LỜI TRI – ÂN CỦA GIÁO HỘI TĂNG – GIÀ NAM – VIỆT
PHẬT – PHÁP hằng còn mãi ở thế gian là nhờ sự hoằng-truyền sâu rộng trong quần-chúng. Thiếu sự hoằng-truyền, Phật-pháp phải bị mờ và có thể đi lần đến chỗ tiêu-diệt. Trong công-đức hoằng-truyền ấy, phiên-dịch là một phần rất quan-trọng.
Vì thế, thay mặt Giáo-Hội Tăng-Già Nam-Việt, chúng tôi trân-trọng xin ghi vào trang đầu Công-đức quí báu và lớn-lao của Hòa-Thượng Khánh-Anh, đương kim Thượng-Thủ Giáo-Hội Tăng-Già Toàn-Quốc và Pháp-Chủ Giáo-Hội Tăng-Già Nam-Việt, dịch-giả bộ “Nhị Khóa Hiệp Giải” này. Đây không phải là lần đầu tiên Hòa-Thượng góp công-đức trong việc xây đắp nền đạo Pháp nước nhà. Hòa-Thượng là một trong các vị Trưởng-lão đã sáng-lập và xúc-tiến phong-trào chấn-hưng Phật-giáo ở miền Nam, như sư cụ Tuyền-Linh Lê-Khánh-Hòa, cố Pháp-Chủ Huệ-Quang v.v… Trong những ngày đầu của phong-trào chấn-hưng Hòa-thượng Khánh-Anh đã đảm-nhiệm chức-vụ: Giáo-sư ở trường Gia-giáo tại chùa Giác-Hoa (Sóc Trăng); Pháp-sư giảng dạy ở Liên-đoàn Phật-Học-Xã tại chùa Thiên-Phước (Trà-Ôn); Đốc-giáo tại Lưỡng-Xuyên Phật-học-đường v.v…
Theo với thời-gian, quý vị Trưởng-lão Hòa-thượng, những người bạn đồng-hành đầu tiên của Hòa-thượng, đã lần lượt viên-tịch, nay Hòa-thượng mặc dù tuổi già, thân bệnh, vẫn trung-kiên với sứ-mệnh của mình, hăng-hái đứng ra nhận lãnh nhiệm-vụ trọng yếu trong phong-trào xương-mãnh Phật-giáo hiện-đại.
Ngoài những công việc lãnh-đạo phong-trào nói trên, Hòa-Thượng còn dùng nhiều thời-gian vào việc phiên-dịch kinh sách mà bộ “Nhị Khóa Hiệp Giải” này là một.
Chúng tôi tưởng không phải tán-thán công-đức của Hòa-Thượng nhiều hơn nữa: Chỉ cái sự hiện-diện của bộ kinh đồ-sộ trên 500 trang này trong tay quý vị độc-giả cũng đủ chứng-minh một cách hùng-mãnh sức làm việc và lòng nhiệt-thành vì Đạo của Hòa-Thượng Pháp-Chủ.
Trước công-đức lớn-lao ấy, Giáo-Hội Tăng-Già chúng tôi xin đời đời ghi nhớ.
Sài Gòn, Mùa Hạ năm Canh-Tý (1960)