Phong Kinh là một thị trấn nhỏ. Dân chúng ở đây phần lớn làm nghề nông, chất phác hiền lành, mọi người ai cũng siêng năng cần kiệm, lo chu toàn bổn phận của mình. Vì vậy, dân chúng trong thị trấn này hàng ngày sống trong cảnh thanh bình.
Chỉ duy nhất một người tên Nhị Đích vốn là tiểu thương, do khéo buôn bán nên có dư được chút tiền rồi cùng bạn bè chén tạc chén thù, thường mua thịt chó về nướng và nhấm nháp với rượu.
“Mùi thịt chó thơm phưng phức mà kết hợp với vị rượu cay cay thực là một điều cực kỳ thú vị trên cõi đời này”, Nhị Đích thường hớn hở nói với mọi người như thế. Vì hay tổ chức nhậu nhẹt thịt chó nên bình sinh y giết hại chó nhiều vô số kể.
Vào năm Bính Tý niên hiệu Càn Long, Nhị Đích cảm thấy cơ thể dần dần hao mòn rồi ngã bệnh. Bệnh tình của ông rất lạ, không một thầy thuốc nào tìm ra nguyên nhân.
Không bao lâu sau, chứng bệnh ấy trở nên trầm trọng, Nhị Đích thường nằm hôn mê bất tỉnh nhân sự. Trong lúc mê sảng, ông chỉ lẩm bẩm:
– Lại một con chó mực, sao mày hung dữ thế hả?
– Một con chó đốm ở đâu chạy tới táp vào tôi.
– Chó! Hai con, ba con, bốn con… vô số chó, chúng nó đến đòi mạng. Cứu tôi! Cứu tôi với…
Vợ con lớn nhỏ không ai thấy một con chó nào mà chỉ thấy Nhị Đích quơ tay trên hư không rồi múa máy, đập chân trông dáng vẻ rất sợ hãi, lắc đầu lia lịa, nói:
– Đáng sợ nhất là con chó điên kia kìa!
Đến lúc chết, Nhị Đích lăn lộn chui đầu xuống gầm giường, hai tay quơ quào trên đất, ú ớ như tiếng chó sủa rồi mới tắt thở.
(Theo Sự tích cứu vật phóng sinh)
—o0o—
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Cận tử nghiệp là nghiệp biểu hiện ra lúc gần chết. Trong suốt cuộc đời, các hành vi hoặc thiện hoặc ác được tác tạo đến thuần thục, những ân tình sâu nặng hay những oán hận ngập trời… khiến người ta khắc cốt ghi tâm đều có khả năng trở thành cận tử nghiệp, biểu hiện rõ ràng trước mắt đối với người sắp chết.
Sinh thời nếu tu nhân tích đức, làm lành tránh dữ thì cận tử nghiệp của họ là thân tâm an bình, thần trí tỉnh táo, ra đi trong nhẹ nhàng. Nếu họ là người đã từng phát tâm tu học, tụng kinh niệm Phật đến nhất tâm thì chắc chắn lúc lâm chung, cận tử nghiệp của họ là Phật và Thánh chúng hiện ra trước mắt tiếp dẫn họ vãng sinh Cực lạc.
Những ai lúc sinh thời tạo nhiều ác nghiệp, nếu không bị quả báo nhãn tiền thì lúc sắp lâm chung, cận tử nghiệp sẽ hiện ra và theo nghiệp ấy dẫn dắt đọa vào cõi dữ, địa ngục.
Những người cho vay nặng lãi, lúc lâm chung cận tử nghiệp của họ là sự luyến tiếc tiền bạc và đòi nợ. Họ thường hỏi con cháu liên tục rằng tiền của đã thâu về hết chưa hay lảm nhảm “tiền bạc của tôi đâu rồi…” và sau đó tắt hơi thở trong nghiệp tham ái bạc tiền.
Những người làm nghề đồ tể hay giết người hại vật quá nhiều thì cận tử nghiệp của họ là cảnh giết chóc, máu me lai láng, máu chảy đầu rơi và tiếng kêu gào của những oan hồn đòi mạng. Với cận tử nghiệp ác nặng nề như vậy, họ vô cùng sợ hãi, giãy giụa trong tuyệt vọng trước khi đọa vào địa ngục.
Lão Nhị Đích trong câu chuyện trên, vì giết quá nhiều chó để làm thịt ăn nhậu nên cuối đời, lúc sắp mạng chung cận tử nghiệp hiện ra toàn là những con chó do y giết trước đây đến báo thù.
Những biểu hiện sợ hãi đến cùng cực, đau đớn đến mê loạn và tru tréo thảm thiết như tiếng chó lúc bị giết thịt của Nhị Đích không phải là điều hiếm gặp. Một số người nặng nghiệp hơn, bị đày đọa rên siết đau khổ đến cùng cực sau một thời gian dài mới chịu trút hơi thở cuối cùng.
Chuyện Nhị Đích vì tạo nghiệp giết hại mà chịu quả báo xấu sẽ là bài học thức tỉnh cho những ai còn say đắm việc giết hại. Do vậy, những ai đã tạo nhiều nghiệp sát thì nên giảm bớt, những ai tạo ít nghiệp sát thì nên chấm dứt.
Không những không sát hại chúng sinh mà còn phóng sinh, thực tập ăn chay, nuôi dưỡng tâm từ. Thực hành được như thế, không chỉ bản thân mà gia đình và xã hội đều được bình an, hạnh phúc.
Comments are closed.