Mang nghiệp vãng sinh là quan điểm của người tu pháp môn Tịnh độ, nhưng không thấy có danh từ này trong các kinh điển về Tịnh độ. Vì vậy, cách đây vài năm, có một cuộc bút chiến về chủ đề “Tiêu nghiệp vãng sinh và mang nghiệp vãng sinh”, của tu sĩ Du già Mật giáo và người tu Tịnh độ. Nhưng, theo kinh “Quán vô lượng thọ” và kinh “Vô lượng thọ” thì người phàm phu, tuy tạo nghiệp ác lớn, nếu niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hướng về Phật A-di-đà phát lời nguyện lớn thì cũng được vãng sinh. Vì vậy mà giới Tịnh độ ở Trung Quốc đề xướng thuyết “Mang nghiệp vãng sinh”.
Bình thường mà nói, thì các vị Bồ Tát, do sức mạnh lời nguyện của mình mà xuất hiện ở thế gian để cứu độ chúng sinh, còn phàm phu thì do nghiệp lực mà phải xuất hiện ở thế gian để chịu quả báo. Trong khi chịu quả báo lại liên tục tạo nghiệp, dù là tạo nghiệp thiện hay ác đều không thể ra khỏi ba cõi. Tạo nghiệp ác lớn thì bị đọa vào đường ác. Tạo nghiệp thiện lớn thì sẽ sinh lên cõi trời hưởng phúc ở đấy. Nếu vừa tạo nghiệp thiện vừa tạo nghiệp ác thì vừa có thể sinh làm người hay làm quỷ thần, vừa được phúc báo, vừa chịu khổ báo. Chỉ có những người tu hạnh giải thoát thanh tịnh ngoài việc giữ 5 giới, tu mười điều thiện ra, còn tu định, tu huệ, đoạn trừ hết phiền não mới có thể ra khỏi sinh tử, mãi mãi vượt qua ba cõi.
Phép tu Tịnh độ là một phương tiện thuận tiện có thể dựa vào sức mạnh thệ nguyện của Phật A-di-đà mà giải thoát khỏi 3 cõi. Những người có niềm tin sâu sắc mà phát nguyện vãng sinh về cõi Tịnh độ thì dù có phạm trọng tội, làm vô số các nghiệp ác cũng có thể vãng sinh về cõi Cực lạc, sau đó nhờ nghe pháp lâu dài, nhờ có hoàn cảnh thuận tiện chẳng những không còn tạo nghiệp ác nữa, mà qua một thời gian dài làm cho các hạt giống ác nghiệp dần dần bị khô héo, cằn cõi đi. Đó là lý luận “Đeo nghiệp ác”.
Tất nhiên ở cõi Tịnh độ Tây phương, tu chứng được quả Thánh rồi sẽ trở lại cõi Sa-bà này, hiện nay nhiều nhân tướng khác nhau, để độ chúng sinh. Bậc Thánh ấy có thể thác vào thai mà sinh, cũng có thể biến hóa mà sinh. Nếu là khai sinh, thì mang thân thế và chịu hoàn cảnh như các chúng sinh khác, cũng chịu mọi sự đau khổ bức bách. Đối với chúng sinh mà nói đó là thuộc về nghiệp báo. Nhưng các bậc Thánh đó tuy vẫn chịu thọ báo, nhưng không lấy đó làm khổ. Cho nên tuy mang nghiệp vãng sinh, nhưng không phải là trốn nghiệp, tuy chịu quả báo nhưng rất khác với chúng sinh phàm phu. Như vậy có thể thấy, nếu không vãng sinh Tịnh độ thì sẽ bị lưu chuyển mãi trong bể khổ sinh tử luân hồi, tạo nghiệp báo rồi chịu báo, tạo nghiệp báo rồi chịu báo, tạo nghiệp tuần hoàn mãi mãi. Còn được vãng sinh Tịnh độ thì mang nghiệp mà đi tiêu nghiệp trở về, rồi lại trở lại thế gian mà chịu báo. Nhưng chịu ở đây chỉ là hiện tượng không phải là thực chất. Cho nên, dù có tin thuyết “Đeo nghiệp vãng sinh, thọ báo để tiêu nghiệp” cũng không hại gì. Nhưng không thể so sánh việc phàm phu tạo nghiệp thọ báo, với việc chủ động, phát nguyện tái sinh, chịu báo để độ chúng sinh. Một bên là chủ động, một bên là bị động.
Có một loại lý luận Mật giáo, cho rằng nhờ thực hành phép tu bí mật, hay nhờ sự gia hộ của bậc đại tu hành nên có thể lập tức tiêu mọi nghiệp chướng, đạt tới chỗ thân tâm thanh tịnh, vãng sinh sang nước Phật. Thuyết này tương tự như phép chuộc tội, miễn tội, thế tội của tôn giáo thần quyền, không phù hợp với thuyết nhân quả nhà Phật