Hòa Thượng Thích Thanh Trí (1919-1984)

Hòa thượng thế danhHồ Văn Liêu, húy Tâm Huệ, pháp hiệu Thích Thanh Trí, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 43. Ngài sinh ngày mồng 1 tháng 10 năm K Mùi (21-111919) tại làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (nay là Hương Điền), tỉnh Thừa Thiên. Là con trai độc nhất trong một gia đình có năm anh chị em. Thân phụ là cụ ông Hồ Văn Sừng. Thân mẫu là cụ bà Tô Thị Thục.

Xuất thân trong một gia đình nề nếp, thấm nhuần đạo Phật, hằng ngày thường lui tới ngôi Sắc tứ Quảng Phước Tự trong làng, nên Ngài sớm có ý nguyện xuất gia học đạo. Năm 12 tuổi, Ngài đã xin phép song thân vào Huế, tìm đến chùa Từ Hóa, đảnh lễ Đại lão Hòa thượng Trừng Diên, xin xuất gia và được Hòa thượng hứa khả. Từ đó Ngài chăm lo học tập kinh luận, tìm hiểu Phật pháp. Đến năm 1936, Ngài đúng 18 tuổi, được thọ giới Sa Di tại giới đàn chùa Đại Bi tỉnh Thanh Hóa, do Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Minh trú trì chùa Từ Hiếu làm Đàn đầu Hòa thượng.

Tuy còn là Sa Di, nhưng với tư chất thông minh, đạo hạnh gương mẫu, nên năm 1940 (22 tuổi), Ngài được Phủ Tôn Nhơn hoàng tộc xin Giáo hội cho trú trì chùa Diệu Hỷ thành phố Huế. Hai năm sau, Ngài lại được Giáo hộiTổ đình Báo Quốc mời làm Tri sự của Tổ đình. Năm 1948, lúc 30 tuổi, Ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn Báo Quốc do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm đàn đầu. Sau đó Ngài được Giáo hội lần lượt giao nhiều trách nhiệm quan trọng.

Năm 1953, Ngài là Ủy viên Tài chánh của Giáo hội Tăng già Trung Việt. Cũng trong năm này, Ngài đã cùng Giáo hội sáng lập trường tiểu học Hàm Long với mục đích mở mang về thế học cho chúng điệu để có được trình độ kiến thức phổ thông góp phần xứng đáng cho sự nghiệp của Giáo hội. Đến năm 1957 trường này đã mở lên đến bậc trung học.

Năm 1959, Ngài đứng ra hưng công đại trùng tu Tổ đình Báo Quốc bằng vật liệu nặng nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của lối kiến trúc Á Đông.

Năm 1963 gặp lúc pháp nạn, Ngài đã cùng chư tôn giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử đứng lên tranh đấu đòi hỏi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, cùng bị bắt đêm 20-81963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm tấn công chiếm chùa.

Năm 1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài được mời làm Đặc ủy Tài chánh Kiến thiết của Tỉnh Giáo Hội Thừa Thiên và Thành phố Huế. Hai năm sau, Ngài được cử làm Chánh Đại Diện Tỉnh Giáo Hội kiêm Giám tự Phật học viện Báo Quốc – Huế.

Tết Mậu Thân 1968, Tổ đình Báo Quốc không may bị bom đạn tàn phá nặng nề, Ngài lại một lần nữa đứng ra kêu gọi sự tùy hỷ đóng góp của tín đồ để đại trùng tu Tổ đình.

Đầu xuân 1970, tại buổi họp của Tổ đình, theo thư đề nghị của Hòa thượng Trí Thủ, Ngài được mời đảm nhiệm trú trì Phật học viện Báo Quốc thay Hòa thượng đang bận Phật sự của Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn. Nhưng Ngài vẫn từ chối, chỉ giữ chức Giám tự như cũ, thay mặt Hòa thượng Trí Thủ đảm đương Phật sự của Tổ đình và cùng với Ban quản trị Phật học viện Báo Quốc chăm lo việc giáo dưỡng Tăng sinh.

Tháng 8 năm 1972, Ngài được Giáo Hội mời giữ trọng trách Chánh Đại Diện lần nữa của tỉnh Thừa Thiên và Thành phố Huế, thay thế Hòa thượng Thích Mật Nguyện mới viên tịch. Với tình cảm yêu quê hương làng xóm, năm 1974 Ngài đã cùng dân làng Phước Yên, nơi chào đời của Ngài, trùng tu ngôi Sắc tứ Quảng Phước Cổ Tự mà thuở thiếu thời Ngài hằng lui tới lễ Phật, nghe kinh.

Năm 1977,Ngài được mời làm Tôn chứng của Đại giới đàn tổ chức tại chùa Ấn Quang,Sài Gòn, và làm đàn chủ của giới đàn tổ chức tại chùa Báo Quốc-Huế. Cũng năm này, Ngài chính thức là Ủy viên của Hội đồng Giáo Phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngày 25-5-1979,Ngài được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Trị Thiên mời vào phái đoàn đi thăm tỉnh kết nghĩa Savannakhet của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào.

Đầu xuân Canh Thân (1980) trước nhu cầu của lịch sử, Ngài được mời vào Ban vận động Thống nhất Phật giáo toàn quốc. Trong Đại hội Thống nhất Phật Giáo 1981, Ngài được cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tháng tư năm Nhâm Tuất (1982), trong đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên, Ngài được bầu giữ chức Trưởng Ban Trị Sự tỉnh kiêm Chánh Đại Diện Giáo Hội thành phố Huế. Năm 1983 Ngài lại được bầu vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Ngài không những chỉ lo tu trì, mà còn chỉ đạo tổ chức tự túc về kinh tế cho Tăng Ni như thành lập các Tổ hợp chế biến vị trai Lá Bồ Đề, các Tổ hợp nông nghiệp, các Tổ hợp đan thêu, các Tổ hợp tiểu thủ công nghiệp khác. Nhờ đó mà Tăng Ni có điều kiện làm ra của cải vật chất, đóng góp lợi ích chung cho xã hội và cải thiện sinh hoạt nơi tự viện.

Suốt cuộc đời Ngài đã dành tâm lực và trí tuệ cộng sự chặt chẽ với Hòa thượng Thích Trí Thủ trong việc phụng sự Phật pháp, đào tạo Tăng sinh không mệt mỏi. Khi được tin Hòa thượng Thích Trí Thủ viên tịch, Ngài đã vào Sài Gòn và nhận làm chấp lệnh cho Tang lễ.

Đám tang cố Hòa thượng Thích Trí Thủ vừa xong, chỉ mười ngày sau Ngài cũng viên tịch tại Tu viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn vào lúc 13 giờ 30′ ngày 13 tháng 3 năm Giáp Tý (13-4-1984), hưởng thọ 66 tuổi đời, 40 tuổi hạ. Kim quan của Ngài được đưa về Huế nhập tháp tại chùa Báo Quốc.