Bên Kinh Dịch khuyên người ta trở về thái cực thì cũng giống như Phật giáo, vậy thế nào?

Hỏi:
Bên Kinh Dịch khuyên người ta trở về thái cực thì cũng giống như Phật giáo, vậy thế nào? 

Đáp:
Những việc ấy là tư tưởng chấp thật mới có như vậy. Còn Phật giáo dạy đừng đem ý mình thêm vô hay bớt ra, gọi là bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh, không có sự tương đối, không chấp vào một bên. Phật có 84.000 pháp môn để phá chấp vào một bên, mà phá chấp hết rồi, còn nói phá cái không chấp cũng không được; tức còn nói không chấp là chấp, chỗ nói không được thì phải ngộ

Ngài Nguyệt Khê có nói 4 giai đoạn: Duy tâm, Duy vật, Tâm vật hợp một, Phi tâm phi vật. Cuốn sách này có thể nói đến Tâm vật hợp một, muốn đến Phi tâm phi vật phải tu đến ngộ mới biết, chứ không thể nói được.
 Triết học tây phương chỉ suy lý, khôngkinh nghiệm trực tiếp; Triết học đông phương có kinh nghiệm trực tiếp, nhưng kinh nghiệm đó chấp thật. Chánh pháp phá chấp thật, tức là bản thể như thế nào là như thế ấy thôi, y như cũ. Như ban đầu núi sông, rồi tiến một bước chẳng phải núi sông, cuối cùng núi sông vẫn là núi sông. 

Cuối cùng núi sông vẫn là núi sông thì khác xa với đầu tiên núi sông. Đầu tiên núi sông là chấp thật núi sông, rồi chẳng phải núi sông là phủ nhận núi sông, sau này không còn chấp thật thì núi sông vẫn là núi sông; tức là bản lai diện mục, không phải đầu tiên núi sông và cũng không phải phủ nhận núi sông; nghĩa là không nhìn nhậnkhông phủ nhận, nó như thế nào là y thế ấy, y như cũ, không có ý mình vô cho là núi sông hay không phải núi sông. Cho nên, nói núi sông vẫn là núi sông.

Nói ra rất đơn giản, mà người ta khó thực hành; người ta gặp cái gì cũng phải có ý mình cho là cái này hợp lý hay không hợp lý, cái này đúng hay không đúng. Nhưng sự thật, không phải đúng hay không đúng, có lý hay không có lý. 

Như cáikhông” sẵn sàng không có nghĩa lý gì hết, tại thông minh của con người lập ra đủ thứ nghĩa không rất có lý, diễn ra rất hay. Nhưng nguồn gốc thì không có nghĩa lý. Cái không có nghĩa lý thì không ai sữa đổi được, còn lập ra nghĩa lý thì có sự tranh cải. Vì vậy, Thiền tông chỉ hiện ra bổn lai diện mục. Bổn lai là không thêm, không bớt; vì thêm hay bớt là tư tưởng chấp thật, gọi là vọng.

Chỗ này, các Giảng sư, Pháp sư giảng kinh thuyết pháp Phật giáo, những người còn có tư tưởng chấp thật thì không thể đến chỗ này được. Vì họ chấp thật giáo lý có chân lý, các chân lý đó ghi trong kinh điển. Nhưng tất cả kinh điển Đại thừa liễu nghĩa không có kiến lập chân lý. 

Kinh như ngón tay để chỉ mặt trăng, nếu thấy mặt trăng thì ngón tay là vô dụng; kinh Kim Cang ví dụ như chiếc bè qua sông, qua đến bờ bên kia thì chiếc bè phải bỏ. Không chịu bỏ chiếc bè, mà vác chiếc bè đi chơi làm sao được? Vì sợ người ta chấp thật lời thuyết pháp của Phật, nên khi Phật thuyết pháp xong liền phủ nhận. Như người ta cho là chân lý mà Phật đã bỏ vào thùng rác rồi. 

Nhà khoa học tây phương chỉ biết có nhất nguyên, nhưng họ dùng bộ óc suy cứu tìm hiểu, kết cuộc cũng hiện ra nhị nguyên, vẫn còn trong tương đối. Nhà Phật thì nhất nguyên cũng không được, người ta nói “không thể dùng ngôn truyền, mà chỉ dùng ý hội”. Còn Thiền tông cũng không cho ý hội, nếu dùng ý hội là “con chó đuổi theo cục xương”.