Xin Được Giải Thích Khái Quát Về Giới Luật Phật Giáo

Có phải tự do sẽ bị hạn chế khi một người phải chịu sự ràng buộc của giới luật Phật giáo? Xin được giải thích khái quát về giới luật Phật giáo.

Đ. Q. Ph, đường Võ Văn Tần, quận 3, T/P Hồ Chí Minh

Giới (Sila) được hiểu là sự ngăn ngừa, kìm hãm, răn dạy. Giới còn được hiểu là đức hạnh, đạo đức của người Phật tử, là sự giữ mình, sự tự điều ngự để tránh các nghiệp quả xấu do việc phạm giới gây nên và tạo sự tăng trưởng về thiền địnhtrí tuệ. Luật (Vinaya) nghĩa là các luật tắc, pháp luật, k luật được ấn định những điều ta phải tuân hành, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. (Trừng phạt trong Phật giáo nghĩa là sự dày vò, hối hận, sám hối và nhất là bị nghiệp lực đẩy đưa vào hoàn cảnh xấu, cảnh giới xấu). Một cách tổng quát, Luật bao gồm cả Giới vì luật có bốn tên gọi:

1/ Tỳ-ni (Vinaya): K luật, phép tắc tu tập.

2/ Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokha) hay còn gọi là Giải thoát, Biệt giải thoát: Văn bản ấn định từng điều khoản (giới điều) buộc các Tỳ-kheo phải tuân giữ (thường gồm 150, 250, 350… điều).

3/ Thi-la (Sila) hay Giới (thường gồm 5, 8, 10, 150, 227, 250, 350… điều) mà các Phật tử tại gia hay xuất gia phải tuân giữ) và,

4/ Ưu-ba-la-xoa (Upalaksa) hay luật: Luật tắc cần tuân giữ nghiêm nhặt của chư Tăng, Ni. Tuy có các tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều có ý nghĩa tương đồng và được hiểu chung là giới luật.

Giới luật là do chính Đức Phật nêu dạy để người con Phật hành trì, có lợi cho sự phát triển tâm linh, góp phần trang nghiêm Tam bảo. Kinh Tăng Chi, phẩm Mười Pháp có ghi mục đích của giới luật: “… để Tăng chúng (cũng được hiểu là bao gồm cả các Phật tử tại gia) được cực thiện, an ổn, ngăn chặn những kẻ cứng đầu, khiến người thiện được an ổn, chế ngự các lầm lạc gây phiền não, khổ đau (lậu hoặc) trong hiện tại và ngăn ngừa chúng trong tương lai, đưa đến và làm tăng trưởng niềm tin cho quần chúng, khiến diệu pháp được tồn tại và luật được chấp nhận”. Cũng trong chương này, kinh còn định nghĩa thế nào là một Tỳ kheo (cũng áp dụng cho một Phật tử tại gia) trì luật: “Vị ấy biết thế nào là vi phạm, là không vi phạm, vi phạm nhẹ, vi phạm nặng, có giới luật, sống chế ngự bởi sự chế ngự của giới bổn, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các pháp”.

Việc tuân giữ giới luật được xem là đức hạnh hàng đầu của người con Phật. Một số người nhìn vào những người khác (hoặc chính mình) và cảm thấy giới luật hạn chế tự do, làm giảm thiểu tính chất thong dong, tự tại. Trước hết cần phải nhận định rằng việc thọ trì giới luật là tự nguyện, do thấy được lợi ích của giới luật và tự do không có nghĩa là buông lung, phóng túng, phi đạo đức. Giới (Sila) có nguyên nghĩa là sự tự nhiên, là thói quen phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội. Chính sự giữ gìn giới luật giúp ta được an ổn, tự do. Ví như ta sinh hoạt trong vùng đất có tường thành được phòng vệ vững chắc, ta sẽ không sợ giặc cướp đến xâm hại và do đó ta được thoải mái, an ổn, tự do. Giới giúp tâm ta an ổn, từ đó thiền định phát triển, đưa đến sự phát triển của trí tuệ. Đức Phật dạy: “Ở đâu có giới hạnh, ở đó có trí tuệ. Ở đâu có trí tuệ, ở đó có đức hạnh” (Trường bộ, kinh Sonadanda). Trí tuệ đưa đến giải thoát, tự tại, tự do tuyệt đối. Như vậy, lẽ nào việc tuân giữ giới luật lại khiến người ta mất tự do? Lại nữa, nội dung các bộ luật của các bộ phái như Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ, Nhất thiết hữu bộ… cũng không giống nhau lắm, đặc biệt là sự khác biệt về số lượng các giới điều; điều này chứng tỏ tinh thần giữ giới luật là quan trọng hơn việc tuân thủ giữ các giới điều. Huống chi theo đà tiến hóa của thời đại, khá nhiều giới điều đã được châm chước, thậm chí được bỏ qua chứ không quá khắt khe như thời xưa, khiến người ta có cảm giác “mất tự do”.

Cuối cùng, ta cần nhớ lời Đức Phật dạy: “Ai tu tập giới được chừng nào thì chứng đạt được chừng ấy. Ai tu tập được trọn vẹn thì chứng được trọn vẹn” (Tăng chi bộ, III, 9).

http://tapchivanhoaphatgiao.com