HỎI: Gia đình tôi rất sùng kính đạo Phật. Riêng tôi tuổi còn trẻ và chưa quy y Tam bảo, nhưng thời gian qua nhờ duyên lành được đọc nhiều kinh sách nhà Phật, xem băng đĩa của các khóa tu Phật thất chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) nên tôi rất muốn tu tập theo pháp môn niệm Phật của tông phái Tịnh độ. Hiện tại tôi ở quê, mỗi tối các già vào chùa tụng kinh, còn tôi thì do bận việc gia đình nên chưa thể đi tụng kinh được. Tôi xin hỏi là người chưa quy y có thể ở nhà tu tập, tụng kinh được không? Và nếu được thì nên tụng kinh gì, tu niệm như thế nào? (TIỀN THIÊN HÙNG, Vạn Phúc, An Ninh, Quỳnh Phụ, Thái Bình)
ĐÁP: Bạn Tiền Thiên Hùng thân mến!
Quả là bạn đã có căn lành sâu dày với pháp môn Tịnh độ. Nhờ đọc kinh sách, xem băng đĩa thuyết giảng cùng với những hình ảnh tu tập trang nghiêm của đạo tràng Phật thất mà bạn đã phát tâm tu tập theo pháp môn Tịnh độ, đó chính là tịnh tín, niềm tin thanh tịnh và không lay chuyển, tối cần cho những người mới sơ cơ nhập đạo.
Pháp môn Tịnh độ lấy việc trì niệm Thánh hiệu Nam mô A Di Đà Phật (lục tự Di Đà) làm căn bản. Dựa trên nền tảng niềm tin sâu sắc vào cảnh giới Cực lạc trang nghiêm, thanh tịnh, đầy đủ phước báo thù thắng ở Tây phương do Phật A Di Đà làm giáo chủ đang ngày đêm tiếp độ chúng sanh, hành giả phát nguyện đời này cũng như mãi về sau nguyện sanh về Tịnh độ mà gia tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Ngoài ra, để trợ duyên cho công phu niệm Phật, một hành giả tu tập theo tông Tịnh Độ còn tụng kinh, trì chú và làm tất cả các việc lành để hồi hướng công đức trang nghiêm Tịnh độ.
Đối với hoàn cảnh của bạn hiện nay, dù chưa quy y nhưng vẫn tu tập được, nên khởi sự từ việc niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà, cầu sanh Tịnh độ. Cách thức tu tập niệm Phật rất đơn giản mà hiệu quả vô cùng. Niệm là nhớ nghĩ, tâm niệm, có thể niệm thầm trong lòng hay niệm thành tiếng sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, niệm càng nhiều càng tốt; càng liên tục, không gián đoạn càng hay.
Trước kia khi chưa biết niệm Phật, tâm của chúng ta thường hay duyên theo cảnh bên ngoài mà suy nghĩ vẩn vơ, vui buồn vô định… Đó là một tình trạng tâm hoang vu, không có sự kiểm soát. Giờ đây, tâm ta như con thuyền được thả neo, đã được an định nhờ niệm Nam mô A Di Đà Phật. Quá trình an trú tâm vào danh hiệu Phật, dẫu đôi lúc bị lãng quên do cảnh trần bên ngoài chi phối, nhưng điều đó không hề gì mà chỉ cần tiếp tục trở về với chánh niệm, trì niệm danh hiệu Phật.
Sự tinh cần niệm danh hiệu Phật liên tục sẽ làm gia tăng sức mạnh của niệm và định, lâu dần tâm ta sẽ vững chãi hơn, ít xao động, ít bị cảnh trần chi phối. Tiếp tục công phu niệm Phật bền bỉ, trải qua nhiều cấp độ cho đến lúc “nhất tâm bất loạn”, thể nhập tự tính Di Đà, tức là ta đã đạt đến đỉnh cao của sự thực tập pháp môn Tịnh độ, thành tựu giải thoát, quyết định vãng sanh.
Trên đây là những phương thức hành trì cơ bản dành cho những người khởi sự tu tập pháp môn niệm Phật. Như một đoàn tàu, lúc bắt đầu lăn bánh nặng nề, chậm chạp nhưng sau đó nhanh dần và nhẹ nhàng lao vút trên đường ray, cũng vậy, tu tập niệm Phật ban đầu tuy có sự thất niệm, hay quên nhưng về sau chánh niệm liên tục, thông suốt. Từ đó, dù cho làm gì, ở đâu hành giả cũng đều gia tâm niệm Phật một cách miên mật.
Riêng vấn đề quy y, cố nhiên bạn cần tìm đến một ngôi chùa nào gần nhất để quy y Tam bảo. Sau đó, nếu muốn tụng kinh ở nhà thì bạn phải thỉnh Phật về thờ ở gia đình và đọc tụng kinh điển trước bàn thờ Phật. Kinh tụng thường là kinh A Di Đà (bản tiếng Việt) và các bài sám nguyện để khích lệ, sách tấn tu tập niệm Phật ngày càng tinh tấn hơn. Điều cốt yếu là chuyên cần gia tâm trì niệm Thánh hiệu Phật. Chỉ cần niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, mọi lúc mọi nơi, miên mật không gián đoạn cùng với niềm tin vững chắc vào cảnh giới Cực lạc, năng lực tiếp độ của Phật A Di Đà thì chắc chắn bạn sẽ tu tập thành công như ý nguyện.
Chúc các bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn