Lịch Sử Triết Học Ấn Độ:
Trừ những tháng ngày có sấm chớp, thiên nhiên bao giờ cũng yên lặng và tịch mịch. Nói khác đi, thiên nhiên sống nhịp đều của thiên nhiên như nhịp thở của con người. Đôi khi ngồi cho tâm hồn lắng xuống, con người tưởng nhịp thở của cơ thể và nhịp thở của trời đất đều chuyển theo một nhịp, một tốc độ, một hướng…. Người Ấn Độ, đã từ ngàn xưa, họ ngạc nhiên đồng thời họ sống hoà đồng với thiên nhiên, họ cứ tưởng như mỗi một con người chứa một mảnh thiên nhiên vậy. Do đó, tôn giáo tính và triết lý tính bắt đầu xuất hiện bằng những hình ảnh thực thể của huyền thoại thiên nhiên, và một sớm, triết lý và tôn giáo tính chuyển thành khối: đó là lúc các tôn giáo và triết học Ấn Độ ra đời trong thời gian và không gian. Vào lúc này, mọi vật và mọi nỗi niềm tâm tư của nhân sinh sống theo một thứ tự mà các tư tưởng gia dùng một chữ thông thái để gọi: hệ thống.
Bao nhiêu là hệ thống tôn giáo và triết học Ấn Độ phát sinh và trưởng thành trong một khu vực địa dư to lớn của trái đất, nằm vào sự dao động của đông và tây, một sớm vượt biên giới dân tộc để thành hoa, thành lá, thành rừng sâu núi cao trên năm đại châu. Và một sớm, một trong những hệ thống tôn giáo và triết học lớn là Phật giáo chọn quỹ đạo để mở một lộ trình, gieo sức sống và triết học trên những nẻo đường xa lạ của vũ trụ nhân sinh. Một sự tình cờ của lịch sử đã tạo nên một sự tình cờ khác, để rồi khi đến đất Phù Tang thì dân tộc nơi đây đem cây cổ thụ Phật giáo trồng trên đất dân tộc tính: cõi trí thức và tinh thần đất nước vẽ một biên giới mới cho lý tính của con người. Một là Thần Đạo và một nữa là Thiền Tông…..
Dưới gốc cây cổ thụ cành lá vun vút cao đến màu thanh thiên của bầu trời, đất Phù Tang bỗng đầy ấm áp, đem lại sinh tố phong phú cho dân tộc Phù Tang duy dưỡng cơ thể và tâm hồn. Hơn một trăm năm lại đây, sức mạnh của văn minh khoa học và sức sống của Thiền Tông đã định vị cho Phù Tang trên bàn cờ thế giới, trên đó, dân tộc Phù Tang đi những nước cờ quyết định của lịch sử.
Văn hoá Thiền là văn hoá phong phú bên trong, là văn hoá tạo sức mạnh trong các cõi tế vi của tâm hồn, không như những nền văn hoá khác của cõi trời Âu Mỹ có được bao nhiêu màu sắc thì đã trải ra bên ngoài của cõi nhân sinh bấy nhiêu. Thiền là sống, là linh động. Thiền là luồng như luồng gió, luồng sóng. Thiền gây một sức mạnh, khi lên thì lên vun vút, khi xuống thì xuống tận vực sâu thăm thẳm, nhưng khi phát hiện ra thì thiền lại lặng lẽ: đó là một chiếc lá, trời về chiều, nhẹ rơi trên mặt hồ thu, rồi yên lặng dừng lại; đó là một hơi gió đang thổi bỗng ngưng lại rồi phản vọng trên mặt nước làm làn nước lăn tăn, chỉ có thị giác của thi nhân mới đón được.
Thiền mạnh như thế nhưng thiền không ồn ào, không tưng bừng bên ngoài vạn vật thông thường của nhân sinh thông thường….
Một thực thể yếu tính về tôn giáo và triết học phát sinh từ Ấn Độ, phá cây cối và gai góc, vạch hướng đi muôn ngã, và một trong những ngã lớn đã qua đất Phù Tang, được nuôi nấng bằng sinh tố truyền thống và sinh tố dân tộc tính, tạo trưởng thành cho dân tộc một chốn xa xôi trên đại dương, đang mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm còn phải vận dụng hết sức sống để tranh đấu với những tai ương phát xuất từ hoả diệm sơn vụt cháy, vụt nguội, vụt bừng lên, vụt lặng đi…….
Mục lục:
Lời giới thiệu của Hoà Thượng Thích Minh Châu
Phần mở đầu của soạn giả
Chương 1: Người Arya đến Ấn Độ và tôn giáo Rig-Véda
Chương 2: Xã hội nông thôn với Bà-la-môn giáo
Chương 3: Đô thị phát triển song song với tân trào tự do tư tưởng
Chương 4: Trở thành quốc gia thống nhất và biến cải trong các ngành tôn giáo
Chương 5: Nền thống nhất quốc gia bị tan vỡ và tình trạng biến thiên của các ngành tôn giáo
Chương 6: Tư tưởng mới dưới thời đế quốc Kushana A.Xu hướng của thời đại
Chương 7: Các môn phái triết học dưới thời đại quốc gia tập quyền
Chương 8: Tình trạng phát triển học phái dưới thời đại các Vương triều bị phân hoá
Chương 9: Hồi giáo xâm nhập và biến dạng tư tưởng
Chương 10:Chuyển hướng tư tưởng vì áp bức chủ nghĩa đế quốc tư bản