Hòa thượng Minh Hòa – Hoan Hỷ, thế danh là Nguyễn Thiên Hỷ, sinh năm Bính Ngọ (1846), tại ấp Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Trong một gia đình hằng kính tin đạo Phật, Ngài đã hưởng nguồn ân phúc ấy nơi song thân từ thuở nhỏ. Do Ngài sinh ra giữa lúc cao trào chống Pháp của các phong trào bùng nổ dữ dội, và nhất là giữa triều đình Tự Đức với cuộc nổi dậy của Trương Định. Hai cụ thân sinh của Ngài cũng nhập cuộc, giữa một bối cảnh đầy nhiễu nhương, vừa chạy giặc vừa chống giặc như mọi gia đình nông dân khác, nên nguồn gốc và tên tuổi của hai vị đến nay chưa có sử liệu nào ghi lại được.
Năm ấy (1846), Ngài sinh đúng vào năm Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học thêm để chờ khoa thi Hội, để rồi sau đó bao biến cố của gia đình và xã hội ập đến làm tiền đề cho con người tài hoa ấy cảm tác nên những áng văn chương bất hủ. Ngài lớn lên, được thâm nhập vào những giá trị tinh thần đó, nên ý chí và lòng yêu nước đã bộc lộ từ rất sớm.
Năm 1862, lúc 17 tuổi, Ngài đã có đủ nhận xét trước sự kiện Quan Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vâng lệnh vua Tự Đức ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Do đó, trước và sau sự kiện này, Ngài biết đến và tìm gặp Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng ở vùng Tân An, đang lãnh đạo phong trào chống Pháp nơi đây để thể hiện lòng bi phẫn trước thời cuộc.
Do sống trong hoàn cảnh nghèo khốn, xa cha mẹ, lại chứng kiến biết bao nỗi khổ của đồng bào trong chiến tranh. Cho nên trong khi liên lạc và theo dõi các phong trào kháng Pháp, Ngài vẫn tìm đến Tổ Tiên Cần – Từ Nhượng tại chùa Long Thạnh (hiện này là xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) để xin xuất gia học đạo giải thoát.
Cùng xuất gia tu học với Ngài còn có Ngài Hoằng Chiếu-Minh Nhiên và Chơn Như-Minh Nghĩa trở thành huynh đệ đồng sư và sống tu học rất lâu với Ngài nơi mái chùa này.
Đối với tình hình Phật giáo thời bấy giờ, Ngài cũng như các vị đồng môn thường hay được Thầy mình dạy bảo tận tường, thường hay bộc lộ niềm ao ước đào tạo được tầng lớp Tăng tài, dù là trong thời gian sơ khởi còn khó khăn mọi phía. Cho nên truyền thống Tông môn trở thành điều cơ bản nhất để có thể truyền trao giới pháp.
Mang hoài bão thiết tha ấy của Thầy, sau khi Bổn sư Tiên Cần-Từ Nhượng viên tịch, Ngài cùng các vị đồng môn đã quy tụ được các Tăng sĩ từ nhiều hướng, với ý đồ thành lập trường Phật học và đã được sự hưởng ứng đồng tình của rất nhiều vị Tôn đức thời bấy giờ. Kết quả đã không phụ lòng mong mỏi chính đáng của Ngài, ngôi chùa Long Thạnh đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm hoằng pháp danh tiếng toàn Nam kỳ lục tỉnh, thu hút được Tăng sĩ khắp nơi đến tu học.
Trong số những vị đã được đào luyện tại đây, dù thường xuyên hoặc gián đoạn, có thể kể đến các vị Hòa thượng ở chùa Phước Long (Sa Đéc), chùa Linh Phước (Mỹ Tho) v.v… xuất thân tu học tại đây. Ngoài ra, theo một vài nguồn tin truyền khẩu từ các vị Tổ đức, thì chính Phật Thầy Tây An, vị giáo chủ sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, không rõ thọ giới với Tổ nào nhưng mang pháp hiệu Minh Huyên, thường xuyên lui tới nơi này để học đạo.
Song song với nhiệm vụ tu học và hoằng dương, Ngài vẫn cùng vài pháp lữ khác dành nhiều thời gian, bàn bạc trao đổi hoặc trực tiếp tham gia vào các phong trào chống Pháp.
Từ tuổi niên thiếu đến lúc trưởng thành, Ngài đã chứng kiến quá nhiều sự kiện không vui cho đất nước. Sau này khi xuất gia rồi, Ngài còn có thêm một nỗi đau nữa là Phật giáo – một tôn giáo vốn là nguồn sống hạnh phúc của dân An Nam lại bị đẩy dần vào tàn lụi, sống âm thầm ở những nơi sơn cùng thủy tận. Tất cả đều qua bàn tay và thâm ý bảo hộ vay mượn từ thực dân. Đầu tiên vào năm Mậu Ngọ (1858), Ngài cũng như hàng triệu thiếu niên khác chứng kiến việc Pháp đánh chiếm (đầu tiên) thành Gia Định. Ngài cũng ghi đậm hình ảnh đại đồn Chí Hòa Phú ThỌ thất thủ, Nguyễn Duy tử trận, Nguyễn Tri Phương rút về Biên Hòa; rồi việc Hồ Huấn Nghiệp lãnh quyền Tri phủ Bình Dương (Sài gòn – Chợ Lớn) lập nên do tổ chức bí mật của các nghĩa sĩ, tiêu biểu nhất vẫn là hình ảnh Trương Định, được mệnh danh “Hai người Việt Nam yêu nước” v.v… (1)
Do đó, Ngài mang chí cả của các bậc Tổ xưa dấn thân giúp nước cứu đời. Nhất là thời gian sau khi ba tỉnh miền Tây bị chiếm, các cao trào chống Pháp càng rầm rộ, chia thành bốn vùng rõ rệt (Bến Tre -Vĩnh Long – Trà Vinh, Rạch Giá – Cà Mau – Cần Thơ, Thất Sơn – Châu Đốc – Long Xuyên – Sa Đéc và Bà Điểm – Hốc Môn). Ngài tham gia vào vùng thứ tư, tức vùng Bà Điểm – Hốc Môn. Tại nơi đây, năm 1885 hình thành “Hội kín” do Nguyễn văn Bường, Phạm văn Hớn (Quản Hớn) chỉ huy. Tổ chức này liên lạc được với anh em Phan Liêm (Cậu Ba), Phan Tôn (Cậu Năm) hai con của Phan Thanh Giản (Nổi lên với khẩu hiệu: Cần Vương cứu quốc, 5 tháng sau khi cụ Phan tuẫn tiết). Rồi Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá v.v…
Có thể nói rằng, chi tiết quan trọng trong việc dấn thân trực tiếp của Ngài vào phong trào chống Pháp ở Hội Kín, động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất đối với một người vì đạo và yêu nước như Ngài là từ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông và đặc biệt là Phan Văn Trị (Cử Trị) với bài thơ Chùa Hư, mượn thực cảnh để chuyên chở tấm lòng yêu quí quê hương dân tộc; đồng thời kêu gọi sĩ phu cùng góp sức, đã nung nấu trong Ngài thành hành động.
Dù Nguyễn văn Bường cầm đầu nghĩa binh đánh vào Sài Gòn đã bị bắt trước khi khởi nghĩa, nhưng trước đó đã nổi lên và chiếm được Hốc Môn đêm 30.1.1882, cùng với Nguyễn Đăng Hòa, Phan Văn Hớn, đốt cháy phủ đường Hốc Môn. Ngài cùng nghĩa quân đột nhập vào tận phủ đường giết chết Đốc Phủ Ca (Trần Tử Ca). Do Đốc Phủ Ca rất tàn ác , lập công với Pháp, bắt trẻ thơ, con cháu của những người “đằng cựu” đánh Tây, bỏ vào cối giả gạo , lấy chày quết nát xương, gây nên biết bao oán hờn đau xót trong nhân dân. Lý do đó, sau khi Đốc Phủ Ca bị giết, người dân còn chưa nguôi căm hờn , đã cắt đầu đem treo lên cột đèn chợ Hốc Môn(2). Việc trừ (bằng biện pháp trên) được một người hung ác có tội lớn với nước với dân như thế, sau này được nhắc nhở như một gương nhập thế tích cực nơi Ngài trong sự hy sinh cho phép “sát nhứt miêu, cứu vạn thử”.
Sau đó, để trả thù sự kiện trên, thực dân Pháp đã không ngừng bố ráp, tìm thủ tiêu những người có liên quan đến nghĩa binh đêm khởi nghĩa. Cai quản Hớn đã bị giết tại Hốc Môn. Hội Kín coi như tan rã, một số sĩ phu yêu nước sống sót tứ tán tìm nơi ẩn náu. Ngài cũng thế, phải lánh xa chùa, xa những người thân khá lâu. Trong thời gian lánh nạn đó, Ngài thực sự chuyên tâm trở về với công việc một Tăng sĩ : tịnh tu, lo chuyển nghiệp.
Năm 1915 (Ất Mão), do tuổi cao sức yếu và nhận thấy trước cơn gió vô thường sắp thoảng qua, Ngài đã di chúc, trao quyền thừa kế lại cho Ngài Thiên Quang -Như Hào.
Năm 1916 (Bính Thìn) ngày 26 tháng giêng, Ngài thị tịch, thọ 71 tuổi đời, 54 tuổi đạo.
Do công đức truyền thừa đời thứ 38, chi phái Lâm Tế (dòng Bổn Ngươn), hiện nay bài vị của Ngài còn được đặt thờ tại các chùa Long Thạnh, chùa Từ Ân (Q.6 – Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Thạnh Hòa (Cần Giuộc – Long An), chùa Kim Sơn (Phú Nhuận); chùa Đức Lâm (quận Tân Bình)…
Để đắc quả, có tám vạn bốn ngàn phương cách (con đường) tu trì khác nhau. Mọi hành giả đều tùy nhân duyên mà tạo tác (theo tinh thần Hành Xả của Đại thừa), Ngài Minh Hòa đã có mặt thật rực rỡ trong cuộc thế và đã tích cực giúp chấm dứt một ác nghiệp bằng sự nhận chịu nhơn quả đối đãi ở mai sau về mình. Ngài đã thể hiện một đức hạnh đặc thù vậy.
Chú thích :
1) Tập Văn yêu nước Nam Bộ – Bảo Định Giang.
2) Có tư liệu cho rằng: Đó là ngày 25 tháng chạp năm Giáp Thân (1884) (PTS Trần Hồng Liên).