Thế Nào La Một Vị A-La-Hán

Thế nào là một vị A-la-hán? Tôi từng nghe giảng rằng A-la-hán là vị đã đạt chân lý tối hậu, Niết-bàn, thoát khỏi sinh tử; vị A-la-hán so với Đức Phật thì thế nào?

Nguyễn Tuấn Minh số 45, ngách 48, ngõ 210, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội

A-la-hán (Arhat – Arahant), còn được gọi là La hán, A lô hán, A la ha… Hán dịch là Ứng cúng, Ứng chân, Sát tặc, Bất sinh, Vô sinh, Vô học, Chân nhân, Bất lai. Theo Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Nghĩa Chương, Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập, A-la-hán gồm ba nghĩa:

1/ Sát tặc (diệt trừ mọi nghi hoặc, phiền não vốn được xem như những tên giặc phá quấy – “ari” nghĩa là kẻ thù, “ han” là giết).

2/ Bất sinh (chứng nhập Niết-bàn, không còn thọ sinh trong ba cõi) và

3/ Ứng cúng (xứng đáng được tôn kính, cúng dường – phân từ “arh” có nghĩa là xứng đáng). Thượng tọa bộ định nghĩa: A la hán là vị đã đạt mục đích tối hậu, Niết-bàn, thoát khỏi sinh tử (bất sinh hay vô sinh, bất lai), không còn gì để học nữa (vô học).

Tuy A-la-hán là quả vị chung cho Phật giáo Nguyên thủy lẫn Phật giáo Đại thừa, nhưng trong Phật giáo Nguyên thủy, đây là quả vị cao nhất trong bốn Thánh quả. Các kinh Nikaya thường diễn giải một vị chứng đắc A-la-hán bằng câu: “Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm xong, sau đời này không còn đời sống nào nữa”. (Ví dụ: các trường hợp của Tôn giả Citta Hatthisariputta trong Kinh Patthapada của Trường Bộ; Tôn giả Mangandiga trong Kinh Mangandiga, Tôn giả Seniya trong Kinh Hạnh Con Chó của Trung Bộ; Tôn giả Kassapa trong Phẩm Đồ Ăn của Tương Ưng Bộ…). Tăng Chi Bộ VI, 56 nói về vị A-la-hán như sau: “Và đối với một đệ tử đã được giải thoát như thế, tâm đã an tịnh, không cần gì thêm vào những gì đã được làm, vị ấy không còn phải làm gì nữa. Giống như một tảng đá của một khối thạch, không bị lay chuyển vì gió, không sắc, không hương, không vị, không xúc, không sở dục, không vô sở dục nào có thể làm cho vị ấy dao động. Tâm vị ấy vững chãi, sự giải thoát đã được đạt”.

Tuy vậy, trong khi Thượng tọa bộ cho rằng vị A-la-hán đã viên mãn mọi sự thì Đại chúng bộ lại cho rằng A-la-hán không phải là quả vị cao nhất, vị A-la-hánthể bị thối chuyển, còn nhiều điều chưa biết, có khi phải nhờ một vị thầy mới biết mình đã đắc A-la-hán, khi ngủ còn xuất tinh… Kinh điển Nguyên thủy ghi rõ các Đệ tử A-la-hán của Đức Phật mỗi vị thù thắng một lĩnh vực (về trí tuệ, về thần thông, về thuyết pháp, về biện tài…), điều này có nghĩa rằng quả vị A-la-hán chưa phải là tuyệt đối, viên mãn. Kinh Tự Hoan Hỷ của Trường Bộ ghi lại lời của Tôn giả Xá Lợi Phất (vị A-la-hán được gọi là Chánh pháp Tướng quân) như sau: “Bạch Thế Tôn, con không có trí tuệ để biết được tâm tư của chư Phật, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác trong hiện tại và vị lai, nhưng con biết được truyền thống của Chánh pháp”. Một số kinh điển Đại thừa cũng cho rằng A-la-hán không phải là quả vị tối hậu. Chẳng hạn, Kinh Duy Ma Cật kể rằng các Đại đệ tử A-la-hán của Đức Phật không dám đến thăm cư sĩ Duy Ma Cật vì sợ mình không đủ trí tuệ để đối đáp. Tạp A Tỳ Đàm Luận và Câu Xá Luận cũng cho thấy A-la-hán chưa phải là quả vị viên mãn khi chia A-la-hán ra làm sáu, bảy hoặc chín loại tùy theo căn cơ và hoàn cảnh tu tập.

Như vậy, chúng ta có hai quan điểm về vị A-la-hán:

1/ Tuyệt đối toàn hảo, nhập Niết-bàn, thoát ly sinh tử.

2/ Chưa tuyệt đối viên mãn, có thể bị thối thất.

Theo ý chúng tôi, ta nên chọn quan điểm dung hòa như sau: Vị A-la-hán là vị đã làm xong những gì cần làm, đã trả xong “nợ đời”, không bị thối thất, không còn sinh tử; nhưng vị ấy còn cần thời gian để những gì đã được chứng đắc thăng hoa đến mức tối thượng mới có thể ngang bằng quả vị Phật. Ta có thể hình dung vị A-la-hán như một người vừa trả xong mọi món nợ. Về phương diện không có nợ thì người này ngang bằng với một nhà đại phú; nhưng về mặt tiền của thì người này không thể ngang bằng với nhà đại phú được. Ở đây, Đức Phật được ví như nhà đại phú kia vậy.

http://tapchivanhoaphatgiao.com