Xin Được Giải Thích Về Hoa Sen Và Cát Tường

Vào mùa Phật đản hàng năm, tôi thấy các chùa treo rất nhiều lồng đèn hoa sen. Có người nói với tôi rằng hoa sen không chỉ để treo cho đẹp mà còn là một biểu tượng cát tường. Xin được giải thích về hoa sen và cát tường.

Nguyễn Văn Hóa, quận Tân Bình, T/P Hồ Chí Minh

Đúng như bạn đã nêu, hoa sen không chỉ để treo cho đẹp mà còn mang ý nghĩa cát tường.

Cát tường, tiếng Sanskrit là Ashtamanga, có nghĩa là điềm lành. Phật giáo có rất nhiều biểu tượng cát tường khác nhau, từ các tướng lành của chư Phật, chư Bồ-tát cho đến những câu kinh, câu chú… Có những hình tượng cát tường được hình dung qua một vật cụ thể, kèm theo một câu chuyện, một điển tích, nhưng cũng có những hình tượng cát tường lại biểu đạt những khái niệm trừu tượng, không dễ để miêu tả.

thể kể đến tám hình tượng cát tường phổ biến, thường được thực hiện trên các chất liệu gỗ, vải, gốm sứ, đồng, vàng, bạc như: Bảo cái (Chatra), Kim ngư (Suvarnamatsya), Bảo bình (Salasha), Liên hoa (Padma), Bảo loa (Sankha), Bàn trường (Shrivasta), Khải hoàn kỳ (Dhvaja), Pháp luân (Dharmachakra). Trong đó, hoa sen (liên hoa) là một trong những hình tượng phong phú và phổ biến nhất, có mặt hầu hết trong các kiến trúc, điêu khắc, tranh vẽ… ở các truyền thống Phật giáo khác nhau trên thế giới. Có thể nói, nhắc đến hoa sen chính là nhắc đến đạo Phật vậy.

Hoa sen có bốn màu xanh, vàng, hồng, trắng được người Ấn xem là loài hoa cao khiết nhất trong các loài hoa, bởi bốn đặc tính sau:

  • Mọc lên từ bùn lầy mà không dính dơ, có hương thơm tinh khiết.
  • Hoa cùng quả kết thành một lượt (nhân quả đồng thời).
  • Khi nở loài bướm không bay đến để hút hương.
  • Người phụ nữ chỉ dùng hoa sen để giắt trên đầu.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật có dạy: hàng Tỳ kheo dấn thân vào cõi đời phải biết giữ mình, giống như hoa sen mọc lên từ bùn mà không dính dơ; đối với hàng phụ nữ phải có tư tưởng sau: già thì coi như mẹ, lớn tuổi hơn thì coi như chị ruột, nhỏ tuổi hơn thì coi như em gái, con gái của mình.

Kinh A-di-đà cho rằng những người niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, có thể vãng sinh về nước Cực lạc, được từ nơi hoa sen mà sinh ra.

Hoa sen không chỉ làm biểu tượng cho nơi đứng, ngồi của chư Phật và chư Bồ-tát, mà còn được ví cho Phật tính của hết thảy chúng sinh. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã dẫn dụ về Phật tính, về khả năng thành Phật của mỗi chúng sinh qua hình tượng hoa sen. Màu sắc, độ lớn nhỏ, thời gian sinh trưởng từ nụ đến hoa của hoa sen không đồng nhau, nhưng đặc tính của hoa thì không sai khác: cả gương nhụy, cánh, hạt cùng hiển bày một lúc. Điều đó cho thấy trong nhân phàm phu đã có quả Phật tính. Cho nên chúng sinh không nên tự khinh mình là hạ liệt, kém nhỏ, bởi tất cả đều có khả năng trở thành Phật.

Từ những ý nghĩa trên mà hoa sen thường được người Phật tử trang trí một cách trân trọng trong những ngày Phật đản, vừa mang ý nghĩa thiện lành, vừa mang ý nghĩa hân hoan, chúc mừng. Tác giả Thành Huyền Anh đời Đường đã giải thích về chữ “cát tường” như sau: “cát” ấy là nói về phúc và thiện, “tường” ấy là chúc mừng vậy. Đối với Mật giáo, những hình tượng cát tường khi được thực hiện trong những dịp khánh lễ còn biểu thị cho sức mạnh và uy lực cứu độ rộng lớn.

thể nói, mỗi hình tượng cát tường đều biểu thị một ý nghĩa nào đó trong Phật giáo và đều hướng tới những điều thiện lành. Nhưng những hình tượng ấy chỉ thực sự mang ý nghĩa “cát tường” khi con người biết nói lời thiện lành, làm việc thiện lành và nghĩ điều thiện lành. Nếu làm được như vậy thì cả không gian, thời gian, con người đều có thể trở thành hình tượng cát tường!

http://tapchivanhoaphatgiao.com