Thế nào là nghi tình?

Hỏi:
Thế nào là nghi tình?

Đáp:
Hỏi câu thoại là kích thích niệm không biết, mục đích mình muốn đến thoại đầu nên mới nói tham thoại đầu, nhưng sự thật cách thoại đầu còn rất xa. Hỏi cảm thấy không biết thì cái không biết đó cũng chưa phải là nghi tình. Phải nhìn chỗ không biết, tuy nói chỗ không biết nhưng chỗ không biết thì không có chỗ, không có chỗ thì không có mục tiêu để nhìn, không có mục tiêu để nhìn thì nhìn mãi muốn biết mà biết không nổi, vì không có mục tiêu.
Những người muốn có mục tiêu để nhìn, mặc dầu tìm có mục tiêu thì sai. Giữ chỗ muốn biết mà biết không nổi, nhưng chỗ đó không có gì. Cho nên, Ngài Long Thọ nói là: “Tâm như hư không vô sở hữu”, vì vô sở hữu là trống rỗng, nếu mình nhìn thấy có cái gì là có sở hữu rồi, chứ không phải vô sở hữu. Thật tế, vô sở hữu hiển bày cái dụng, tức là tất cả cái gì cũng đều ở trong cái vô sở hữu này. Nếu kiến lập sở hữu thì cái dụng bị chướng ngại.
Tâm pháp là biết, chính cái biết là chướng ngại, nên 4 bài kệ của Ngài Vĩnh gia dùng cái tay thí dụ cái biết chướng ngại. Như dùng cái tri để biết tịch lặng (tịch lặng là người có thiền định cao mới có sở tri tịch lặng), nhưng lấy tịch lặng làm sở tri thì không phải cái tri của Bát Nhã không có đối đãi, tức là không phải vô duyên tri.

Ví dụ cái tay cho tâm của mình, nếu tay cầm cây như ý không phải là tay không cầm cây như ý. Tay không cầm cây như ý là hoạt bát vạn năng muốn lấy cái gì cũng được, còn cái tay cầm cây như ý là có sở trụ thì bị mắc kẹt nên không lấy được cái gì. Tham thiền dùng nghi tình là cây chổi automatic quét cái biết của bộ não mới khôi phục cái hoạt bát vạn năng của bản tâm.
Không lấy cây như ý làm sở tri ở ngoài, mà tự mình biết mình có cái tri (năng tri) khôngsở tri để đối đãi, nhưng chẳng phải là vô duyên tri. Như tay không cầm đồ vật, nhưng lại tự làm nắm tay thì chẳng phải tay không làm nắm tay. Vì đã kiến lập cái biết (tri) thì cái tri này làm chướng ngại, nên dụng hoạt bát vạn năng tự tánh không hiện ra.

Không biết tịch lặng và không tự có cái biết, chẳng phải không biết, vì cái biết của tự tánh rõ ràng khắp không gian khắp thời gian, Giáo môn gọi là chánh biến tri, nên không giống như gỗ đá chẳng biết gì.
Như tay không cầm như ýkhông tự làm nắm tay, chẳng phải không có tay, vì tay vẫn bình yên đâu mất! Chỉ là tay không trụ vật ở ngoài và không tự trụ. Vậy đâu đồng như sừng thỏ, vì sừng thỏ chỉ có tên, mà thỏ không có sừng.
Cái tay có hình tướng mà người ta dễ hiểu, nên Ngài Vĩnh Gia dùng cái tay để thí dụ cái biết thức thứ 6 (tâm).