Sự Tích Giới Luật – Mười Bảy Pháp Tăng Tàn ( Phần 5 )

  1. KHUYÊN NHẬN NHIỄM THỰC:

Phật ở Xá vệ chế giới. Một Tỳ kheo ni lớn tuổi có một đệ tử nhan sắc mỹ miều thường đem đồ khất thực ngon về cho bà dùng. Trải qua một thời gian dài, bà chuyên được thực phẩm hảo hạng do ni cô khất thực về dâng. Nhưng sau đó, thực phẩm ni cô đem về càng ngày càng tệ; bà thầy nuốt không xuống (vì đã quen ăn ngon) bèn hỏi ni cô: “Trước đây ngươi thường xin được toàn đồ ngon không, tại sao sau này ngươi đem về tinh ròng những thứ ma chê qu hờn thế?”.

Ni cô thực tình kể: “Bấy lâu có một ông nhà giàu thường cúng cho con toàn thực phẩm hảo hạng. Một hôm cúng xong ông ta hỏi, cô có biết tại sao tôi cúng dường cho cô không? Con trả lời, thí chủ cho tôi là vì muốn cầu phước chứ còn vì sao nữa. Ông trưởng giả nói không phải, vì tôi yêu ni cô đấy thôi. Chính vì ông trưởng giả nói như vậy, nên từ đấy con không tới nhà ông ta để khất thực nữa, vì Phật đã chế giới khôngđược nhiễm tâm nhận đồ ăn”.

Bà thầy nghe xong nói: “Người kia có nhiễm tâm hay không mặc kệ, miễn sao ngươi không có nhiễm tâm là được rồi, sợ nỗi gì. Họ đã cho đồ ăn thì cứ tới mà nhận đi chứ”.

Cô đệ tử cãi lại: “Phật đã chế giới xuất gia phải thiểu dục tri túc, sao thầy đã không khuyên con những điều tốt đẹp, lại còn vì thức ăn mà xúi con làm bậy?”.

– “Có gì là bậy? Ta có xúi ngươi phạm giới đâu cà?”.

Hai thầy trò cãi nhau càng lúc càng hăng, đến tai những vị khác, cuối cùng trình lên Phật. Phật xử cho ni cô đệ tử nói có lý, và quở trách bà thầy tham xơi ngon xúi bậy.

Câu chuyện này chứng tỏ tinh thần bình đẳng trong Phật giáo. Liên hệ thầy trò trong giáo lý Phật thường được đề cao hết mực, bậc thầy đôi khi còn quan trọng hơn tam bảo, vì nhờ thầy mà ta biết đến tam bảo. Nhưng không phải vì thế mà người đệ tử trở thành mù quáng vô trách nhiệm đối với bản thân, mọi sự đều nhất nghe theo thầy. Vì ngoài bậc thầy còn có Chánh pháp và lương tâm của mình là những tiêu chuẩn để phân biệt phải quấy; nếu thầy nói những lời mà mình xét không thích hợp với chánh pháp hoặc với lương tâm, thì có thể trình bày lý do bất tuân mà không sợ phạm tội hỗn láo hay phản thầy.

Nguồn:budsas.org