Đức Tin Trong Phật Giáo Có Ý Nghĩa Như Thế Nào

Đức tin trong Phật giáo có ý nghĩa như thế nào?

V. Th, đường Trần Bình Trọng, T/P Vũng Tàu

Một cách khái quát, đức tin, tín là năng lực tin tưởng vào một điều gì, một sự vật, hiện tượng hay một nhân cách, thường là một đấng thiêng liêng… Đức tin thường gắn với niềm tin, tức đối tượng, nội dung của đức tin: tin vào điều gì, ai, tin như thế nào?

Trong A-tỳ-đạt-ma Tập Luận (Abhidharma Sammuccaya Sastra), Ngài Vô Trước (Asanga) bảo rằng Tín (Saddha – Sraddha) là sự tin tưởng trọn vẹn, vững vàng đối với một sự vật, là niềm vui thanh thoát đối với thiện tính, là niềm mong ước được thành tựu điều mà mình nhắm đến. Trong Nhiếp Đại Thừa Luận, Ngài nêu lên ba niềm tin: Tin tự tính có Phật tính, tin mình có khả năng chứng đắc và tin tự tính có công đức vô cùng. Trong Thành Duy Thức Luận (Vijnanamatra Sastra), Ngài Thế Thân (Vasubandhu) có nêu ba loại tín: Vững tin vào chân lý các pháp, tin vào Tam bảo và tin vào khả năng chứng đắc, thành tựu thiện pháp của mình.

Tông Câu-xá xếp tín là một trong 10 đại thiện pháp, tông Duy Thức xếp tín là một trong các tâm sở thiện. Tín căn là một trong năm thiện căn thuộc 37 phẩm trợ đạo trong Phật học. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tín là gốc của Đạo, là mẹ của các công đức”. Như vậy, tín hay đức tin trong Phật giáo, cũng như trong nhiều tôn giáo khác, là rất quan trọng. Trong khi đó, nghi, tức sự nghi ngờ, do dự, khiến ta rối rắm, dao động, bị xem là một trong năm thứ che lấp (ngũ triền cái) trí tuệ, là một trong sáu phiền não (theo Câu-xá, Duy Thức).

Phật giáo chủ trương tất cả đều do chính cái tâm của mình; chân lý tuyệt đối, Tam bảo, Niết-bàn cũng tại tâm mình; cho nên tín ở đây là tự tín, tin ở khả năng nhận biết, chứng đạt chân lý của chính mình. Trong kinh Những người ở Kesaputta, Đức Phật đã dặn dò rất kỹ lưỡng rằng chớ tin theo truyền thuyết, truyền thống, lời nói của người khác, lời của kinh tạng, lý luận siêu hình; chớ tin vì đúng theo lập trường của mình, phù hợp với định kiến, vì điều ấy xuất phát từ nơi có uy quyền, từ bậc Sa-môn hay vị thầy của mình; chỉ tin theo khi tự mình nhận ra đó là thiện pháp, được người trí tán thán và khi được thực hiện sẽ mang lại hạnh phúc, an lạc. Từ căn bản, Phật giáotôn giáo của trí tuệ, các tín đồ đến với Phật giáo để thấy rõ, biết rõ để chứng ngộ chân lý. Thành ngữ ehi-passika của Phật học có nghĩa là mời đến và thấy chứ không phải đến và tin. Kinh Tương Ưng Bộ III có ghi lời Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, ta bảo rằng diệt trừ kiết sửcấu uế là dành cho người biết và thấy chứ không dành cho người không biết và không thấy”. Ta đọc thấy ở Đại phẩm VII của Tương Ưng Bộ rằng Tôn giả Narada tự xác nhận Ngài chưa chứng đắc A-la-hán nhưng Ngài vẫn biết rõ Niết-bàn: “Không phải do sự tín thành, đức tin, ưa thích hay truyền thuyết; không phải do suy xét các lý lẽ bên ngoài hay ưa thích tư duy, biện luận, tôi biết và thấy rằng hữu chấm dứt là Niết-bàn”.

Đức tin trong đạo Phật là sự nhận biết của trí tuệ. Phật giáo Đại thừa đẩy mạnh tầm quan trọng của đức tin như lời dẫn Kinh Hoa Nghiêm nêu trên, nhưng vẫn lấy trí tuệ, sự tự tin làm gốc. Thông thường, tin có nghĩa là cho rằng đúng, rằng thực điều mà mình chưa thấy hiểu cụ thể, chưa chứng minh được. Khi đã thấy hiểu cụ thể, đã chứng minh được thì điều ấy là hiển nhiên, không còn được gọi là niềm tin nữa; nếu một niềm tin bị chứng minh là ngược lại, là sai thì tất nhiên nó cũng không còn lý do tồn tại. Thế thì những điều nói trong một số kinh sách không phải của Phật giáo như trái đất là phẳng, bầu trời có hình dáng như cái vung, vũ trụ được Thượng đế tạo ra trong sáu ngày, thủy tổ loài người được sinh ra chỉ cách đây hơn 6.000 năm… có đáng là những niềm tin trước những khám phá chính xác của khoa học kỹ thuật, của khoa vũ trụ học, vật lý học, sinh vật học… hiện đại?

http://tapchivanhoaphatgiao.com