Việc thờ cùng, kỵ giỗ những người thân đã mất vẫn được các Phật tử thực hiện trong khi Phật giáo quan niệm rằng khi người ta chết, sẽ đi đầu thai và sống một kiếp sống mới. Như thế, người quá cố có thể liên hệ với người sống và thọ nhận các thứ cúng dường không? Việc thờ cúng, kỵ giỗ có phù hợp với giáo lý Phật giáo không?
Một độc giả ở Hải Phòng
Trước hết, cần ghi nhận rằng việc thờ cúng, kỵ giỗ người thân đã mất là sự thể hiện của một tín ngưỡng, một tập quán của dân gian. Theo đó, người ta tin rằng người quá cố đang sống ở cảnh giới u minh hay cõi âm, thường được hiểu là địa ngục, nhưng địa ngục ở đây cũng là cõi sống với những sinh hoạt tương tự như cõi nhân gian chứ không phải là nơi vô cùng khổ ải như được miêu tả trong kinh sách Phật giáo. Và cũng theo đó khi được thờ cúng, người quá cố sẽ “hiện hồn” về để chứng kiến và thọ nhận các lễ vật.
Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy không nói đến sự thờ cúng, kỵ giỗ. Về sau, một số ít kinh Đại thừa như Kinh Địa Tạng có nói đến việc tụng kinh, họa tượng, dâng lễ Bồ-tát Địa Tạng để cầu cho người thân đã mất được thoát khổ; Kinh Vu Lan Bồn dạy rằng cần cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ để nhờ uy lực chư Tăng mà cha mẹ đã mất được hưởng an lành. Một số học giả cho rằng các kinh này được hình thành cách thời Đức Phật khoảng năm hay sáu thế kỷ và có ảnh hưởng qua lại với tín ngưỡng dân gian.
Qua nhiều kinh như Tạp A Hàm, Tương Ưng, Phật Tự Thuyết, Tâm Địa Quán… Đức Phật đã dạy rằng tất cả chúng sinh đã từng là cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, thân thuộc của nhau trong các đời sống quá khứ và cũng sẽ như thế trong tương lai. Điều này thật phù hợp với giáo lý nhân quả, luân hồi. Bằng sự thờ cúng, kỵ giỗ những người thân đã mất, ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, kính yêu, tri ân, mong mỏi chư vị được hạnh phúc. Bằng cái tâm chân thành, ta có thể tạo thuận duyên để gặp gỡ, gần gũi chư vị trong hình hài của những chúng sinh đang ở quanh ta trong đời này và cả các đời sau, vì ta biết rằng trong các cõi luân hồi, cái chết chỉ là sự chấm dứt một hình thái sống và mở đầu một hình thái sống khác. Đọc kinh Bổn Sinh (Jataka Nikaya), qua truyện kể và lời nhận diện bổn sinh của Đức Phật, ta biết được rằng Ngài và rất nhiều người đang sống quanh Ngài đã từng có liên hệ với nhau trong các đời quá khứ xa xưa…
Ta dâng cúng người đã khuất một ít hương hoa, một ít thức ăn, một chén trà… không phải để cho linh hồn vị ấy hiện về hưởng thụ, nhưng chính ta tin rằng cái tâm chân thành của ta sẽ tạo cơ duyên, tạo cảm ứng để vị ấy trong hình thái sống mới sẽ thọ hưởng những gì tương đương với lời nguyện của ta, với những gì ta dâng cúng. Hiểu như thế, việc thờ cúng, kỵ giỗ sẽ rất phù hợp với giáo lý của Đức Phật.
Thực hiện việc thờ cúng những người đã khuất, ta nghĩ rằng có thể họ đang ở quanh ta trong kiếp sống mới của họ. Ta tin lời Phật dạy rằng hết thảy chúng sinh – người và loài vật – đã từng là cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, thân thuộc của nhau; từ đó, ta sẽ không gây khổ cho bất cứ chúng sinh nào. Nếu ai ai cũng tin như thế thì cuộc đời này sẽ tràn đầy tình thương, hiền thiện. Hạnh phúc biết bao!
http://tapchivanhoaphatgiao.com