Bassui viết thư sau đây cho một trong những đệ tử sắp chết:
“Bản tánh của con bất sanh, vì thế nó cũng bất diệt. Nó không là một hiện hữu mà bất biến. Nó không trống rỗng mà là cái chân không. Nó không màu sắc cũng không hình thể. Nó không hưởng khoái lạc và cũng không đau đớn.
Thầy biết con bịnh nặng lắm! Giống như một người học thiền giỏi, con đang đối diện hoàn toàn với sự đau đớn. Có thể con không biết cách chính xác ai đang đau khổ, nhưng hãy tự hỏi chính con: “Bản tánh của tâm này là gì? Hãy nghĩ một điều này thôi, con không cần gì nữa. Ðừng ham muốn gì cả. Sự chấm dứt của con hẳn không chấm dứt, nó giống như một bông tuyết tan biến trong không khí tinh khiết”.
CÂU HỎI GỢI Ý
1/ Thiền sư Bassui viết thư cho đệ tử như thế có phải là nhà sành tâm lý không?
2/ Liệu Thầy có giúp đệ tử chống chọi khỏi cơn đau đớn không? Tại sao?
3/ Nếu phải đối diện người thân đang hấp hối, bạn xử trí ra sao?
4/ Lời kết luận bức thư, ý Bassui muốn gì nơi người đệ tử thân thương sắp lìa đời?
5/ Hãy so sánh những cái khẳng định và phủ định trên có giống như Bát bất (tám phủ định của Trung Luận không?)
NHẬN XÉT GÓP Ý
1/ Một vị thiền sư đúng nghĩa có đủ tư cách và đức tánh của một nhà giáo dục, nhà mô phạm, vị lương y, nhà tâm lý học. Thiền sư Bassui không những chỉ dạy học trò mà còn biết rõ từng tâm niệm của học trò nữa. Không phải chỉ sống hời hợt qua lớp màu mè bên ngoài đụng việc lại đem đạo đức khuyên giải người. Ðiều này cũng hoài công vô ích mà thôi. Ðời sống chân thật của một người đã là bài học hùng hồn nhất không lời nhưng chứa đựng biết bao giá trị cao đẹp xây dựng đời sống chính mình và người.
Thiền sư Bassui vì thế, không những là một nhà tâm lý học mà còn là nhà tâm lý trị liệu như vị lương y đại tài giúp con bịnh rất nhiều trong cơn hấp hối mà mạng sống chỉ còn trong gang tấc.
2/ Cái tài của lương y là xem đúng bệnh, cho đúng thuốc giúp con bịnh dứt khỏi cơn đau và lành bệnh. Phương tiện khéo của vị thầy hay thiền sư trị bệnh là tâm dược chắc hẳn hơn cả thuốc thần. Vì thuốc hay chỉ chữa trị được bệnh của thân xác hiện tại; trong khi tâm dược giúp đưa người qua sông mê vượt thoát kiếp luân hồi nhiều kiếp. Vị thầy đứng trên tư thế này mà hành xử đối với người học trò nhỏ trong lúc đang chống chỏi cơn đau sắp sửa lìa đời. Vì chỉ có lấy tâm truyền tâm, cái tâm ấy mới miên viễn, cao thượng và sáng trong mà thôi.
3/ Ðã là con người chắc chắn không ai tránh khỏi bảy thứ tình cảm: vui, buồn, mừng, giận, ghét, yêu và ham muốn. Vì thế được thì vui, mất lại buồn, thắng hỷ hạ, bại chán nản e chề .v.v… Ðó là những việc xảy ra hằng ngày, còn những việc có tính bất thường như tai nạn, bịnh hoạn, chết chóc đưa đến cho ta nhiều mối bức xúc, đau buồn, khổ hận, xót tủi, đau thương… có khi dây dưa mãi trong nhiều năm tháng không dứt.
Ðức Phật dạy:”Thắng hàng vạn tinh binh chưa phải thắng, mà tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất”. Tự thắng được mình là vượt qua được mọi thứ tình cảm thấp hèn của thế nhân để xứng đáng như người thực hành Bồ Tát hạnh.
4/ Thầy muốn dạy người đệ tử một bài học; hay nói đúng hơn là kinh nghiệm sống. Muốn thăng hoa đời sống sau khi chết phải chuẩn bị hành trang đầy đủ qua ba việc trọng đại:
– Thứ nhất: đừng ham muốn gì có nghĩa là tất cả mọi tiện nghi vật chất ở đời kể cả thân xác cũng không nên luyến tiếc. Hễ ham muốn là sanh ra mến tiếc, càng mến tiếc là càng vướng mắc trói buộc như vợ chồng, tình gia đình anh chị em, bà con thân tộc v.v…rồi đâm ra ích kỷ, nhỏ nhen, tham đắm.
– Thứ nhì: chết không phải là hết mà chỉ là một sự chuyển sanh sang một kiếp khác. Thật vậy, con người chỉ chấm dứt thân xác ở đời; còn thần thức như hạt mầm nằm chờ đủ yếu tố sẽ sanh trưởng trong một thân xác mới. Có nghĩa là con người sẽ tái sanh trong 6 đường hay loài: người, trời, a tu la, quỉ, súc sanh, địa ngục tùy nghiệp tạo lúc sanh tiền chiêu cảm.
– Thứ ba: thần thức giống như bông tuyết thật tinh khiết giữa hư không. Như thế, thần thức hay linh thức lúc lìa khỏi xác thân không mất đi đâu mà chờ duyên chiêu cảm đi đầu thai vào một thân xác mới, tức thọ sanh ở một kiếp khác.
Ðó là 3 liệu pháp hay tâm yếu cả Bassui muốn trao truyền cho người môn đệ sắp từ giả cõi đời.
5/ Tám phủ định của Trung Luận hay biện chứng pháp của Long Thọ đó là:
Trong bài tụng mở đầu Trung Quán luận. Long Thọ viết rằng:
Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất.
Năng thuyết thị nhân duyên
Chư thuyết trung đệ nhất
Dịch:
Diệt trừ mọi hý luận
Xiển dương Trung Ðạo Lý
Trên nền tảng của 8 cái phủ định như thế, cái gì có thể tồn tại? Ðây là phủ định tất cả sắc thái đặc thù của hiện hữu. Ở đây, hễ cái gì bám vào hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, đồng, dị, khứ, lai đều là sai lầm, hay những hiện hữu nào sinh khởi từ chúng cũng đều sai lầm. Với những đặc điểm: phủ định liên tiếp, phủ định luôn cả cái được phủ định. Ví dụ: phủ định ý niệm sinh khởi bằng ý niệm đoạn diệt; phủ định ý niệm đoạn diệt bằng ý niệm đến (lai); phủ định ý niệm đến bằng ý niệm đi (khứ). Phủ định mọi ý niệm trên bằng thường hằng; phủ định ý niệm thường hằng bằng đoạn diệt; phủ định ýniệm đoạn diệt bằng đồng thể (nhất); phủ định ý niệm đồng thể bằng sai biệt (dị); phủ định ý niệm sai biệt bằng sinh khởi … Cứ như thế mà phủ định sạch sẽ mọi ý niệm chấp trước bám víu vào hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, đồng, dị, khứ, lai (lịch sử tư tưởng và triết học tánh không các trang 82 và 83 của Thích Tâm Thiện, do nxb thành phố HCM. Sài gòn 1999). So sánh với những cái phủ định của bài như: bất sanh, bất diệt, bất biến, chân không, không phải là một hiện hữu; không phải cái trống không; không có màu sắc hay hình thể; không hưởng khoái lạc nên không đau đớn, không nhằm phủ định mọi ý niệm chấp trước mà để khai thị cho một linh thức sắp đi tới một thế giới khác. Ðiểm quan trọng của thiền sư Bassui nhằm thức tỉnh cho đệ tử không vì một niệm vô minh bất giác để phải hụp lặn trong luân hồi triền miên thọ khổ.