Sự Tích Giới Luật – 178 Pháp Ba Dật Đề ( Đơn Đề ) – Phần 2

  1. NÓI ĐỂ LY GIÁN

Lúc Phật ở Xá vệ, Lục quần Tỳ kheo thường đem lời người này nói sau lưng người kia đi nói lại cho người kia biết, và ngược lại; làm cho những người chưa gây gỗ khởi sự gây gỗ, còn những người đã ghét nhau thì hố ngăn cách càng thêm sâu, không hàn gắn được. Phật nhóm tăng quở trách Lục quần và chế giới.

Đức Thế Tôn kể câu chuyện về tai họa của sự đâm thọc như sau. Ở trong khu rừng nọ, có hai gia đình cọp và sư tử đều là mẹ góa con côi, hang của chúng ở cách xa nhau. Hàng ngày hai bà mẹ đi kiếm mồi, cả hai đều căn dặn con mình ở nhà chơi quanh quẩn, chớ đi xa mà gặp chó sói. Hổ con vâng lời mẹ không dám ra khỏi hang, nhưng chú bé con sư tử thường ưa phiêu lưu mỗi khi mẹ đi vắng. Một hôm chú đi lạc đến gần hang cọp, gặp ngay cọp mẹ vừa đi ra. Ban đầu hổ tính vồ lấy hài nhi sư tử đem về hai mẹ con ăn thịt, nhưng sau thấy chú bé kháu khỉnh thơ ngây, bà lại bắt sống đem về hang chơi với cọp con cho có bạn. Cọp mẹ đang thích thú ngồi xem hai chú nhỏ đùa giỡn làm quen nhau thì bổng nhiên sư tử cái lừ lừ tiến đến. Hổ mẹ thất sắc toan bỏ chạy, thì bà sư tử cái đã ôn tồn: “Chị đã có lòng thương đến con tôi như thế, thí chúng ta hãy kết bạn với nhau đi. Ta thay phiên nhau đi kiếm mồi cho cả hai cháu, chúng ở nhà vừa được bạn chơi, vừa được mẹ săn sóc có phải hơn không?”. Cọp cái nghe có lý, từ đấy hai gia đình ở chung một hang rất đầm ấm. Cọp mẹ đạt tên con là Thiệt Bạt (Tát khỏe), sư tử cái đặt tên con là Thiện Nha (Răng nhọn). Hai chú bé càng lớn càng đẹp trai, khỏe mạnh sức địch muôn người, lại thương yêu nhau như ruột thịt. Hai bà mẹ sung sướng thấy hai con thân thiện như thế. Khi đã già gần kề cái chết, họ dặn lại hai con: “Các con yêu dấu, bây giờ hai con đã thành những chúa tể trong rừng sâu nhiều nguy hiểm này. Hai mẹ có chết cũng không lo sợ gì khi thấy các con sống thương yêu hòa thuận. Nhưng các con hãy đề phòng những lời nói xấu, đâm thọc sau lưng”.

Sau khi hai bà mẹ lần lượt qua đời, Thiện Nha và Thiện Bạt trở thành một đôi tri k chúa tể rừng sâu, làm cho tất cả thú rừng đều kinh sợ, nể mặt. Chúng thường thay nhau đi kiếm mồi về ăn chung, cũng như lúc còn sinh tiền hai bà mẹ. Nhưng bỗng một ngày kia, xuất hiện một con chồn láu cá. Nó mon men đến gần hang, thốt lời nịnh hót hổ Thiên Bạt đang nằm một mình lúc sư tử Thiện Nha đi vắng. “Anh Thiện Bạt ơi! Sao anh có vẻ buồn thế? Cho em vào đấm lưng, bắt rận cho anh nhé?” Cọp đồng ý cho chồn vào hang chơi trong lúc chờ sư tử đem mồi về. Khi Thiện Nha về vừa trông thấy chồn, Thiện Bạt đã nói trước: “Anh Thiện Nha ạ, nay ta hãy nuôi chú chồn này để sai vặt cũng hay đấy. Nó sẽ hầu hạ anh lúc tôi đi vắng, cũng như vừa rồi nó đấm lưng bắt rận cho tôi. Rồi chúng ta sẽ cho nó ăn những mẩu xương thừa và dọn dẹp nhà cửa cho mát con mắt”. Thiện Nha đồng ý. Từ đó chồn bám theo đôi bạn để kiếm chác.

Một hôm chồn sinh tật nói lời ly gian. Khi ở một mình với cọp, chồn bảo: “Anh Thiệt Bạt à, anh biết anh Thiện Nha nói sao với em không? Ảnh nói rằng Thiệt Bạt làm biếng, miệng thối vì không chịu chà răng sau khi ăn, ở chung chán thấy mồ”. Thiện Bạt tin là thật, nên lúc Thiện Nha đem mồi về, cọp thờ ơ không săn đón như thường lệ. Hôm sau lúc Thiện Nha ở nhà một mình với chồn, chồn lại tỉ tê: “Anh Thiện Nha ơi! Hôm qua anh Thiện Bạt ở nhà nói xấu anh thậm tệ. Anh ấy bảo rằng, hổ mới là chúa tể sơn lâm; sư tử chỉ nhờ hổ mà được tiếng thơm lây. Sởthiên hạ sợ hai anh chính là sợ hổ chứ không phải sợ sự tử”.

Thiện Nha nghe thế, bán tín bán nghi. Lúc cọp về, sư tử hỏi “Có phải anh nói như vậy với chồn hay không?”.

Thiện Bạt cũng hỏi lại sử tử: “Có phải anh chê tôi làm biếng, miệng thối không?”.

Cả hai đều vỡ lẽ chỉ tại con chồn, và nhớ lại lời mẹ dặn. Chúng bèn giết chồn ăn thịt.

  1. NGỦ CHUNG MỘT NHÀ (với người khác phái)

Phật ở khoáng dã thành, giữa hai nước Ma kiệt (Magadha) và Câu tát la (Kosala). Tôn giả A nâu lâu đà phạm đầu tiên.

Tôn giả đi từ Xá vệ đế Câu tát la, giữa đường ngủ nhờ trong chỗ nghỉ đêm của một cô gái làng chơi giàu có. Cô này vừa muốn tạo phước vừa muốn câu khách, nên bỏ tiền ra làm một cái nhà nghỉ đêm miễn phí dành cho khách lỡ đường. Tăng tục đi qua đó đều nghỉ lại nhà cô. Hôm ấy nhà ngủ đầy chật cả người. thấy tôn giả A nâu lâu đà ngồi thiền trong một góc náo nhiệt, cô ái ngại đến thưa: “Bạch đại đức, xin mời đại đức vào trong nhà riêng của con cho được sạch sẽ, thanh tịnh”. Tôn giả theo cô ta vào nhà trong, trải tọa cụ trên giường để ngồi thiền như trước. Nửa đêm nhìn thấy tôn giả đẹp trai cô bỗng nảy ra ý xấu, muốn quyến rũ. Cô tới trước mặt tôn giả mà khiêu khích, nhưng tôn giả vẫn bất động, cuối cùng cô thoát y nhảy tót lên giường, ngồi bên cạnh. Tôn giả vọt bay lên hư không. khi ấy cô gái hổ thẹn, mặc lại y phục đảnh lễ tôn giả và bạch: “Xin ngài tha thứ, trở xuống đây nói Pháp cho con nghe”. Tôn giả trở xuống thuyết pháp cho cô gái. Nghe xong ngay tại chỗ, cô được pháp nhãn ly trần vô cấu, chứng quả Dự lưu (trừ được ba hạn phần kiết sử là thân kiến, nghi và giới cấm thủ). Tôn giả kể lại câu chuyện này khi về lại thành Xá vệ, nghe xong chúng tăng bạch Phật. Đức Thế Tôn nhóm tăng chế giới cấm ngủ cùng nhà với người khác phái, đề phòng người chưa đắc đạo thì không những không hóa độ được kẻ khác (điều mà tôn giả A nâu lâu đà đã làm được) mà còn bị dụ dẫn cho đọa lạc, dù không đoạ cũng mang tai tiếng.

Nguồn:budsas.org