Hòa thượng Thích Thiện Ngôn, tục danh là Hồ Văn Ngữ, sinh năm Giáp Ngọ (1894) tại tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình khá giả. Vốn sẵn có bản tính hiền hòa, tâm niệm của Ngài luôn hướng về Phật pháp. Lại gặp cảnh mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, thấm thía luật sinh tử, thành hoại của kiếp nhân sinh, Ngài bèn lần vào phương Nam tìm thầy học đạo.
Bước đầu chơ vơ nơi đất khách, Ngài được một đại điền chủ là ông Hội đồng xã Bình Thạnh Tây, quận Lấp Vò, tỉnh Vĩnh Long (nay là tỉnh Đồng Tháp) cảm mến giúp đỡ, nuôi ở trong nhà. Bấy giờ ông Hương Cả ở Đốc Vàng có ý định gá nghĩa tào khang người con gái cho Ngài nhưng Ngài không bằng lòng. Biết rằng ở lại đây lâu ngày sẽ bị rơi vào sự ràng buộc thê nhi, Ngài bèn quyết trốn đi tìm nơi thanh tịnh để lo trau dồi đạo đức.
Đã quen với nếp sinh hoạt của miền Nam, lại tìm hiểu thêm được cảnh trí địa phương, bước đầu Ngài hướng tới núi Thất Sơn, nơi nổi danh huyền bí của miền Tây Nam bộ . Do nhơn duyên từ những thuở nào, nên khi tới linh địa này, Ngài liền gặp Sư ông núi Cấm đang dạy pháp cho khoảng 20 Tăng Ni và đang dịch kinh Pháp Hoa. Ngài đem lòng cảm mộ, phát nguyện quy y Tam bảo và xin được ở lại làm công quả để nương thân học đạo, gieo trồng cội phúc.
Năm 1930, tới khi hội đủ điều kiện xuất gia, Ngài đến xin thế độ với Hòa thượng Thích Chí Thiền, tọa chủ chùa Phi Lai ở làng Tú Tề, tổng Thành Ý, quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc An Giang). Được ít lâu sau, năm 1933, Hòa thượng Phi Lai về Tây cảnh, Ngài cùng với một bạn đồng tu là vị trụ trì chùa Thanh Quang giúp nhau tu học.
Năm 1940, tại núi Cô Tô quận Tri Tôn – Châu Đốc, Ngài đã cầu pháp với Hòa thượng trụ trì chùa Thanh Sơn. Trong thời gian thọ pháp tại đây, Ngài phát nguyện nhập thất ba tháng để chiêm nghiệm chân lý giải thoát. Khi mới vào nhập thất tại tầng cấp thứ nhì của núi này, Ngài đã gặp không ít nghịch duyên chi phối việc tu hành. Nhưng với gươm trí tuệ và chí đại hùng, Ngài không sờn lòng nản chí, cương quyết vượt tất cả mọi ma lực. Nhờ vậy, Ngài đã mộng thấy Phật hiện thân chỉ pháp quán. Từ đó Ngài phát nguyện chỉ dùng ngọ trai suốt đời.
Ba tháng nhập thất không tròn đủ, vì có chúng sinh cầu độ. Khi Ngài vừa tỏ ngộ đạo thiền, thì có ông Phủ Hiệp từ Nam Vang tìm đến. Ông thưa đã 60 tuổi rồi mà chưa gặp được minh sư thế độ, nên mới tạo cảnh chùa Đức Quang, thành tâm và tha thiết cung thỉnh Ngài nhận lời tới trụ trì để dìu dắt ông cũng như chúng sinh quanh vùng trên bước đường tu học. Vì lòng từ bi vô lượng, lại thấy thí chủ quá tha thiết cung thỉnh, Ngài quyết định ra thất để thực hiện sứ mạng “trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cao trào giành độc lập phát khởi. Tiếp đến quân Pháp trở lại, cuộc Nam bộ kháng chiến bắt đầu, chiến tranh lan tràn khắp nơi. Trên núi không còn yên ổn nữa. Tuy nhiên Ngài vẫn nán lại thêm vài năm. Đến lúc tình hình quá căng thẳng, Ngài buộc lòng phải xuống núi với sự bảo hộ của ông Hai Hé chủ hãng xe Đại Phước.
Khi đi đến làng Mặc Cần Dưng, đúng lúc bà mẹ ông Xã Phùng vừa tạ thế. Gặp Ngài ông rất mừng, liền cung thỉnh Ngài ở lại chứng đám tang và lưu trú tại tịnh thất để tu trì. Tống táng xong, đêm đó Ngài trằn trọc mãi, không sao ngủ được, linh tính báo cho Ngài biết có Phật sự đang chờ ở một phương nào đó. Vì thế sáng hôm sau Ngài cảm ơn thí chủ và từ giã ra đi vì có Thiền sư Thiện Đạo cung thỉnh Ngài về chùa Phước Thạnh của Thiền sư tại xã Mỹ Thới quận Châu Thành – Long Xuyên để cúng dường. Tới bất cứ nơi đâu Ngài cũng trì tụng kinh Pháp Hoa. Nhưng ở đây không có bản kinh bằng tiếng Việt, Ngài bèn cùng Thiền sư Thiện Đạo đáp thuyền tới chùa Thanh Quang ở Vàm Cống, trước là để thỉnh kinh, sau là để thăm lại Tăng hữu cũ xa cách đã quá lâu.
Thuyền vừa cặp bến đúng lúc người Tăng hữu cũ vừa viên tịch, nhục thân còn nằm đó. Gặp Ngài mọi người hết sức mừng rỡ, vì theo lời trước khi viên tịch, thầy trụ trì căn dặn đệ tử đôi ba lần rằng : “giao ngôi Tam bảo này cho vị Đại đức nào từ núi xuống lúc nhục thân Ngài chưa liệm”. Quả do duyên lành đã kết từ lâu nên mới có sự trùng phùng kỳ lạ này. Sau khi an táng vị cố trụ trì xong, hiếu đồ và bổn đạo bèn đảnh lễ và thỉnh Ngài ở lại trụ trì theo như lời di chúc. Thế là Ngài đã ở lại hoằng dương đạo pháp và trùng tu ngôi cổ tự.
Thời gian sau Ngài lại gặp nghịch duyên bởi một số người phe phái ghen ghét, làm chướng căn lành, Ngài bèn ra ở nơi túp lều tranh ngoài đồng vắng tiếp tục tu trì. Thấy như vậy, Cư sĩ Hai Chơi chủ chùa Long Phú bèn cung thỉnh Ngài về trụ trì chùa ấy tại chợ Lấp Vò. Chẳng bao lâu, quân Pháp kéo đến chiếm đóng chùa, chỉ dành lại cho Ngài căn phòng nhỏ. Bấy giờ có tên cai xếp thấy Ngài hàng ngày chỉ độ cơm trưa với tương chao dưa muối đạm bạc, bèn hỏi Ngài tu hạnh gì ? – Ngài trả lời :
“Tôi chỉ tu hạnh ăn Ngọ để cầu nguyện cho đất nước sớm thanh bình. Khi nào nhân dân Việt Nam được an cư lạc nghiệp, đất nước được thanh bình thì tôi mới ăn hai bữa”.
Câu trả lời của Ngài đã đánh thức Phật tâm trong người tên cai xếp. Y liền ra lệnh cho bọn lính dưới quyền chùi rửa chùa sạch sẽ, rồi trả lại cho Ngài, vợ chồng y đều xin làm lễ quy y với Ngài. nhờ sự kính nể của y đối với Ngài, nên Ngài đã dùng đức độ đạo hạnh của mình để thuyết phục những kẻ thuộc quyền y. Nếu dân lành có ai bị tình nghi bắt oan, Ngài đều đích thân bảo lãnh và họ được chúng tha ngay. Lòng từ bi và chí nhẫn nại của Ngài đã làm cho những Phật tử trước kia xung khắc với Ngài nay quay về sùng kính nên Ngài lại được cung thỉnh trở lại chùa Thanh Quang.
Kể từ đó, Ngài bắt đầu tiếp Tăng độ chúng rải khắp miền Hậu Giang, Tăng Ni được làm lễ xuất gia hay cầu pháp với Ngài ngày một nhiều. Vì tiền đồ Phật giáo và để có những vị Tăng tài kế vãng khai lai, Ngài đã đem gửi một số Tăng Ni lên Sài Gòn vào học tại một số chùa như : Giác Nguyên, Bình An, Pháp Hội, Ấn Quang, Phật Ấn, Vạn Đức, Huệ Nghiêm, Dược Sư v.v… Với các Tăng ni lớn tuổi, hàng năm Ngài gửi đi nhập hạ an cư 3 tháng tại các chùa trên đây hoặc tại các Tổ đình khắp miền Nam.
Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài sốt sắng tham gia. Khi Hội Phật học Nam Việt được thành lập, Ngài là Tăng già Chứng minh Đạo sư của Tỉnh hội Long Xuyên. Sau đó Ngài lại giữ chức Trị sự trưởng của Giáo hội Tăng già Long Xuyên. Năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được mời làm Cố vấn Chứng minh Ban đại diện Phật giáo tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).
Được tin Hòa thượng Phước Trung trụ trì chùa Phước Hậu viên tịch, Ngài liền đến đảnh lễ linh quan. Không ngờ Ngài lại được ban chức sự của chùa và bổn đạo cung thỉnh trụ trì chùa này. Nhờ có nguyện lực cao, Ngài bền lòng cố gắng tô bồi sửa chữa từ một ngôi cổ tự u trệ trở nên môt ngôi phạm vũ khang trang.
Hai năm sau, tháng Chạp, ngày 25 năm Kỷ Dậu tức ngày 1 tháng 2 năm 1970, hạnh nguyện hoàn mãn, Phật sự viên thành, Ngài từ giã cõi sa bà một cách an nhiên, thọ 76 tuổi đời với 40 tuổi đạo.