Vào thời đức Phật, Tăng già hợp nhất nhờ có sự gắn bó trực tiếp với ngài. Sau khi Phật tạ thế, cộng đồng Tăng già Nguyên thủy sớm thiết lập ngay từ đầu những cuộc hội họp định kỳ hàng tháng nhằm duy trì sự đoàn kết và điều hành đời sống cộng đồng. Suốt thời gian từ một trăm đến bốn, năm trăm năm sau đó, còn có những cuộc họp lớn, gọi là Đại hội. Một trăm năm đầu, do có cuộc tranh luận về việc giữ gìn giới luật, và cách hành đạo, tăng hội chia làm hai phái: Thượng Tọa bộ và Đại chúng bộ. Thượng Tọa bộ chủ trương giữ gìn giới luật và bảo thủ những lời Phật dạy, trong khi Đại chúng bộ chủ trương phải dùng phương tiện khoan hòa mà tiến thủ.
Cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba, tức khoảng 400 năm sau khi Phật tịch diệt, xuất hiện tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật Đa, viết thành sách, đó là mầm mống của Đại thừa Phật giáo. Vào thế kỷ thứ I sau công nguyên, cuộc kết tập cuối cùng, phái Thượng Tọa bộ chủ trương vạn pháp vô thường nhưng vẫn là có, trong khi phái Đại chúng bộ cho vạn pháp tuy có, nhưng thực là không. Ngoài ra còn thuyết Trung luận, chủ trương chẳng có mà cũng chẳng không. Từ đó trong Phật giáo hình thành hai tông lớn, Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana).
Đại thừa dùng sách Tam tạng kinh điển (Tripitaka) viết bằng tiếng Sanscrit. Tư tưởng này được truyền sang các nước phía Bắc như Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên… nên còn được gọi là Bắc tông. Phái Đại thừa chủ trương ngoài việc tự tu, tự độ, tự giác còn phải giác tha (giúp người khác ngộ) nên tư tưởng rộng rãi, bao trùm, ví như cỗ xe lớn, nên gọi là Đại thừa.
Tiểu thừa dùng sách Tam tạng kinh điển (Tripitaka) viết bằng tiếng Pali, phái này truyền về phía Nam như các nước Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào… nên còn gọi là Nam tông.
Hai hệ phái Bắc tông và Nam tông chia ra nhiều tông phái nhỏ.
Bắc tông có Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Chơn Ngôn tông, Thiền tông, Pháp Hoa tông, Tịnh Độ tông, Chơn tông…
Nam tông có Câu Xá tông, Thành Thật tông, Luật tông