Để lãnh hội sâu rộng hơn về sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật trong thế gian, điều quan trọng là phải biết những điểm chính sau đây về một vị Phật và một vị Bồ-tát.
1. Bồ-tát (Bodhisatta): Một chúng sanh quyết định sẽ thành Phật, tức là Phật đương lai.
2. Bồ-tát hạnh (Bodhisatta-kicca): Những phận sự của một vị Bồ-tát.
3. Phật (Buddha): Một chúng sanh cao cả nhất đã thực hành viên mãn các phận sự của một vị Bồ-tát và kết quả là đã chứng đắc pháp Giác ngộ.
4. Phật hạnh (Buddha-kicca): Phận sự hằng ngày của một vị Phật.
1. Bồ tát (Bodhisatta)
Bốn loại Đạo Tuệ (Maggañāṇa) có kèm theo Nhất thiết trí (Sabbaññutañāṇa) đều được gọi là pháp Giác ngộ (Bodhi).
Giác ngộ có 3 loại:
1. Vô thượng Chánh đẳng giác (Sammā-Sambodhi): Sự giác ngộ bao gồm 4 loại Đạo Tuệ kèm theo Nhất thiết trí. Bốn loại Đạo Tuệ tỏ ngộ Tứ Diệu Đế do tự mình, không thầy chỉ dạy. Trí tuệ ấy có khả năng đặc biệt là đoạn diệt các pháp ô nhiễm cũng như những tiền khiên tật (vāsanā). Nhất thiết trí là trí thấy rõ tất cả những pháp cần biết.
2. Độc giác hay Bích chi bồ đề (Pacceka-Bodhi): Sự giác ngộ bao gồm 4 loại Tuệ Đạo tỏ ngộ Tứ Diệu Đế do bởi chính mình, không có sự giúp đỡ của ông thầy.
3. Thinh văn giác (Sāvaka-Bodhi): Sự giác ngộ bao gồm bốn loại Đạo Tuệ tỏ ngộ Tứ Diệu Đế qua sự chỉ dạy của ông thầy.
(1) Những vị có chí nguyện giác ngộ Vô-thượng Chánh đẳng giác thì được gọi là Vô thượng Chánh đẳng giác bồ tát, “Đương lai Toàn giác Phật”.
(2) Những vị có chí nguyện giác ngộ Bích chi bồ đề thì được gọi là Bích chi Bồ-tát hay Độc giác Bồ-tát.
(3) Những vị có chí nguyện giác ngộ Thinh văn giác thì được gọi là Thinh văn Bồ-tát, “Những Thinh văn đệ tử tương lai của một vị Phật”.
Ba loại Đương lai Toàn Giác Phật. Trong ba loại Bồ-tát thì:
Vô thượng Chánh đẳng giác Bồ-tát lại được phân thành ba nhóm:
(a) Trí tuệ Bồ-tát (Paññādhika Bodhisatta)
(b) Đức tin Bồ-tát (Saddhādhika Bodhisatta).
(c) Tinh tấn Bồ-tát (Vīriyādhika Bodhisatta).
Đạo quả Phật là sự chứng đắc Nhất thiết trí (Sabbaññuta-ñāṇa). Muốn chứng đắc Trí tuệ tối thượng này, người tầm cầu phải có một bản chất tâm trong đó Trí tuệ là hướng đạo. Yếu tố Trí tuệ làm chủ ở đây có nghĩa là sự suy xét kỹ lưỡng trước khi làm việc gì về thân, lời nói hoặc ý nghĩ. Nhờ thế trí tuệ của người ấy sẽ mạnh lên và được Tăng trưởng trải qua nhiều kiếp sống. Khi đúng lúc, người ấy sẽ dễ dàng chứng đắc Nhất thiết trí – trí vượt xa các loại trí khác. Giống như tiền kiếm được trong thế gian bằng sự đầu tư, cũng vậy Nhất thiết trí đạt được bằng sự đầu tư của trí tuệ.
(a) Trí tuệ Bồ-tát: Bồ-tát có trí tuệ làm hướng đạo và luôn hiện diện trong sự nỗ lực bền bỉ. Các ngài sẽ thành Phật sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong thời gian 4 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Họ được xếp vào nhóm Trí tuệ Bồ-tát (Paññādhika).
(b) Đức tin Bồ-tát: Bồ-tát tin rằng họ sẽ thành Phật sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và bản chất tâm của họ niềm tin như vậy là hướng đạo. Đối với nhóm Bồ-tát này, niềm tin giữ vai trò lớn hơn trí tuệ trên con đường thực hành các pháp Ba-la-mật. Vì niềm tin làm hướng đạo nên họ thành Phật sau 8 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Họ được xếp vào nhóm Đức tin Bồ-tát (Saddhādhika).
(c) Tinh tấn Bồ-tát: Bồ-tát chỉ dựa vào sự tinh tấn. Họ không lấy trí tuệ hay niềm tin làm hướng đạo. Vì cho rằng sự tinh tấn sẽ giúp họ thành đạt mục tiêu tối thượng là Phật quả, họ lấy pháp Tinh tấn làm ưu tiên số một cho việc thực hành các pháp Ba-la-mật. Như vậy họ phải trải qua 16 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và 100 ngàn đại kiếp mới thành Phật. Họ được xếp vào nhóm Tinh tấn Bồ-tát (Vīriyādhika).
Như vậy, cần lưu ý rằng ba nhóm: Trí tuệ Bồ-tát, Đức tin Bồ-tát và Tinh tấn Bồ-tát chỉ áp dụng cho các vị Bồ-tát đương lai.
Paññādhikānaṃ hi saddhā mandā hoti Paññā tikkhā.
Saddhādhikānaṃ Paññā majjhimā hoti saddhā balavā.
Vīriyādhikānaṃ saddhā Paññā mandā vīriyaṃ balavaṃ.
Ở các vị Trí tuệ Bồ-tát thì Trí tuệ mạnh nhưng Đức tin yếu.
Ở các vị Đức tin Bồ-tát thì Trí tuệ trung bình nhưng Đức tin mạnh.
Ở các vị Tinh tấn Bồ-tát thì Đức tin và Trí tuệ yếu, chỉ Tinh tấn mạnh.
Lý do để phân biệt ba hạng Đương lai Phật
Như đã giải thích, Bồ-tát có 3 hạng với 3 thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, tức là: 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Lý do để phân biệt điều này đã được nói rõ trong bộ Pāramīdawgan Pyo, đó là một thiên anh hùng cảnh do Ashin Sīlavaṃsa (tu sĩ), một nhà thơ của Miến Điện cổ xưa biên soạn. Căn cứ vào Thiên anh hùng cảnh ấy, sự khác biệt nằm ở con đường Đạo mà mỗi vị Bồ-tát chọn lựa, nghĩa là: Trí tuệ Bồ-tát chọn con đường Trí tuệ và phải trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp mới thành chánh quả. Đức tin Bồ-tát chọn con đường Đức tin và phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp mới đạt đến mục tiêu. Tinh tấn Bồ-tát chọn con đường Tinh tấn và phải mất 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp để thành đạt mục tiêu.
Theo quan điểm của những vị thầy khác trong bộ Tạp luận (Pakiṇṇaka-kathā) của Chú giải Hạnh tạng (Cariyā-Piṭaka), điểm khác biệt của 3 thời gian thực hành nằm ở 3 mức độ tinh tấn – mạnh, vừa và yếu. (Quan điểm này ngụ ý rằng vị Bồ-tát loại Trí tuệ mất 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp để thực hành các pháp Ba-la-mật vì tinh tấn của họ trội nhất). Quan điểm như vậy không thể thoát khỏi lỗi lầm là tạo ra sự lẫn lộn (saṅkara-dosa) giữa Trí tuệ Bồ-tát và Tinh tấn Bồ-tát.
Quan điểm thu hút sự chú ý của nhà Chú giải Dhammapāla và các nhà Chú giải khác là sự khác biệt về thời gian do mức độ: mạnh, vừa và yếu của sự chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát (Vimuttiparipācanīya Dhamma).
Nói rõ hơn là ngay vào lúc được thọ ký, các vị Bồ-tát có ba loại: Lược khai trí Bồ-tát (Ugghātitaññū Bodhisattā), Quảng viễn tri Bồ-tát (Vipañcitaññū Bodhisattā), và Sở dẫn đạo Bồ-tát (Neyya Bodhisattā).
1. Lược khai trí Bồ-tát (Ugghātitaññū Bodhisattā): là những vị Bồ-tát có khả năng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (paṭisambhida). Chư vị có thể chứng đắc ngay trước khi kết thúc câu thứ ba của bài kệ, gồm bốn câu do Đức Phật thuyết, nếu họ muốn trở thành một vị Thinh văn đệ tử (Sāvaka-Bodhi) trong chính kiếp sống ấy.
2. Quảng viễn tri Bồ-tát (Vipañcitaññū Bodhisattā): là những vị Bồ-tát có khả năng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (paṭisambhida). Chư vị có thể chứng đắc trước khi kết thúc câu thứ tư của bài kệ, gồm bốn câu do Đức Phật thuyết, nếu họ muốn trở thành Thinh văn đệ tử (SāvakaBodhi) trong chính kiếp sống ấy.
3. Sở dẫn đạo Bồ-tát (Neyya Bodhisattā): là những vị Bồ-tát có khả năng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (paṭisambhida). Chư vị có thể chứng đắc như vậy vào lúc kết thúc bài kệ, gồm bốn câu do Đức Phật thuyết, nếu họ muốn trở thành Thinh văn đệ tử (Sāvaka-Bodhi) trong chính kiếp sống ấy.
Đối với Ugghātitaññū Bodhisattā, mức độ chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát rất mạnh, nên họ phải nỗ lực chỉ trong thời gian 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký. Đối với Vipañcitaññū Bodhisattā, mức độ chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát chỉ trung bình, nên họ phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký. Đối với Neyya Bodhisattā, mức độ chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát rất yếu, nên họ phải mất 16 A-tăng-kỳ và 100 trăm ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký. Lược khai trí Bồ-tát (Ugghātitaññū Bodhisattā) là hạng Trí tuệ Bồ-tát. Quảng viễn tri Bồ-tát (Vipañcitaññū Bodhisattā) là Đức tin Bồ-tát và Sở dẫn đạo Bồ-tát (Neyya Bodhisattā) là Tinh tấn Bồ-tát.
Không thể thành Phật trước khi hoàn tất đủ thời gian cần thiết
Lúa trồng xuống phải mất 3, 4 hoặc 5 tháng mới chín. Không có cách nào làm cho lúa chín sớm hơn trong vòng 15 ngày, hoặc một tháng dù người ta ra sức tưới nước và làm cỏ nhiều lần trong một ngày. Cũng vậy, các vị Bồ-tát không có cách nào chứng đắc đạo quả Phật sớm hơn thời gian cần thiết là: 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp – ngay cả sau khi được thọ ký các vị siêng năng bố thí hằng ngày như sự bố thí của Bồ-tát Vessantara và thực hành viên mãn những pháp thích hợp như giới, v.v…
(Trích ĐẠI PHẬT SỬ – T1 – TK Minh Huệ Dịch)