Làm Phật sự là làm các công việc học Phật, hoằng dương Phật pháp, đối tượng chủ yếu là con người. Đọc kinh, nghe pháp, khóa tụng, giảng kinh, bố thí, giữ giới, tu thiền, thực hành bát chính đạo, và thực hành sáu pháp Ba La Mật v.v… đều là Phật sự.
Nhưng trong sinh hoạt dân gian nói chung, không có quan niệm làm Phật sự như vậy. Thông thường khi bà con bạn bè chết họ mời các sư Tăng đến niệm Phật, tụng kinh, cầu cho vong linh người chết được siêu độ, không trực tiếp tham gia những công việc Phật sự đó, không tham gia tụng kinh niệm Phật, sám hối cùng với các chư Tăng. Họ chỉ làm công việc thù tiếp bà con thân thuộc, bạn bè đến phúng viếng, thậm chí còn đánh bài để tiếp khách khứa. Tang gia xử sự như vậy chỉ là làm theo tập tục, không phải là làm Phật sự, vừa bất kính đối với Phật pháp, vừa vô lễ đối với vong linh người chết.
Làm Phật sự phải có đầy đủ lòng thành, cung kính, nghiêm túc trang trọng. Tang gia thân thuộc của người chết phải tham gia tụng kinh niệm Phật. Khi cần thiết các chư Tăng đến làm chủ lễ chỉ đạo, hướng dẫn công việc Phật sự. Khi làm lễ không được ồn ào, mất trật tự.
Phật sự không phải là nghi thức, không được xem Phật sự như một nghi thức trong lễ tang. Bạn bè, họ hàng người chết đều nên tham gia tụng kinh, niệm Phật. Nếu không thì cũng phải đứng bên cạnh với thái độ cung kính, trang nghiêm, lắng nghe và theo dõi chư Tăng và người khác tụng kinh, niệm Phật, lễ bái. Làm Phật sự trong lễ tang tức là mời vong linh người chết đến nghe pháp, giải thoát nghiệp lực siêu sinh tịnh độ. Nếu tổ chức lễ tang và Phật sự mà tang gia không trực tiếp tham gia, thiếu lòng thành kính, thì công dụng đối với vong linh người chết chỉ có rất ít mà thôi.
Nên tổ chức làm Phật sự cho người chết trong vòng 49 ngày sau khi chết. Thông thường con người sau khi chết nếu nghiệp ác quá nặng thì lập tức đọa xuống ba cõi ác. Nếu có nhiều việc thiện thì cũng lập tức được sinh lên cõi trời. Nếu tu nghiệp thanh tịnh thì được siêu sinh tịnh độ. Dù cho người chết có bị đọa vào ba đường ác thì công dụng của Phật sự là làm giảm bớt nỗi thống khổ của người chết, cải thiện hoàn cảnh của ba cõi. Nếu được sinh lên cõi trời thì sẽ làm cho hạnh phúc của họ trên cõi trời càng thêm an lạc. Nếu được sinh ở cõi tịnh độ thì có thể nâng cao thêm thứ bậc ở đấy.
Kinh Địa Tạng chép rằng, muốn giúp cho bà con quyến thuộc được siêu sinh tịnh độ thì phải cung kính cúng dường chư Phật, Bồ Tát, đọc tụng thụ trì kinh Phật. Theo Kinh “Vu Lan Bồn” thì phải có bố thí cúng dường chúng Tăng xuất gia. Nói tóm lại, đứng trên lập trường của bà con quyến thuộc người quá cố, dùng tài sản của họ để lại làm các công việc bố thí, cúng dường Tam Bảo, cứu tế kẻ nghèo, làm phúc lợi xã hội, bố thí cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ rời bỏ cái khổ, được an vui, điều đó có công dụng giúp cho người quá cố rời bỏ khổ, siêu sinh tịnh độ.
Trong vòng 49 ngày, kể từ phút người thân nhắm mắt nên tổ chức niệm danh hiệu Phật liên tục. Nếu khi còn sống, người thân tu pháp môn tịnh độ hàng ngày niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà thì tất nhiên, khi hộ niệm sẽ niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà… Bà con thân thuộc người chết nên phân công luân phiên nhau niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà. Nếu người quá cố không tu pháp môn nào thì vẫn nên niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà cho họ. Còn nếu họ thường tụng một bộ kinh nào đó hoặc trì tụng danh hiệu một đức Phật hoặc Bồ Tát nào đó thì tốt nhất là thọ trì kinh đó, niệm các danh hiệu Phật, Bồ Tát đó rồi hồi hướng công đức cho họ.
Theo tập quán ở Trung Quốc, trong vòng 49 ngày, nếu ngày nào cũng làm Phật sự là tốt nhất. Bằng không thì chỉ làm Phật sự trong 7 ngày đầu hay trong 3 ngày đầu hay một ngày đầu mà thôi cũng tốt. Sắp xếp như thế nào là do điều kiện nhân lực, vật lực của gia đình.
Nói chung theo đạo Phật, cần cử hành lễ tang ngắn gọn, trang nghiêm, long trọng. Tránh mọi sự phô trương, lãng phí không cần thiết. Tài lực, vật lực, nếu có, nên dùng vào các việc cúng dường Tam Bảo, hoằng dương Phật pháp, bố thí kẻ nghèo v.v… rồi hồi hướng công đức cho người quá cố. Nếu không như vậy là không phải Phật sự mà là dựa vào nghi thức lễ tang người chết mà phô trương sự hự vinh mà thôi. Tất nhiên là không nên chôn theo người chết quần áo đắt tiền và báu vật của họ, làm như vậy không có lợi ích gì thực tế đối với người chết mà còn lãng phí của cải đồ dùng.