Hòa thượng thế danh Trần Đại Quảng, pháp danh Tâm Trí, hiệu Chiếu Nhiên, pháp tự Viên Giác, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế, Liễu Quán.
Ngài sinh năm Nhâm Tý (1911), tại làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình Nho phong đức hạnh nhưng có chí hướng cách tân theo Tây học. Thân phụ là cụ ông Trần Đại Dật, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mĩu (pháp danh Tâm Mỹ).
Ngài lớn lên trong truyền thống giáo dục của gia phong, được gần gũi nhiều bậc trí thức của thân phụ trong những lần gặp gỡ đàm luận thân mật. Do đó Ngài đã sớm có được kiến thức rộng, nhận định, lý giải các sự việc nhanh chóng, thuận lý lẫn tình, không hề làm mất lòng ai. Ngài luôn tâm niệm được kết thân với các bậc trí thức là việc thuận lợi bổ ích trên con đường mở mang trí tuệ.
Nhờ vào sự vững chãi đó nên dù thân phụ mất sớm, Ngài là người con trưởng đã phụ giúp mẫu thân rất đắc lực trong việc nuôi dạy, bảo dưỡng đàn em.
Song hành với việc chu toàn trách nhiệm gia đình, Ngài vẫn dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Ngài nhanh chóng tiếp cận được tinh hoa Phật học, khiến tinh thần Ngài càng thêm hưng phấn. Từ đó, Ngài luôn nuôi ước vọng sẽ sống đời tu hành một khi tròn bổn phận với các em và mẫu thân.
Năm Đinh Sửu (1937), vừa 27 tuổi, mẫu thân đã an phần và các em đã lớn khôn, thành đạt cũng như đã an bề gia thất…, Ngài mang ý chí xuất trần từ lâu đến cầu thọ pháp quy y với Tổ Bích Không.
Năm Tân Tỵ (1941), sau bốn năm hành điệu, chấp tác và làm quen với nghi thức thiền gia, Ngài đã chứng tỏ được sự chọn lựa đúng đắn của bản thân trước bước ngoặt cuộc đời, Ngài xin Bổn sư cho thọ Sa Di giới. Liền sau khi thọ giới, Ngài được Bổn sư chấp thuận cho ra tham học tại Phật học đường Báo Quốc.
Năm Mậu Tý (1948), trong giới đàn tại chùa Báo Quốc do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu Hòa thượng, Ngài được thọ Tỳ Kheo Bồ Tát giới.
Sau khi mãn khóa tại Phật học đường Báo Quốc, các vị đồng môn tỏa đi hoằng hóa khắp nơi theo yêu cầu Phật sự của từng địa phương. Riêng Ngài xin ở lại phát nguyện nhập thất ba năm hầu củng cố thêm đạo lực và công hạnh trước khi ra phụng hành Giáo hội.
Năm Giáp Ngọ (1954), Giáo Hội Tăng Già Trung Việt đề cử Ngài đảm đương chức vụ Giám đốc Phật học đường Khánh Hòa. Và cũng trong thời gian này, Ngài được Hòa thượng Phước Huệ giao trách nhiệm trụ trì chùa Hải Đức (Nha Trang).
Năm 1956, Ngài đã cùng chư Tôn đức trong Giáo hội, biến chùa Hải Đức thành Phật Học Viện Trung phần, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo mai sau.
Tiếp theo bước chuyển quan trọng ấy, Ngài lại theo yêu cầu Phật sự đi hoằng hóa nơi vùng cao nguyên Trung phần. Nơi này, Ngài đã thành lập và điều hành trường Bồ Đề Tuệ Quang, Đà Lạt.
Ít lâu sau, Ngài lại tiếp tục ra Vạn Ninh lập trường Phật học cho Tăng sinh tại Tổ đình Linh Sơn.
Giữa hai thời gian vận hành Phật sự hữu ích đó, Ngài gặp Cư sĩ Như Liên, đang tu hành nơi một am tranh nhỏ. Ngài được cư sĩ giới thiệu các địa danh đậm bản sắc Phật giáo như làng Xuân Tự, núi Ông Sư, núi Phổ Đà… và tận mắt chứng kiến cảnh non nước hữu tình xóm thôn yên ả, sơn bao thủy bọc. Ngài quyết định chọn nơi này và khai sơn nên chùa Giác Hải để dừng bước tĩnh tu và tiếp Tăng độ chúng.
Năm Bính Thân (1956), chùa Giác Hải đã thực sự trở nên nơi tu học và an cư kiết hạ thường xuyên của chư Tăng bản xứ. Chùa nhanh chóng trở thành một già lam thắng tích của Giáo hội và từng bước trở nên một tu viện uy nghiêm, đúng như tâm nguyện Ngài hằng ôm ấp.
Năm Quý Mão (1963) sau Pháp nạn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Ngài được tiến cử giữ chức Thư Ký Tổng Vụ Hoằng Pháp trực thuộc Viện Hóa Đạo.
Sau đó Ngài về giảng dạy tại Phật học viện Trung phần và Ni viện Diệu Quang (Nha Trang).
Miệt mài với nhiệm vụ Phật giáo trọng đại, Ngài vẫn không quên tự rèn luyện thân tâm theo khuôn mẫu thiền gia và dù ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào và ở đâu, các đệ tử của Ngài cũng luôn học được những phong cách riêng biệt, hòa nhã khiêm tốn và giàu lòng thương yêu đồ chúng của Ngài.
Thời gian sau đó là sự chuyên tâm dịch kinh, trước tác mà Ngài đã nghiên cứu phương pháp từ lúc còn tùng học tại Phật học viện Báo Quốc và nhiếp hóa đồ chúng nhưng vẫn không từ nan mọi Phật sự được Giáo hội tin cẩn giao phó.
Năm Bính Thìn, Ngài thị tịch vào sáng ngày 14 tháng 7 năm 1976, tại chùa Giác Hải, hưởng thọ 65 tuổi đời, 28 hạ lạp.
Về sự nghiệp văn chương, Ngài đã dịch, trước tác và đã xuất bản:
Về dịch thuật :
– Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (Lương Hoàng Sám) trọn bộ 10 quyển.
– Đại Thừa Kim Cang kinh luận (01 quyển).
– Phẩm Phổ Môn.
– Bảo Tích (mới dịch, chưa hoàn chỉnh).
Về trước tác gồm có :
– Quan hệ tư tưởng.
– Tìm hiểu Quán Thế Âm Bồ Tát (Phẩm Phổ Môn).
– Lịch sử phong cảnh chùa Giác Hải.
Và còn nhiều tác phẩm khác chưa hoàn chỉnh, bị thất lạc trên bước đường hoằng hóa khắp nơi.