HỎI: Tôi năm nay 24 tuổi, thường trú tại TP.Đà Nẵng. Hiện tôi đang học cao học Văn hóa học (lý luận văn hóa) tại Viện KHXHVN, Hà Nội (tháng 10-2013 sẽ tốt nghiệp). Gia cảnh tôi khá tốt, song thân phụ mẫu, ông bà nội ngoại vẫn còn, tôi là con trai trưởng và duy nhất của gia đình. Trước đây tôi là người theo chủ nghĩa vô thần, luôn cho rằng mọi vấn đề dù lớn, dù nhỏ đều có thể lý giải và giải quyết bằng duy lý. Nhưng khi đối mặt với thế giới rộng lớn, tôi đã thấy suy nghĩ của mình sai. Với một tâm hồn khá nhạy cảm về những bất công, những phận người trong xã hội, những nỗi khổ đau của bản thân và chúng sinh trong vòng vô thường, tôi đã đến với Phật giáo như một căn duyên tiền định. Tìm hiểu kinh sách, qua những lần trao đổi với chư vị Tăng Ni, những giáo lý thâm sâu mà rất đỗi dung dị của nhà Phật đã thấm vào tôi từng ngày. Trong thâm tâm tôi đã giục giã tôi đến dưới chân đấng Giác Ngộ để mà tu tập và phụng sự. Hiện tôi thật lòng rất muốn xuất gia tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Tôi đã trình bày nguyện vọng này với song thân và những người thân xung quanh. Ban đầu có những ý kiến phản đối nhưng khi thấy quyết tâm của tôi lựa chọn con đường này thì song thân tôi cùng đại đa số người thân đã đồng ý với quyết định của tôi. Điều tôi mong muốn quý Báo trợ duyên cho tôi biết những nơi và những bước tiếp nhận tôi xuất gia tu tập theo pháp môn Tịnh độ tại Đà Nẵng. Đồng thời tôi cũng muốn hỏi thêm rằng hiện việc học cao học của tôi còn dang dở, nếu có căn duyên được xuất gia từ bây giờ thì liệu tôi có được tạo điều kiện hoàn thành khóa học không? Hay tôi nên đợi đến lúc tốt nghiệp rồi mới xuất gia? Và ngành học của tôi có thể phụng sự được cho Phật pháp về sau không?
(TRÍ LỰC, huudungc1@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Trí Lực thân mến!
Bạn có thiện căn sâu dày với Phật pháp nên bước vào đạo với hảo tâm xuất gia cao thượng. Đây là một duyên lành lớn cho bạn vì tuổi trẻ, tri thức và nhiệt tâm tinh tấn cầu pháp sẽ là nền tảng vững chắc cho sự tiến tu và phụng sự đạo pháp về sau. Trong lộ trình dài tu học, bạn đã vượt qua ngưỡng đầu tiên là quyết định xuất gia bỏ lại sau lưng rất nhiều danh vọng, thụ hưởng của đời sống thế tục. Trong giai đoạn tập sự xuất gia, sự trợ duyên của gia đình có vai trò rất quan trọng. Bạn đã được sự cho phép, đồng thuận và tán trợ của gia đình cùng người thân cũng là một thắng duyên.
Theo truyền thống Phật giáo, người sơ tâm xuất gia cần phải tập trung học đạo trong chốn thiền môn, hạn chế không để ngoại duyên chi phối nhiều. Do vậy, nếu bạn quan tâm đến việc tốt nghiệp chương trình cao học thì nên gắng học cho xong rồi bước vào đời sống xuất gia. Một người có chuyên môn về lý luận văn hóa, sau khi xuất gia có thể vận dụng kiến thức chuyên ngành này cho sự nghiệp nghiên cứu, truyền bá văn hóa Phật giáo và hoằng truyền Chánh pháp.
Bạn có căn duyên với pháp môn Tịnh độ và mong muốn tu tập theo pháp môn này, điều ấy rất tốt. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi chùa (được ghi nhận là) tu Tịnh độ tại quê hương Đà Nẵng của bạn, cũng như tại Việt Nam hiện nay nói chung, đều lấy pháp tụng kinh-niệm Phật làm căn bản nhưng mang lại sắc thái dung hợp cả Thiền-Tịnh-Mật, song hành tu niệm cùng với phụng sự chúng sanh. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của hệ thống tự viện Phật giáo Bắc tông nước ta với khuynh hướng dung hội, tích hợp nhiều pháp môn hơn là chuyên nhất.
Nói như thế cũng không ngoài vấn đề rằng, bạn không cần lựa chọn nhiều mà cứ gieo duyên và bày tỏ tâm nguyện muốn được xuất gia tu học ở những ngôi chùa hay vị thầy tu theo pháp môn Tịnh độ nào mà bạn cảm thấy có nhân duyên (tự thấy thích, cảm mến cảnh và người nơi ấy). Khi được thầy trụ trì đồng ý thâu nhận làm đệ tử thì mọi sự bạn đều nhất nhất tuân theo sự chỉ dạy của thầy, nhất là trong thời gian đầu tập sự xuất gia. Sau một thời gian được đào tạo gia giáo căn bản tại chùa, vị thầy sẽ gửi bạn vào các trường sơ-trung cấp Phật học, học viện Phật giáo hay du học ở nước ngoài. Về sau nữa, muốn nghiên cứu giáo điển cũng như hành trì chuyên sâu theo tôn chỉ Tịnh tông thì mỗi hành giả phải tự nghiên cứu và thể nghiệm lấy từ trong kinh tạng Phật giáo.
Trong giai đoạn đầu, sự giáo dưỡng cũng như định hướng tu học cho đệ tử hoàn toàn phụ thuộc vào vị thầy. Thực tế cho thấy là không phải vị thầy nào cũng có quan điểm và phương cách giáo dục đệ tử giống nhau. Vì thế, ngoài nỗ lực tự tìm thầy của mình, bạn cũng nên gia tâm nguyện xin Tam bảo trợ duyên để tìm được một vị thầy tâm linh dẫn đạo là minh sư, có tri thức và kinh nghiệm tu tập để nương tựa. Khi đã tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm tu tập căn bản từ thầy tổ, các trường Phật học, thì bạn sẽ tìm ra pháp tu thích hợp nhất cho mình, dù theo pháp môn nào, bạn cũng phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn