Hòa thượng Hoằng Nghĩa, húy Như Phòng, thế danh Trần Văn Phòng, sinh ngày 29 tháng 9 năm Đinh Mão (1867) tại làng Bình Thới, tỉnh Gia Định. Thuộc dòng Lâm Tế Bổn Ngươn, đời thứ 39.
Năm ấy là niên hiệu Tự Đức thứ 19, bảy năm sau khi thành Gia Định thất thủ, và ba năm sau khi Trương Định cự tuyệt mệnh lệnh triều đình không chịu rời Gò Công, nơi được nhân dân phong tặng Bình Tây Đại Nguyên Soái(1). Tướng Nguyễn Tri Phương với hai trăm khẩu thần công đã không giữ được thành Gia Định, đồn Chí Hòa – Phú Thọ… Và năm 1867 chính là năm Pháp vừa chiếm ba tỉnh miền Tây, chưa kể đến các sự kiện nghĩa quân nổi dậy khắp Nam kỳ lục tỉnh v.v… Vì vậy, nơi Ngài sinh ra chính là một trong những nơi mà song thân của mình đã dừng chân tha phương(2) trên đường tìm đất sống. Giữa thời buổi loạn lạc ấy, phần lớn các gia đình đều ly tán, sinh con rồi gửi lại người thân nuôi nấng để ra đi vì sinh kế hoặc theo các phong trào nghĩa binh nổi dậy chống thực dân. Ngài là một trong số hoàn cảnh đó. Vì thế nguồn gốc về song thân của Ngài, đến nay vẫn chưa có sử liệu nào ghi lại được(3).
Do những hoàn cảnh kể trên, tuổi thơ của Ngài đã sớm chịu sự xa cha vắng mẹ. Nhưng Ngài vẫn được những người bảo hộ cho học hành tử tế và có phần ưu đãi, bởi tự thân Ngài đã sớm biểu lộ đức tính cần cù nhẫn nại và uyên bác trong tri thức. Bên cạnh đó là lòng thương yêu người và cả những vật thể chung quanh. Ngoài những lúc làm việc phụ giúp người thân và học hành, Ngài hay theo các bạn đồng lứa đến chùa lễ Phật, nghe Pháp.
Năm Quý Dậu (1873), khi vừa bảy tuổi, Ngài đã đến chùa Giác Viên (Chợ Lớn) xin được thọ pháp xuất gia với Tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm.
Thời gian tu học nơi dây, Ngài được các bạn lữ hết lòng giúp đỡ và khen ngợi. Tổ Hoằng Ân cũng rất hài lòng về đệ tử mới của mình . Từ trợ duyên tích cực đó Ngài đã tự sách tấn mình trong việc học hành, tu tập bằng tất cả tư chất thông minh vốn có nên đạt được kết quả tốt đẹp.
Năm Quý Mão (1903), Hòa thượng Chơn Không- Như Nhu (huynh đệ với Tổ Như Phòng) viên tịch. Tổ Hoằng Ân liền giao cho Ngài trách nhiệm trụ trì chùa Giác Viên.
Sau khi nhận trách nhiệm, Ngài đã đặt cách các chức sự trong chùa hợp lý hơn, đồng thời hiệp lực cùng các huynh đệ lo trùng tu chùa, lúc này đã xuống cấp, có nhiều khả năng hư hoại nặng. Những việc làm kịp thời, đúng lúc của Ngài, đã được sự tán trợ nhiệt thành của mọi người và Phật tử gần xa.
Cũng từ khi nhận trách nhiệm trụ trì, Ngài càng tinh tấn hơn trong nếp sống đạo hạnh, bền chí tu học và giữ gìn giới luật nghiêm tịnh, hầu làm gương soi cho Tăng chúng. Lúc này, dưới sự quan tâm trực tiếp của Ngài, sinh hoạt thường nhật, oai nghi tế hạnh trong chùa đã đi vào nề nếp.
Ngoài việc chăm lo cho chùa Giác Viên, Ngài còn quan tâm, đóng góp nhiều công sức trong việc trùng tu lần thứ hai ngôi chùa Giác Lâm vào những năm 1900 – 1909. Do đó, trong lịch sử xây dựng và bảo tồn hai Tổ đình quan trọng này, Ngài là một trong những vị đầy năng động, nhiệt thành có công rất lớn.
Năm Nhâm Tuất (1922), giới đàn quan trọng được mở ra tại chùa Giác Lâm nhằm truyền trao giới pháp cho Tăng sĩ khắp nơi. Ngài được suy tôn làm Hòa thượng Đàn đầu.
Những năm kế tiếp, Ngài được cung thỉnh vào các hàng Tôn Chứng, A Xà Lê, Giáo Thọ v.v… ở những giới đàn khác, do oai đức vang dội khắp nơi, Ngài cũng ý thức được sự nghiệp gầy dựng những tầng lớp kế thừa, là nhiệm vụ hàng đầu ở buổi bình minh của phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài không quên dặn lòng cũng như khuyến hóa chúng Tăng phải giữ vững đạo tâm, tuy sẵn sàng cứu dân giúp nước, nhưng chớ để thời cuộc lôi kéo mà quên bổn phận của một hành giả : Cứu cánh giải thoát.
Điều để nhận ra trước nhất là đức độ và lòng thiết tha với đạo với đời nơi Ngài luôn chan hòa và vững chắc, và Ngài là một trong rất ít Tăng sĩ xuất gia rất sớm. Do đó hành trạng của Ngài như bông hoa bừng nở, tỏa hương. Đồng thời cũng nhờ công đức hoằng hóa của Ngài mà nếp sống theo tinh thần Phật giáo có mặt mọi nơi trong xã hội. Tạp chí Kim Thi Tập, đã có lời ca ngợi về đức độ và việc làm của Ngài: “Ông Hoằng Nghĩa thường đêm tụng Pháp Hoa kinh, thập phương thiện tín người người đều yêu mến, cho nên lúc trùng tu chùa Giác Lâm, thiên hạ hỷ cúng tới bạc muôn, cũng là nhờ có Phật ân phổ chiếu, đáng tặng đáng khen…”
Trong số các Tăng sĩ đệ tử tài ba lỗi lạc của Ngài, được biết đến nhiều sau này như Ngài Hồng Hưng – Thạnh Đạo (trụ trì chùa Giác Lâm từ năm 1910 – 1949), Ngài Hồng Long – Thiện Phước và Hồng Từ – Tuệ Nhơn (cũng ở chùa Giác Viên).
Một Tăng sĩ tài ba, suốt cả một cuộc đời đóng góp nhiều cho đạo pháp như Ngài, luôn là kim chỉ nam cho không ít các bậc thức giả sau này. Khi cao trào chấn hưng Phật giáo khởi sắc, thì những vị được đào tạo chính qui và trang bị học thuật sẵn từ bấy giờ chính là những nhân tố rất cần thiết cho đại cuộc. Ngài đã làm được việc đó, xứng đáng là hậu duệ thứ 39 chi phái Lâm Tế Bổn Nguơn. Và hai ngôi chùa Giác Lâm, Giác Viên nổi tiếng được biết đến nhờ những vị cao Tăng như thế.
Khi cảm thấy những phước báu đưa đến, cũng là lúc công việc hoằng hóa đã đến hồi viên mãn. Không khi nào Ngài tỏ ra tự mãn hoặc tự hào về chính mình. Ngược lại, Ngài tỏ ra khiêm tốn, hòa ái với chung quanh. Đó được xem là pháp âm mà Ngài muốn truyền cho hậu thế. Cũng vậy qua những mẫu chuyện truyền khẩu trong chốn già lam, việc Ngài đi bộ từ chùa Giác Lâm đến Giác Viên và ngược lại, không hề màng đến các phương tiện di chuyển là ý khuyến hóa chúng Tăng trong chùa nên giữ hạnh kham nhẫn khiêm cung, cẩn trọng đối với tứ sự cúng dường của đàn việt và tình pháp hữu phải được hòa hợp. Đó là một trong những lộ trình đến Niết bàn giải thoát, đầy lòng vị tha.
Năm Kỷ Tỵ (1929) nhằm ngày 23 tháng 11. Ngài đã an nhiên thị tịch tại chùa Giác Viên, thọ 63 tuổi.
Tang lễ của Ngài được ghi lại rất chi tiết trong vài quyển sách xuất bản hai năm sau đó (1931) và cho biết có hơn một ngàn người đến thọ tang, tiễn đưa nhục thân Ngài vào bảo tháp.
Chú thích :
1) Tập Văn Yêu Nước Nam Bộ (NXB Giải Phóng 1976).
2) Đất Gia Định xưa – Sơn Nam (NXB TP. Hồ Chí Minh 1984).
3) Có sách ghi Ngài sinh tại Bà Điểm, là con của một thầy thuốc gia truyền, và sinh vào năm 1857 (PTS Trần Hồng Liên).