HỎI: Trước đây mẹ tôi là người rất kính tin Tam bảo. Nhờ căn lành thân cận Tam bảo của mẹ mà tôi bén duyên với Phật pháp và được xuất gia. Ngoài thời gian làm việc, mẹ rất siêng năng đi chùa (một ngôi chùa quen, gần nhà) lễ Phật, tụng niệm và làm các việc công đức. Thời gian gần đây, vì một số nguyên nhân gây phiền não nên mẹ tôi nghỉ hẳn việc đi chùa và tu niệm. Không những thế, mẹ còn buông lời phỉ báng việc tu hanh và đi theo các bà đồng bóng hầu đồng. Hiện mẹ tôi tuổi đã cao, nếu không chuyển hóa và thành tâm sám hối Tam bảo sợ rằng mẹ sẽ đọa lạc. Tôi là người xuất gia mới sơ cơ học đạo, trí đức còn hạn hẹp nên dù rất thương mẹ và đã khuyên bảo mẹ rất nhiều lần nhưng không có kết quả. Mong quý Báo có cách nào chỉ giúp tôi để chuyển hóa mẹ trở về với Chánh pháp. (T.L, Sư Vạn Hạnh, P.2, Q.10, TP.HCM)
ĐÁP: Bạn T.L thân mến!
Theo như thư bạn trình bày, hẳn là có vấn đề gây phiền não, bức xúc đã xảy ra cho mẹ của bạn. Có thể tác nhân gây nên phiền não là những vụng về dẫn đến xung đột giữa các đạo hữu hoặc cũng có thể là sự hiểu nhầm, thất vọng đối với cách hành xử của chư Tăng nơi ngôi chùa mà mẹ bạn thường đến. Nhưng dù cho có bất cứ chuyện gì xảy ra và đối với bất kỳ ai đi nữa thì vấn đề chỉ mang tính cá nhân, nội bộ chứ không thể vì những chuyện ấy mà quay lưng với đạo, với niềm tin Tam bảo trong sáng ban sơ của mình.
Bạn cần trợ duyên cho mẹ thấy sự tách bạch giữa các vấn đề như riêng và chung, tin và hiểu, phiền não và Bồ đề, chấp và xả v.v… để mẹ khôi phục và giữ vững niềm tin. Trước hết là vấn đề riêng và chung. Riêng là những gì thuộc về cá nhân, một người (tại gia hoặc xuất gia) hay một đạo tràng nào đó chỉ mang tính thành viên và hoàn toàn không thể đồng nhất họ với cái chung, tức các đoàn thể hay tổ chức Phật giáo như Tăng đoàn chẳng hạn. Do đó, về cá nhân một cư sĩ hoặc một vị xuất gia nào đó có thể họ có những khiếm khuyết hoặc phạm phải những sai lầm, vì mỗi người mang nghiệp lực khác nhau. Ta có thể không châp nhận những sai lầm của các cá nhân ấy nhưng không vì thế mà vội vàng chối bỏ hoặc phủ nhận cả một đoàn thể cao quý và tốt đẹp mà họ đang nương tựa.
Kế đến là nhận thức rõ ràng về tin và hiểu. Đức tin trong đạo Phât phải đi liền với hiểu biết, với trí tuệ. Do đó, yếu tố tình cảm trong tâm niệm quý kính và tin tưởng vào Tam bảo cần được lý trí soi sáng mới phát triển bền vững. Có không ít người phát khởi niềm tin Tam bảo từ tình cảm thương mến các hình thức bên ngoài mà không hiểu nhiều về nội dung thâm sâu của giáo pháp. Trong khi tình cảm vốn rất dễ bị tổn thương nên nếu không trang bị thêm hiểu biết để gia cố cho lòng tin thì dễ dàng xảy ra sự đổ vỡ. Đơn cử như có người đi chùa vì cảm mến thầy nhưng khi thầy có những hành xử trái với ý mình (nhiều khi những việc ấy chỉ ngầm giúp cho mình tiến bộ) thì mình liền giận thầy và không đi chùa nữa. Do vậy, những ai xây dựng niêm tin Tam bảo thông qua tình cảm cần phải trang bị thêm tuệ giác mới đạt đến tịnh tín vững chắc và lâu bền.
Mặt khác, phiền não và Bồ đề hay thiện và ác luôn tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Dù cho họ là những Phật tử tại gia hay xuất gia chí tâm tu học đến mấy nhưng nếu chưa chứng Thánh quả thì phiền não vẫn còn. Do đó, quá kỳ vọng hoặc cầu toàn nơi người đang trên bước đường hướng đến sự hoàn thiện sẽ dễ dàng dẫn đến thất vọng vì chỉ một phút sơ suất thì phiền não sẽ xuất hiện, cái ác có nguy cơ hiện nguyên hình.
Trong khi sự vượt lên và chiến thắng phiền não không phải ai cũng làm được. Vì thế, nếu cố chấp và thành kiến nặng nề với những lỗi lầm của người khác và cả chính mình thực không phải là điều hay mà cần phải xả buông và tha thứ. Vì thực chất phiền não và Bồ đề vốn không tách rời nhau, phiền não tức bồ đề. Tham sân si phiền não như là sóng nhấp nhô, Bồ đề giải thoát như là mặt nước tĩnh lặng. Chấp thủ nặng nề quyết không tha thứ cho lỗi lầm phiền não cũng là tự cách ly và đào thải mình tách rời khỏi xu hướng giải thoát, đó là cực đoan chứ không phải tinh thần trung đạo.
Mẹ của bạn vì phiền não tác động mà nhất thời có những quyết định sai lầm, tin theo tà kiến đồng bóng và sanh tâm hủy báng sự tu hành. Căn bệnh dù đã khá nặng nhưng vẫn còn cứu chữa được nếu bạn và gia đình tích cực yểm trợ dùng ánh sáng Chánh pháp soi sáng để thức tỉnh mẹ hồi tâm. Nhất là trợ duyên cho mẹ nhận thấy những gì mẹ đã va chạm chỉ mang tính cá nhân, ai làm thì nấy chịu và nếu không hóa giải được khối phiền não ấy thì cần tránh duyên đến chùa khác hay chuyển sinh hoạt đến đạo tràng khác tu hành.
Trong quá trình tu học, đối tượng chính yếu mà chúng ta quy ngưỡng và nương tựa là Phật, Pháp và Tăng (đoàn thể xuất gia hòa hợp, thanh tịnh) chứ không phải những người mà chúng ta có oán kết. Chỉ vì bất đồng với một người hay một nhóm người mà quay lưng với Tam bảo là một sự mất mát và thiệt thòi. Thân người khó được, Phật pháp khó gặp nên một khi đã đầy đủ duyên lành hạnh ngộ Tam bảo rồi thì dù có lúc bị vô minh tà kiến che lấp phải nên nhanh chóng thức tỉnh, hồi tâm. Quay đầu chính là bờ.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn