó đã biến mất trong quá trình phát triển ngôn ngữ.
http://tapchivanhoaphatgiao.com