Trên bước đường tu học, người Phật tử không thể tránh được có lúc nghi vấn về Phật pháp, cần được các bậc thầy, tổ chỉ dạy để không xa rời yếu chỉ của Thiền môn. Giải đáp những pháp vấn đó là lý do ra đời của Phật pháp bách vấn. Với duyên khởi là hai chuyên mục Phật học thường thức và Tư vấn bạn đọc trên Báo Giác Ngộ nhằm đáp ứng cung cấp những thông tin thường thức về Phật học và giải đáp những thắc mắc của người học, nghiên cứu và tu tập Phật pháp, nhóm tác giả Huyền Ngu – Quảng Tánh đã trích tuyển, bổ sung và biên soạn lại thành một tập sách với tên Phật pháp bách vấn.
Như tên gọi của tác phẩm, Phật pháp bách vấn (tập I) là 100 câu hỏi về Phật pháp hoặc có liên hệ đến Phật pháp của độc giả và kèm theo lời giải thích, trả lời, tư vấn, hướng dẫn của nhóm biên tập là các vị sư uyên thâm về Phật pháp, được đào tạo chuyên sâu về Phật học căn bản cùng với thâm niêm hoằng pháp và công tác trong lĩnh vực báo chí Phật giáo.
Đọc Phật pháp bách vấn quý vị độc giả sẽ được cung cấp những kiến thức vừa mang tính tổng quan về mặt hệ luận của Phật giáo, vừa mang tính cụ thể của Phật pháp và những vấn đề chuyên sâu của Phật học. Cụ thể như: Phật giáo quan niệm thế nào về nguồn gốc loài người; Sự khác biệt giữa nghiệp và số mệnh; Phật giáo chủ trương độ tử hay độ sinh; Hành trang cho người xuất gia; Ý nghĩa của lễ cầu an, cầu siêu; Xuất xứ, tên gọi và ý nghĩa của 18 vị La Hán; Có nên đeo dây chuyền với tượng Phật, Bồ tát không; Tìm hiểu về Xá lợi; Nguồn gốc của 12 bà mụ; Quan điểm của Phật giáo đối với tục “chiêu hồn, luyện cốt”; Quan điểm của Phật giáo đối với vấn đề sinh sản vô tính; Những nghi án về Lý Công Uẩn v.v và v.v.
Có thể cuốn sách còn dàn trải và nội dung đề cập quá rộng, đôi chỗ mới mang tính gợi mở mà chưa giải quyết rốt ráo vấn đề. Đương nhiên đó là điều không tránh khỏi, vì khuôn khổ của trang in có hạn, hơn nữa, nhóm biên tập muốn giữ nguyên tinh thần và thể tài vấn – đáp. Dù vậy, xét ở phương diện nghiêm túc, khoa học và Phật học thì sự giải đáp của nhóm biên soạn là hoàn toàn căn cứ vào các tài liệu được kiểm chứng, được hiệu duyệt bởi các vị cao tăng, thạc đức trong vườn thiền, như: Đại chính tân tu Đại tạng kinh, Đại tạng kinh Việt Nam, Luận Đại Chí Độ, Luận Duy Thức… và các tài liệu khoa học thực nghiệm khác.
Với những đặc trưng như vậy Phật pháp bách vấn không phân chia theo chương mục trình tự như một tác phẩm khảo luận Phật học thông thường mà trực tiếp đi vào giải đáp những thắc mắc của người hỏi, diễn giải những nội dung xoay quanh những nghi vấn của câu hỏi. Trong một chừng mực nào đó, cách cấu trúc tác phẩm như nói trên còn mang ý nghĩa phong phú về chủ đề, thể loại. Điều đó tạo nên tính tự nhiên của tác phẩm, giúp người đọc tiếp cận nội dung vấn đáp như chính mình là người tham gia cuộc vấn đáp vậy.
Với lối văn giản dị, dễ hiểu, thường thức hóa các kiến thức chuyên ngành, người đọc sẽ dễ dàng tiếp nhận và lĩnh hội những thông tin từ Phật pháp bách vấn. Cuốn sách không chỉ là tài liệu tra cứu, tham khảo có ích cho những người sơ cơ học Phật, hướng dẫn các tín đồ Phật tử tu tập đúng chính pháp mà còn là tài liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu về Phật giáo, về văn hóa truyền thống nói chung. Mà nói như tác giả, những nội dung được đề cập trong Phật pháp bách vấn có thể là những cơ sở tiền đề góp phần cho sự ra đời của các chuyên luận, chuyên khảo, những đề tài có giá trị trong địa hạt học thuật, nghiên cứu.
Phật pháp bách vấn (tập I) do nhóm tác giả Huyền Ngu – Quảng Tánh biên soạn, Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Yên Sơn