Kinh Pháp Bảo Đàn Không Do Lục Tổ Huệ Năng Nói

Đọc Kinh Pháp Bảo Đàn, tôi rất tâm đắc và xem kinh này như là thiền điển rất quan trọng. Thế nhưng sau này tôi nghe có ý kiến cho rằng kinh này không do Lục Tổ Huệ Năng nói, tôi rất phân vân. Xin được giải thích và cho ý kiến.

Ng. Ph. L, đường Bùi Thị Xuân, T/P Qui Nhơn

Ta thấy các bản Kinh Pháp Bảo Đàn hiện nay đều ghi là do đệ tử của Lục Tổ Huệ NăngPháp Hải ghi lại theo đúng Pháp ngữ của tổ. Vấn đề là có phải do chính ngài Pháp Hải ghi chép hay không và việc ghi chép có trung thực hay không.

Trước hết, hẳn ai cũng biết rằng các điển tích được sao chép lại qua tay một hay nhiều người, qua nhiều năm tháng thì không thể tránh khỏi sự sai lạc, thêm bớt hoặc thậm chí bị ngụy tạo. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có nhiều chỗ khiến người đọc nghi ngờ rằng không do chính Lục Tổ nói. Ví dụ: Tổ tự nhận không biết chữ và khuyên không nên chấp vào chữ nghĩa, kinh điển, nhưng Tổ lại giải thích, dẫn chứng các kinh như Đại Bát Niết-bàn, Duy Ma Cật, Pháp Hoa, Kim Cương, Bồ-tát Giới…; đã thế, Tổ còn dặn phải ghi chép lời Tổ thật kỹ để lưu truyền lâu dài và đặt tên là Kinh Pháp Bảo Đàn, trong khi đây thực ra chỉ là một cuốn ngữ lụckinh trong Phật giáo là để riêng chỉ Pháp ngữ của Đức Phật. Lại nữa, có nhiều chỗ trong Kinh Pháp Bảo Đàn phê phán gay gắt Bắc phái của ngài Thần Tú, thậm chí cả bài kệ “Bồ đề bổn vô thọ…”[i] nói về Không tính để đáp lại bài kệ của ngài Thần Tú cũng không phải là mới mẻ gì đối với giới tu học Phật thời ấy. Có lẽ những điều này đã khởi đầu khiến cho người đọc nghĩ rằng kinh này đã bị người khác thêm thắt, sửa đổi.

Hiện nay có cả chục bản Pháp Bảo Đàn có nội dung không hoàn toàn giống nhau, bố cục, độ dài ngắn cũng khác nhau, nhưng có bốn bản được xem là quan trọng nhất:

1/ Bản được tìm thấy ở Đôn Hoàng năm 1900, được xem là bản xưa nhất, khoảng 150 năm sau khi Lục Tổ viên tịch, có tên là Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Đại Thừa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Ư Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh, gồm 57 chi tiết, 24.000 chữ, rất khó xem vì chữ nghĩa chất phác, trình bày thiếu mạch lạc;

2/ Bản do Huệ Hân soạn vào đời Tống, năm 967, có tên là Lục Tổ Đàn Kinh, gồm hai quyển, 11 môn, 14.000 chữ;

3/ Bản do Khế Tung soạn vào đời Tống (thế k XI), có tên là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh Tào Khê Nguyên Bản, gồm một quyển, 10 phẩm, 20.000 chữ;

4/ Bản do Tông Bảo soạn vào đời Nguyên, năm 1291, là bản được soạn lại, có so sánh, đối chiếu với ba bản kia, hiện nay được lưu truyền nhiều nhất.

Việc có nhiều bản Kinh Pháp Bảo Đàn khác nhau chứng tỏ nội dung các bản này không hoàn toàn đúng theo lời giảng của Lục Tổ Huệ Năng. Những nghiên cứu mang tính khoa học của các học giả sau này càng làm rõ điều đó. Giáo sư Ui Hakuji (Đại học Hoàng gia Tokyo) và nhiều học giả khác, trong đó có Đại sư D. T. Suzuki, cho rằng bản Đôn Hoàng (được tìm thấy cùng với nhiều văn bản của vị đệ tử xuất sắc của Lục Tổ là ngài Thần Hội) vốn do ngài Pháp Hải ghi chép nhưng đã được Thần Hội và các đệ tử thêm bớt, sửa đổi, nhằm phê phán Bắc phái của ngài Thần Tú. Theo Ui Hakuji, Thần Hội đã thêm vào khoảng 40% của toàn bộ kinh, gồm phần phê phán tiệm ngộ, phần định nghĩa tam học… và đặc biệt là bài kệ “Bồ đề…”. Học giả Hồ Thích còn mạnh dạn hơn, sau những nghiên cứu của mình tuyên bố rằng hầu như Thần Hội là người sáng lập Nam phái để chống lại Bắc phái, tự tạo Kinh Pháp Bảo Đàn và Pháp Hải không hề ghi chép kinh này. Giáo sư Yanagida Sezan (Đại học Hanazobu) thì cho rằng có một bản gốc do Pháp Hải biên soạn và Thần Hội đã thêm thắt vào. Ông còn bảo rằng có sự sửa đổi quan trọng trong nội dung kinh của phái Ngưu Đầu, vốn thuộc dòng thiền của Lục Tổ và Thần Hội nhưng muốn tách riêng ra và cũng nhằm phê bác Bắc phái.

Ngoài những chỗ khuyết nghi của Kinh Pháp Bảo Đàn, hẳn mọi người học thiền đều công nhận đây là một thiền điển căn bảntuyệt vời, phù hợp với giáo lý của Đức Phật và sự diễn giải, triển khai của Lục Tổ Huệ Năng. Do đó, không phân vân, chúng ta tôn trọng, hành trì kinh này

[i] Là câu trích trong bài: Bồ đề bổn vô thọ – Minh cảnh diệc phi đài – Bản lai vô nhất vật – Hà xứ nhá trần ai? (Nghĩa là: Bồ đề vốn không thân, Gương sáng cũng không đài, Xưa nay không một vật, Lấy gì quét trần ai?) được cho là bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng đối lại với bài của ngài Thần Tú: Thân thị bồ đề thọ – Tâm như minh cảnh đài – Thời thời thường phất thức – Vật sử nhá trần ai (Thân là cây bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Thời thời thường lau quét, Đừng để bụi bám vào).

http://tapchivanhoaphatgiao.com