Kim Cang là gì? Kim cang là tâm, kim cang là tánh, và kim cang cũng là trí bát nhã. Tâm kim cang cũng là tánh kim cang. Tánh kim cang cũng là trí kim cang bát nhã. Tất cả chỉ là một.
Tại sao nói kim cang là “tự tánh”? Tự tánh thì vĩnh viễn bất hoại, tự tánh kim cang cũng là tâm kim cang, tâm kim cang cũng vĩnh viễn bất hoại. Kim cang bát nhã cũng là thực tướng bát nhã, thực tướng bát nhã vĩnh viễn bất hoại.
Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là tên của kinh, Kim Cang là tỷ dụ, Bát-nhã Ba-la-mật là pháp. Bởi vậy, chiếu theo phương pháp Thất chủng lập đề (theo cách này các kinh được xếp thành bảy loại, tùy theo tiêu chuẩn đề tài của kinh) thì đây là loại kinh pháp dụ, lấy kim cang để dụ cho bát nhã. Giảng như vậy cố nhiên là đúng. Tuy nhiên, không bằng chỉ thẳng rằng kim cang là tâm, kim cang là tính, kim cang là bát nhã. Bát nhã này chính là kim cang, không dùng tỉ dụ; tâm này chính là kim cang, khỏi cần phải dụ; tính này chính là kim cang, khỏi cần phải dụ.
Ít có ai giảng như vậy, đa số đều giảng theo lối pháp dụ lập danh. Nay tôi cũng theo lối pháp dụ lập danh, nhưng đem cả hai hợp làm một: pháp tức là dụ, dụ cũng là pháp, pháp và dụ chỉ là một. Nói đủ thì là Kim Cang Bát-Nhã Ba-Ba-Mật, nói gom lại thì là Kinh Kim Cang, cho nên người Trung Hoa lược bỏ mấy chữ Ba-la-mật mà gọi kinh này là Kinh Kim Cang, hoặc là Kinh Bát-Nhã Ba-Ba-Mật.
Ðối với “Pháp”, tôi vẫn thường nói với quý vị là nên giảng nó một cách linh hoạt, chớ không thể giảng nó cứng nhắc, như chấp rằng một là một, hai là hai. Cho nên, hiện tại chúng ta giảng là một, cũng có thể giảng là hai, là ba, đều được cả. Pháp vô định pháp, cho nên trong Kinh Kim Cang có câu: “Chẳng có pháp nhất định, đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa”.
Kim cang có ba nghĩa: kiên cố, xán lạn, và bén nhọn.
Thể của kim cang là kiên cố bất hoại. Chẳng có vật gì có thể phá hủy nó, ngược lại, nó có thể phá hoại mọi vật khác; bởi vậy, thể của kim cang có thể hàng phục thiên ma, ngoại đạo. Nguyên lai, các tà tri, tà kiến của thiên ma ngoại đạo không dễ gì chế phục được, tuy nhiên nếu có “thể của kim cang”, thì có thể chế phục được thiên ma ngoại đạo.
Tướng của kim cang là xán lạn, có thể soi sáng bóng tối trần gian. Chỉ khi trừ được bóng tối thì ánh sáng hiển hiện; phá được tà pháp nên chánh pháp mới duy trì lâu dài. Nếu tà pháp không diệt, chánh pháp chẳng trụ được lâu. Tướng của kim cang chính là phá trừ mọi đen tối.
Dụng của kim cang là sự bén nhọn của nó. Thế nào là bén nhọn? Có thể ví nó như mũi dao nhọn chặt đá, rạch thép, chém sắt như bùn? vật cứng mấy cũng bị nát, bị hoại.