Hòa thượng Thích Huyền Quý, pháp danh Trừng Châu, pháp hiệu Hoằng Huệ thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42; Ngài thế danh Dương Văn Châu, sinh năm Đinh Dậu 1897 tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là cụ Dương Văn Khoa, thân mẫu là bà Trần Thị Thêm, Ngài là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em.
Được sinh trưởng trong một gia đình nho học, sùng kính đạo Phật, hiếu thảo với mẹ cha, thiếu thời Ngài rất chăm học, thông thạo cả Pháp ngữ lẫn chữ Nho, Ngài thường suy tư về số phận con người và tìm hiểu về đạo học, nên lúc 20 tuổi, Ngài tự lập am tu niệm.
Năm Kỷ Mùi 1919, lúc 22 tuổi, Ngài lên Sài Gòn làm việc cho tờ báo L’Opinion của người Pháp, và tự tu pháp môn Tịnh độ trải qua 6 năm, do lúc này chánh pháp đạo Phật chưa được truyền bá rộng rãi.
Năm Canh Ngọ 1930, nhờ đọc tạp chí Từ Bi Âm, biết được Hòa thượng chùa Tuyên Linh – Bến Tre là Lê Khánh Hòa lúc này đang vận động chư tôn đức từ Nam ra Bắc để chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Quyết chí xuất gia tìm đường học đạo, Ngài đi bộ từ Gò Công qua Bến Tre tìm đến chùa Tuyên Linh xin xuất gia thọ giới Sa di với Hòa thượng Khánh Hòa, được Hòa thượng đặt pháp danh là Trừng Châu, pháp tự là Huyền Quý.
Năm Giáp Ngọ 1954, Ngài đến cầu pháp và thọ Đại giới với Hòa thượng Hải Tràng chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, được Hòa thượng đặt pháp hiệu Hoằng Huệ.
Năm 1955 – 1956, lần lượt Ngài tham học kinh luật với Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thiện Tường qua các khóa An cư kiết Hạ tại chùa Giác Nguyên, quận 4 và chùa Vạn Thọ, quận 1, Sài Gòn.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, quận 10, Sài Gòn. Khóa học này quy tụ đại diện Tăng Ni 16 tỉnh Nam Việt tham dự, là những vị trụ trì trụ cột của Phật giáo tương lai gồm 36 vị, Ngài được cử làm Liên chúng trưởng.
Sau khi tham dự khóa đào tạo trở về, cuối năm 1957, Ngài vận động thành lập Giáo hội Tăng Già tỉnh Gò Công và được chư Sơn thiền đức cử làm Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng Già tỉnh Gò Công.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài được Giáo hội Tăng Già Nam Việt bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Phật Học – Cần Thơ, sau đó về làm trụ trì chùa Xá Lợi – Sài Gòn (mỗi khóa trụ trì là 3 tháng). Đến năm 1959, Ngài được cung thỉnh làm Phó chủ Hương kiêm Thiền chủ trường Hạ chùa Thanh Trước tại thị xã Gò Công.
Năm Canh Tý 1960, Ngài được cung thỉnh về làm trụ trì chùa Thái Bình, Gò Công. Sang năm 1961, Ngài được Giáo hội Tăng Già Nam Việt cử vào Giảng sư Đoàn đi giảng dạy ở các nơi : chùa Phật Học – Biên Hòa; chùa Phổ Quang – Phú Nhuận; chùa Thanh Trước – Gò Công; chùa Thới Hòa, chùa Giác Thiện – An Nhơn; chùa Thiên Phước – Gò Vấp v.v…
Năm Nhâm Dần 1962, nhờ uy tín và đức độ của Ngài tỏa rộng, có Phật tử tục gọi là ông chủ Sáng, hiến cúng cho Ngài ngôi nhà từ đường của ông ở Gò Công. Ngài nhận lãnh và vận động Phật tử quyên góp tu chỉnh thành ngôi chùa lấy hiệu là Liên Hoa, làm nơi tu hành và hóa đạo đồ chúng.
Sau thời kỳ pháp nạn năm 1963, đưa đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập năm 1964, Ngài được đề cử làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Gò Công. Ngài ở chức vụ này cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1975).
Năm Đinh Mùi 1967, Ngài được tỉnh Giáo hội suy cử Ngài làm Cố vấn cho Ban Giám hiệu trường Bồ Đề tỉnh Gò Công.
Năm Nhâm Tuất 1982, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Giác Sanh. Từ năm 1984 đến 1999, Ngài được Tỉnh hội Phật giáo suy cử vào Ban Chứng minh Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang.
Song song với việc phát huy đạo pháp, làm cho Tổ ấn trùng quang, Tông phong vĩnh chấn, Ngài còn góp nhiều công lao trong việc nỗ lực trùng tu trang nghiêm các ngôi già lam ở tỉnh nhà như : chùa Thái Bình, Tân Long, Liên Hoa, Linh Sơn, Huệ Quang, Bồ Đề … Về tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ngài đã đào tạo giáo dưỡng thành nhân rất nhiều đệ tử xuất gia có đạo lực để tiếp nối hoằng truyền Phật đạo.
Gần nửa thế kỷ hoằng hóa độ sanh, phục vụ đạo pháp, sức khỏe của Ngài đã dần suy yếu. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 01 tháng 11 năm 1999, tức ngày 24 tháng 9 năm Kỷ Mão, Ngài an nhiên thâu thần thị tịch tại chùa Liên Hoa, trụ thế 102 năm, giới lạp trải qua 45 mùa An cư kiết Hạ.