Hòa Thượng Thích Thanh Tích (1881-1964)

Hòa thượng họ Nguyễn, hiệu Phả Minh, pháp danh Thích Thanh Tích, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại thôn Quỳnh Trân, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà (Hà Nam cũ). Ngài sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo, có tất cả 4 anh em và có 2 người xuất gia đầu Phật.

Năm 1893, khi lên 13 tuổi, mến cảnh giải thoát nơi chốn Hương Sơn, được song đường cho phép, Ngài phát tâm xuất gia, y vào Tổ Thanh Quyết trụ trì chùa Hương Tích Hà Đông, là một bậc long tượng trong thiền môn, sớm hôm tu hạnh giải thoát, học đạo xuất trần.

Năm 1898, Ngài được thọ giới Sa Di lúc 18 tuổi và tinh tấn hành đạo, đến năm 21 tuổi, Ngài thụ giới Cụ Túc. Nhờ tham học nhiều kinh sách Nho học, Lão học và Phật học, hơn nữa Ngài là người nổi tiếng nghiêm trì giới luật, ưa hạnh lan nhã nơi chốn núi rừng yên tĩnh của khu danh sơn Hương Tích, nên trong hàng Tăng chúng ai cũng quí kính mến phục là bậc pháp khí của Sơn môn.

Năm 1925, Ngài 45 tuổi, được Tổ Thanh Quyết, Tổ thứ 8 Hương Tích cử làm Giám Viện chùa Hương, hướng dẫn Tăng chúng trong chốn tùng lâm.

Năm 1931, Ngài 51 tuổi, được Tổ truyền trao ngôi trụ trì chùa Hương, tiếp nối đời thứ 9 sơn môn Hương Tích, khi Tổ cảm thấy tuổi già sức yếu, duyên hóa đạo đã mãn.

Năm 1934, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Hội Bắc Kỳ Phật Giáo được thành lập, Ngài được cung thỉnh vào Ban Chứng minh Đạo sư của hội.

Năm 1938, khi chùa Quán Sứ được trùng hưng, Ngài được Tăng già thỉnh đảm nhận Thủ quỹ phụ trách hưng công chùa Quán Sứ cùng với các bậc Tôn túc trong Hội Bắc Kỳ Phật Giáo.

Ngoài việc phát huy danh thắng Hương Sơn, và tham gia công cuộc chấn hưng Phật giáo của Tăng Già, Ngài còn có công trùng tu trên mười ngôi chùa lớn nhỏ ở khắp các nơi như: chùa Hưng Long (Quỳnh Trân, Nam Hà); chùa Hương Trảm (Hội Xá, Mỹ Đức); chùa Liên Hương (Đông Bình, Mỹ Đức); chùa Đồng Chiêm (Mỹ Đức); chùa Huyền Công (Khả Phong, Hà Tây); chùa Nguyên Đoài (Hà Nam); chùa Châu Lâm (Duy Tiên, Hà Nam) v.v…

Song song với việc trùng tu tạo dựng các Tổ đình Tự viện Ngài còn cho trùng san, in khắc những bộ kinh luật luận nổi tiếng như: Duy Ma Cật kinh; Giải Thâm Mật kinh; Yết Ma Chỉ Nam; Di Đà Viên Trung; Pháp Hoa đề cương v.v…

Với chí nguyện độ sinh, giáo hóa Tăng chúng làm rạng danh nơi Phật Tích. Ngài đã giáo dưỡng được hơn một trăm đệ tử xuất gia đều tinh thông cả thế học cũng như Phật Học nổi tiếng như các vị: Tố Liên, Thanh Chân v.v…

Năm 1947, cuộc chiến chống Pháp bùng nổ, Hòa thượng ưu mẫn trước cảnh nước mất nhà tan, cảm nhận sâu sắc lẽ vô thường nên Ngài truyền trao trách nhiệm trụ trì lại cho đệ tửHòa thượng Thanh Chân, kế thừa đời thứ 10 chốn Tổ Hương Tích trông nom sự nghiệp tùng lâm.

Trong những năm tháng còn lại, Ngài lui về chùa Hưng Long, thôn Quỳnh Trân, mai danh ẩn tích chuyên lòng tu niệm cầu nguyện vãng sinh cho đến khi Ngài thị tịch vào ngày 21 tháng 12 năm Giáp Thìn (1964), hưởng thọ 84 tuổi đời, hành đạo 62 năm.

Bảo tháp của Hòa Thượng hiện còn lưu tại chùa Hưng Long, thôn Quỳnh Trân, Lam Hạ, Duy Tiên, Nam Hà. Suốt quá trình hành đạo, Ngài nổi tiếng là một bậc mô phạm chân tu, đức độ của Ngài cảm hóa Tăng tín đồ nơi nơi quy ngưỡng. Âm vang sự nghiệp đó, còn được lưu truyền nơi danh sơn Hương Tích:

“Điển hình do tại ư Tổ tràng.

Công nghiệp lưu truyền ư Phật Tích”.