Được Phước Hay Tổn Phước?

Đối với các cháu khá hiếu động, khi đến chùa nếu có gây ra chút ồn náo thì chúng ta nên từ bi khuyên bảo.

HỎI: Nhà tôi có phòng thờ Phật rất trang nghiêm, mỗi lần tụng kinh cả nhà cùng với các người thợ có đến 10 người. Có điều, mỗi lần nghe chúng tôi tụng kinh hay niệm Phật thì đứa con nhỏ của tôi (mới 2 tuổi) liền lên chánh điện, vô tư lấy dùi gõ chuông mõ tùy thích. Tôi không biết con tôi làm như vậy có bị tổn phước không?

Còn điều này nữa, tôi nghe quý thầy giảng, mỗi khi đi chùa lễ Phật hay cúng dường thì nên đem con cái theo để các cháu gieo duyên gần gũi với Tam bảo, lớn lên sẽ dễ trưởng dưỡng đạo tâm và thuần thiện hơn. Tôi cũng làm theo như vậy. Nhưng một lần, tôi đang tác bạch cúng dường trong chánh điện thì cháu nhỏ vì hiếu động nên chạy tới lui, có gây ồn ào một tí nhưng vẫn chưa đến nỗi nào.

Sau đó có người góp ý với tôi rằng, cháu nhỏ chạy qua chạy lại trong chánh điện như vậy là mất trang nghiêm, bị tổn phước nhiều lắm. Hiện tôi rất hoang mang và bất an với lời nói ấy vô cùng. Tôi đem con đi cúng dường nhằm gieo trồng thiện căn phước đức cho cháu nhưng nếu con tôi vì chưa ý thức được mà bị tổn phước thì thật đáng tiếc. Sắp tới, tôi có Phật sự cúng dường nhưng phân vân không biết có nên mang cháu đi cùng không? Con tôi có thật sự bị tổn phước do hiếu động như vị ấy nói không?

(DIỆU THANH, Bưu điện Bình Thủy, Q.5, TP.HCM)

ĐÁP:

Bạn Diệu Thanh thân mến!

Trước hết phải nói rằng con của bạn khá hiếu động. Về phương diện y học, nói chung hiếu động là một dấu hiệu tốt cho sức khỏe. Trừ trường hợp một số trẻ có biểu hiện hiếu động thái quá thì gia đình nên đưa các cháu đến bệnh viện nhi để kiểm tra và trị liệu.

Về phương diện đạo pháp thì có thể nói con của bạn có nhiều thiện duyên với Tam bảo, nhất là vấn đề kệ kinh và tụng niệm. Những biểu hiện tự phát vô tư của trẻ phản ánh rõ nét những nghiệp duyên tích tập trong quá khứ còn lưu dấu đến hiện nay. Con của bạn còn bé tí mà đã thích lên chánh điện nhìn Phật, nghe cả nhà tụng kinh niệm Phật, lấy dùi gõ chuông mõ một cách khoái chí hồn nhiên chứng tỏ phước duyên tụng niệm trong quá khứ của cháu rất sâu dày.

Những biểu hiện có phần hiếu động này, có thể nói là do thiện nghiệp quá khứ của cháu thúc đẩy, hoàn toàn không chủ ý, tuy có thể gây khó chịu một chút cho cả nhà nhưng dĩ nhiên là cháu không bị tổn giảm phước báo. Ngược lại, nếu được gia đình quan tâm trợ duyên, dìu dắt cho cháu làm quen dần với kệ kinh và tụng niệm thì chắc chắn rằng cháu sẽ bén duyên với Tam bảo rất nhanh, nhờ đó mà phước báo của cháu có cơ hội tăng trưởng.

Mặt khác, chúng tôi cũng tán thành quan điểm của bạn là mỗi khi đi chiêm bái, lễ Phật, tụng niệm hay cúng dường, nếu được thì dắt con cái đi theo để chúng gieo duyên lành với Tam bảo. Nhờ các bậc cha mẹ dắt dìu con cái vào đạo từ khi còn bé nên lớn lên đạo tâm và đạo hạnh của các cháu sẽ thuần thục, niềm tịnh tín Tam bảo sẽ sâu sắc hơn.

Dĩ nhiên, không ai chấp nhất việc con trẻ hiếu động gây nên ồn náo nơi chốn thanh tịnh và trang nghiêm, bởi lẽ các cháu còn quá nhỏ nên chưa ý thức được việc mình làm. Do đó, việc có người cho rằng một cháu bé mới 2 tuổi vô tư chơi giỡn chạy qua chạy lại trong chánh điện sẽ bị tổn phước là khắt khe, thiếu cảm thông, không phù hợp với tinh thần từ bi h xả của Chánh pháp.

Bình tâm để quán chiếu sâu sắc hơn, chúng ta sẽ thấy rất rõ là cháu đã tâm cảm được sự bình an và thân thuộc khi đối trước Tam bảo, tiếp xúc với chư Tăng hay đạo tràng nên vô tư và thoải mái thể hiện vui đùa mà thôi. Vì mọi người đều hoan hỷ, không chấp nhất với những việc cháu làm ồn ào nên cháu không hề bị tổn phước.

Do đó, đối với các cháu khá hiếu động, khi đến chùa nếu có gây ra chút ồn náo thì chúng ta không nên “kết tội” mà chỉ nên từ bi khuyên bảo, nhất là căn dặn các bậc cha mẹ hãy trông chừng cẩn thận, giữ cháu lại ngồi yên với mình trong những lúc cần thiết nhất. Như thế, chúng ta vừa giữ được thanh tịnh trang nghiêm cho đạo tràng, chùa viện mà lại vừa giúp cho con nhỏ của mình gieo trồng phước duyên với Tam bảo.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn