Bát Cơm Cúng Phật

Ngày xưa có hai vợ chồng  nọ, người vợ là một thiện  tín hết lòng kính tin Tam  bảo, trong khi người chồng lại không tin nhân quả, tội phước.

Một hôm nhân lúc chồng đi vắng, thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua nhà, cô vội vàng mang thức ăn ra cúng dường Đức Phật. Sau khi cúng dường, cô cung kính đảnh lễ dưới chân Đức Phật.

Trước tấm lòng thành kính của cô, Đức Phật chú nguyện:

Ta chú nguyện cho thí chủ gieo một gặt mười, gieo mười gặt trăm, gieo trăm gặt ngàn. Nhờ công đức bố thí bát cơm này, thí chủ sẽ được vô lượng phước báu.

Vừa lúc đó người chồng về tới, nghe Đức Phật chú nguyện như thế, anh ta xẵng giọng hỏi:

– Này ông Sa mônĐàm, làm gì mà được phước báu nhiều như vậy? Ông đừng nói khoác! Ông hãy đi khỏi đây đi!

Trước thái độ lỗ mãng của anh ta, Đức Phật vẫn không tỏ ra khó chịu, Ngài mỉm cười và ôn tồn hỏi:

– Này anh, anh vừa từ đâu về?

– Tôi từ thành Vương Xá về.

– Trên đường về, đi ngang qua khu rừng, anh có thấy cây Ni câu loại không?

– Thấy!

– Anh thấy nó cao bao nhiêu?

– Hàng mấy chục thước.

– Mỗi năm cây ấy có khoảng bao nhiêu trái?

– Rất nhiều, khó có thể tính đếm, chỉ có cách lấy thúng mà lường.

Bấy giờ Đức Phật mới bảo:

– Anh thấy đó, đầu tiên chỉ có một hạt bé tí mà sinh ra cây Ni câu loại cao lớn hàng mấy mươi thước, cành lá sum suê, mỗi năm trỗ hàng trăm ngàn quả. Loài thực vật vô tri còn như vậy, huống chi loài hữu tình. Nữ thí chủ vợ của anh hoan hỷ cúng dường cho Như Lai một bữa ăn, phước đức ấy không thể đo lường được.

Nghe Đức Phật nói, người chồng bừng tỉnh, lấy làm ăn năn về hành động thô lỗ của mình, anh ta đến quỳ dưới chân Phật cầu xin sám hối:

– Kính bạch Thế Tôn, kính mong Thế Tôn từ bi tha lỗi cho con, từ đây con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử.

– Lành thay!

(Theo Truyện cổ Phật giáo)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Cúng dường Tam bảo với tâm hoan hỷ, cung kính là việc làm mang đến nhiều phước báu. Như người làm vườn, tuy chỉ gieo những hạt cam bé nhỏ trên mảnh đất tốt mà về sau có được cả vườn cam với nhiều trái ngọt.

Cũng vậy, khi gieo nhân tốt, ta không chỉ gặt được một quả lành mà rất nhiều, không chỉ một mình ta thừa hưởng kết quả tốt lành đó mà cả những người thân và những người xung quanh chúng ta đều được hưởng.

Ví dụ, khi ta sống tốt với mọi người thì chẳng những mọi người tốt lại với ta mà còn tốt với gia đình, con cháu của chúng ta nữa. Khi chúng ta tạo ân đức cho đời thì sau này con cháu chúng ta cũng thừa hưởng ân đức đó.

Và nếu ta gieo nhân xấu thì kết quả ác không chỉ ta phải nhận lãnh một lần mà có thể nhận lãnh nhiều lần, không chỉ một mình ta mà có thể con cháu ta cũng bị liên lụy.

Ví dụ một người phạm tội giết người, chẳng những anh ta phải chịu quả báo khổ não khi bị xử tử mà còn chịu nỗi sợ hãi cái chết trong lúc bị giam cầm, chịu sự giày vò ray rứt lương tâm, sự ăn năn hối hận. Sau khi anh ta chết đi, cha mẹ, vợ con và những người thân của anh cũng đau khổ biết chừng nào, phải mang tiếng xấu với đời.

Hậu quả không chỉ kết thúc ở đó, mà anh ta còn bị đọa địa ngục không biết ngày nào mới thoát ra, đến khi ra khỏi địa ngục được sinh làm người lại phải chịu quả báo oan oan tương báo, oán đối chập chùng.

Khi hiểu được lý nhân quả rất công bằng, thích đáng, chúng ta càng cẩn thận hơn trong suy nghĩ, hành động của mình, không thể xem thường, khinh suất, bất cứ hành vi tạo tác nào cũng cần phải cân nhắc nghĩ suy hợp với điều lành điều thiện, có lợi ích cho mình cho người, không gây hại cho ai.

Và để có một đời sống an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, chúng ta cần phải tích cực gieo thật nhiều nhân tốt trong hiện tại.

Theo: Giác Ngộ Online