Đuốc Tuệ còn được đặt tên cho một tờ tuần báo khác ở miền Nam mấy chục năm sau. Chúng tôi gọi Đuốc Tuệ – Bắc để phân biệt.
Năm 1930, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập. Ngày 1.1.1932, Từ Bi Âm ra số đầu tiên.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học được thành lập. Ngày 1.12.1933, Viên Âm ra số đầu tiên.
Ngày 18.11.1934, Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập. Ngày 1.5.1935, Hội ra Tập Kỷ Yếu số 1 (tới số 4 thì ngưng). Ngày 10.12.1935, Đuốc Tuệ ra số đầu tiên.
Các hội Phật học ở ba miền đều mất hơn một năm mới ra được số báo đầu tiên làm cơ quan ngôn luận của hội. Đó là 3 tờ báo lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo những năm 1930-1945.
Một sự kiện đáng nhắc, trong khoảng giữa thời điểm xuất hiện Tập Kỷ Yếu số 1 và tờ Đuốc Tuệ đầu tiên là sự ra đời của bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm vào ngày 15.06.1935 của Hội Bắc kỳ Phật giáo Cổ sơn môn, được xem như tờ báo đầu tiên của Phật giáo trên đất Bắc. Ban đầu Tiếng Chuông Sớm chủ động kết thân với Hội Phật giáo Bắc kỳ, nhưng do vài khác biệt trong chủ trương, sự hợp tác bất thành, có lúc còn đi đến chỗ công kích nhau. Nhưng chỉ nửa năm sau hai cơ quan này làm lành lại với nhau. Tiếng Chuông Sớm ra đời có phần vội vã cho thấy nhu cầu cấp yếu cần phải có một tờ báo Phật giáo ở miền Bắc thời bấy giờ để hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên, nhất là khi hai miền Nam và Trung đã có báo hoạt động được mấy năm. Tiếng Chuông Sớm có lẽ có tác động ít nhiều đến một số mặt và thúc đẩy thời gian sớm ra mắt của Đuốc Tuệ.
Bộ Tạp chí Đuốc Tuệ do Huệ Quang ấn hành năm 2015
Đuốc Tuệ từ số 1 đến số 52 ra hằng tuần vào ngày thứ 3 (10.12.1935 – 22.12.1936). Từ số 53 (15.1.1937) trở đi tuy cũng gọi là tuần báo nhưng Đuốc Tuệ ra mỗi tháng hai kỳ vào ngày 1 và 15.
Đuốc Tuệ có khổ báo 15.5×23 cm, số trang tương đối ổn định theo năm từ 28-48 trang. Tuy có nhà in Đuốc Tuệ riêng nhưng tài chính eo hẹp, giấy in báo không được tốt, chữ nhìn khá lem luốc, bìa báo chỉ có hai mẫu phổ biến được in trên giấy in ruột. Về khoản đầu tư cho hình thức của báo, Đuốc Tuệ và Viên Âm khá giống nhau và thua xa gã nhà giàu phương Nam Từ Bi Âm. Càng về sau số trang càng giảm, nội dung nghèo nàn và ra số đôi thường xuyên, một dấu hiệu chung biểu hiện sự thoái trào của báo chí Phật giáo giai đoạn này khi tiệm cận biến cố 1945.
Chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Năng Quốc, sư cụ Phan Trung Thứ chùa Bằng Sở và sư cụ Dương Văn Hiền chùa Tế Cát thay nhau làm chánh chủ bút, Nguyễn Trọng Thuật làm thư ký, biên tập có các nhà nghiên cứu nhà văn: Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Thiều Chửu… Với một đội ngũ như vậy, Đuốc Tuệ tuy kém về hình thức, nhưng nội dung hoàn toàn nổi trội. Mỗi kỳ hoặc là hai ba kỳ gần nhau Đuốc Tuệ thường có các mục: xã luận, Phật học, biên khảo (như: Việt Nam cao tăng truyện, Việt Nam thiền tông thế hệ…), văn học, tin tức Phật giáo. Đặc biệt còn có mục Danh từ Phật học, sau là Phật học tự điển tập yếu. Sự tham gia của nhiều tri thức lớn miền Bắc bấy giờ vào Đuốc Tuệ đã làm tăng hàm lượng khoa học hơn trong bài viết của Đuốc Tuệ so với báo chí Phật giáo cùng thời. Tìm lại và khuếch trương những giá trị quá khứ Phật giáo Việt Nam qua những bài biên khảo công phu cũng là dấu ấn đặc biệt của Đuốc Tuệ. Điều này rất ít được chú trọng trong báo chí Phật giáo Việt Nam giai đoạn này. Mãi ba bốn chục năm sau, những năm 60-70, trong ý hướng phải tìm lại một giá trị để làm chỗ dựa cho nền quốc học Việt Nam, cho tinh thần Việt Nam, tạp chí Tư Tưởng mới tiếp tục mạch nghiên cứu những gì Đuốc Tuệ đã khơi nguồn.
Một trang tạp chí do Huệ Quang phục chế lại từ bộ gốc và ấn hành năm 2015
Đuốc Tuệ tồn tại 11 năm (1935-1945) ra được 255 số và 4 tập kỷ yếu. Không tính nhật báo, Đuốc Tuệ đứng thứ hai về số báo được xuất bản, chỉ kém Từ Quang – tờ báo Phật giáo có số lượng in lớn nhất với 265 số – 10 số báo. Nhưng Từ Quang phải mất số năm gấp đôi Đuốc Tuệ mới hoàn thành và trong điều kiện tài chính thuận tiện hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy nỗ lực và tâm huyết rất lớn của Ban quản trị Đuốc Tuệvà đội ngũ tri thức cộng tác. Nếu tìm đọc chi tiết những khó khăn được nêu trên các số báo ta càng thán phục những người làm báo Đuốc Tuệ bấy giờ khi họ có thể duy trì báo đến tận năm 1945.
Từ khi báo Đuốc Tuệ ra đời đến nay đã ngót 80 năm, chất liệu giấy xấu nên dù đã cố gắng sưu tầm trong nhiều năm chúng tôi cũng chỉ mới có được vài mươi số tản mạn, không liên tục và hư rách. Thật may mắn, cuối năm 2014 chúng tôi được người phụ tá tờ Văn Hóa Phật Giáo là cư sỹ Nguyễn Văn Nhật giới thiệu vị cộng tác viên thường xuyên của báo là cư sỹ Nguyên Cẩn có bộ Đuốc Tuệ. Chúng tôi mạo muội đánh tiếng hỏi mượn liền được Cư sỹ vui vẻ đồng ý cho mượn toàn bộ số Đuốc Tuệ do người thân đóng tập để lại, từ số 1-203&204, chỉ khuyết độ hai chục số. Đây là nơi lưu giữ đầy đủ Đuốc Tuệ nhất hơn cả những thư viện công mà chúng tôi biết được. Chúng tôi còn phân vân sưu tầm thêm cho số báo liền mạch trước khi số hóa ấn hành thì may mắn lại đến một lần nữa khi hòa thượng Minh Thanh chùa Bửu Sơn tặng cho Thư viện Huệ Quang hơn 100 số Đuốc Tuệ rời còn khá đẹp trúng vào những số thiếu của cư sỹ Nguyên Cẩn, bổ sung được những trang mất, trang thiếu.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tìm đâu ra được Đuốc Tuệ các số cuối từ 205-255, Tập Kỷ Yếu cũng mới chỉ có một tập 1 nên gác lại đợi khi sưu tầm đủ sẽ bổ sung. Chúng tôi cũng mượn được từ Thư viện chùa Xá Lợi các số Đuốc Tuệ từ 205-217, nhưng do bản photo quá mờ nên chỉ chụp lại làm tư liệu, chưa xử lý để in ấn.
Kỳ ấn hành này, Huệ Quang có bộ Đuốc Tuệ liên tục từ 1-203&204 (1935-1943) chia thành 12 tập, mỗi tập dày 500-600 trang. Tổng số trang được xử lý là 6.700 trang.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành tri ân Hòa thượng Thích Minh Thanh, Cư sĩ Nguyên Cẩn. Không có sự lưu tâm giữ gìn tư liệu của Hòa thượng và Cư sỹ có lẽ đến nay chúng tôi mới dừng lại ở công đoạn sưu tầm, và sưu tầm được cũng khó mà liền mạch may mắn như bộ Đuốc Tuệ chúng ta đang có đây.
Nhân viên thực hiện:
Phụ: Nguyễn Quốc Sách, Văn Thị Mơ, Văn Thị Trình, Khương, Nguyễn Thị Linh Thảo
Huệ Quang, Trung thu 2015