Phật tử không nên quy y lại, vì làm như thế sẽ dư thừa, không đúng với Chánh pháp.
HỎI: Tôi là Phật tử thuần thành, chuyên tu học theo pháp môn Tịnh độ. Trong đời sống tu tập hàng ngày, được biết ở đâu có tổ chức niệm Phật tôi đều cố gắng tham dự. Gần đây, theo sự giới thiệu của một số bạn tu, tôi đến một ngôi chùa thuộc hội Tịnh độ để tu tập.
Trong chùa này thờ Phật A Di Đà, pháp môn tu tập chủ yếu là niệm Phật, đúng là chùa tu Tịnh độ rồi. Nếu chỉ vậy thì tôi yên tâm tu học và không có gì để nói. Nhưng tham dự một vài lần thì tôi được giới thiệu đến gặp một “sư cô” (cạo đầu và mặc áo như người xuất gia), lúc đầu tôi tưởng vị ấy là trụ trì. Vị “sư cô” này giao tiếp rất niềm nở, khéo léo, hỏi tôi khá chi tiết về những thông tin cá nhân. Sau đó, “sư cô” hỏi tôi quy y chưa, tôi đáp là đã quy rồi. Nhưng “sư cô” vẫn khuyên tôi nên quy y lại để được tu học theo pháp môn Tịnh độ ở nơi đây.
Thực chất tôi đã quy y rồi nên không muốn quy y lại nhưng vì ham thích tu học tại đây nên tôi ậm ừ về lời đề nghị quy y cho qua chuyện. Sau đó tôi có tham dự lễ quy y, được đặt pháp danh mới và theo học giáo lý Tịnh độ. Tu học được vài buổi thì tôi phát hiện ra tổ chức này không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Vị “sư cô” kia cũng không phải Tỷ-kheo-ni mà chỉ là cư sĩ như tôi mà thôi. Vì cô cạo đầu nên tôi tưởng là người xuất gia, khi tôi thắc mắc thì các bạn cùng tu nói không sao, vì chùa nào cũng thờ Phật Di Đà, cũng cầu vãng sanh nên không có gì phải ngại cả. Xin hỏi, tôi đã quy y Tam bảo rồi mà bây giờ lỡ bị “dụ” quy y lại, vậy có tội không?
Tìm hiểu kỹ tổ chức tôn giáo Tịnh độ này (không phải Phật giáo) thì tôi nghĩ rằng mình do cả tin nên bị cải đạo mất rồi, vậy bây giờ tôi phải làm sao? Mặt khác, tôi thấy càng ngày càng nhiều Phật tử bị lôi cuốn vào chùa này, nghe theo lời vị “sư cô” nọ quy y lại thật đông đảo. Tôi rất bức xúc vì hiện nay đã biết rõ họ là một tổ chức tôn giáo hoàn toàn độc lập với Phật giáo. Vị “sư cô” kia chỉ là cư sĩ mà thôi nhưng họ lại chiêu nạp tín đồ mới là Phật tử, cải đạo Phật tử dưới hình thức tu tập Tịnh độ. Mong quý Báo giải thích rõ việc này để các Phật tử đã quy y Tam bảo rồi hãy cảnh giác không quy y lại, và nhất là không đi theo một tôn giáo ngoài Phật giáo.
(SEN HỒNG, senhong97@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Sen Hồng thân mến!
Quả thật hiện nay, trong bối cảnh tu tập với danh nghĩa Tịnh độ, ngoài các chùa thuộc tông Tịnh Độ chịu sự quản lý của tổ chức GHPGVN còn có một tổ chức tôn giáo với danh xưng khác, hoạt động độc lập với Phật giáo nhưng có cùng điểm chung là cơ sở tôn giáo của họ vẫn thường được gọi là chùa (tự), tín đồ cũng có danh xưng cư sĩ, cùng thờ và niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh độ.
Trong tinh thần bao dung của Phật giáo tự bao đời nay thì danh xưng hay hình thức tông phong, tông phái vốn không mấy quan trọng, thậm chí Phật giáo còn xem đó là phương tiện, miễn sao hướng mọi người biết thờ Phật, niệm Phật, tu tập hành thiện là tốt. Tuy nhiên, hiện tượng có một vị cư sĩ nhưng lại hiện tướng “sư cô” ở một ngôi chùa không thuộc tổ chức GHPGVN, tìm mọi cách khuyến dụ các Phật tử quy y lại để trở thành tín đồ mới của tổ chức tôn giáo này là điều mà các Phật tử phải hết sức cảnh giác.
Không riêng gì trường hợp ngoài Phật giáo như đã nêu, mà thực tế ngay cả trong Phật giáo hiện nay, thỉnh thoảng vẫn tồn tại hiện tượng một số vị xuất gia vì sự phát triển tông phong, pháp phái, hệ phái hay vì những lý do tế nhị khác nhau…, luôn kêu gọi Phật tử ghi danh quy y nơi chùa mình, theo tông phái, hệ phái của mình. Trong khi, ai cũng biết đã là Phật tử rồi (tức đã quy y) thì không cần quy y thêm lần nữa. Dù vị đứng ra kêu gọi quy y đó là bất cứ ai, là thiền sư, đại sư, pháp sư hay pháp vương hoặc gì gì đi nữa thì Phật tử cũng không nên quy y lại, vì làm như thế sẽ dư thừa, không đúng với Chánh pháp.
Trở lại trường hợp của bạn, rõ ràng bạn đã bị dụ dỗ, có thể nói bạn đã bị một tổ chức tôn giáo khác núp bóng Tịnh độ âm thầm cải đạo. Vì bạn quá cả tin và ham tu, chưa hiểu rõ ngọn ngành nên phạm phải sai lầm. Tuy bạn không mắc trọng tội nhưng khi biết rõ việc quy y lại của mình theo một tổ chức tôn giáo khác là không đúng thì phải cấp tốc sám hối, sửa sai. Bạn đã phát nguyện trọn đời nương tựa Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) thì nên kiên định với những gì đã khấn nguyện.
Nhân đây, chúng tôi cũng kiến nghị các ban ngành chức năng của GHPGVN, nhất là Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử hãy phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giáo dục Phật tử hiểu rõ giáo pháp, nhất là pháp quy y để không quy y lại, đặc biệt là quy y các tổ chức ngoài Phật giáo.
Chúc bạn tinh tấn!