Các chúng sinh làm thiện khi đang sống thì khi chết đi được sinh lên cõi trời, được an vui tột độ, nhưng nếu làm ác thì phải đọa xuống địa ngục, khổ cực vô cùng. Xin được giải thích và cho ý kiến.
Đ. B. Thanh, đường Yersin, T/P Mỹ Tho, Tiền Giang
Chúng sinh (Sattva) là những sinh thể được giả hợp bởi các thành tố vật chất, tinh thần (đại, uẩn), có cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ (hữu tình), đôi khi kể cả loài vô tình như đất đá, cây cỏ… chịu sự sinh ra và chết đi vô số lần trong ba cõi dục, sắc, vô sắc và qua sáu đường, tức sáu cảnh giới tâm linh từ cao đến thấp là người, trời, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, với bốn cách sinh ra là từ trứng (noãn sinh, như loài chim, cá…), từ thai (người, động vật có vú…), từ nơi ẩm thấp (thấp sinh, như muỗi mòng…), và hóa sinh (bằng cách biến hóa như chư thiên, ma quỷ…).
Cõi trời là cảnh giới cao nhất trong các cõi, chúng sinh ở đây có tuổi thọ hàng ngàn năm, sống an lạc, hạnh phúc. Có nhiều tầng bậc khác nhau của cõi trời, được miêu tả, liệt kê theo nhiều cách khác nhau, khởi từ tín ngưỡng của Ấn Độ cổ. Kinh sách Phật giáo phân biệt ba cõi trời gồm 26 tầng trời: sáu tầng ở cõi dục, 16 tầng ở cõi sắc, và bốn tầng ở cõi vô sắc. Kinh Đại Niết-bàn (bản Bắc) lại chia một cách tổng quát gồm bốn cõi trời: Thế gian thiên (cõi trời trên thế giới này của các Thiện đại vương), Sinh thiên (cõi trời của những người chuyên tu ngũ giới, thập thiện), Tịnh thiên (của chư Thanh văn, Duyên giác đã diệt trừ phiền não và Nghĩa thiên (của chư Bồ-tát đã ngộ ý nghĩa Phật pháp). Kinh tập (Sutta Nipata) của Tiểu bộ kinh khẳng định một cách đơn giản rằng những ai cúng dường thức ăn cho Samôn, Bà-la-môn và những người đói khát xin ăn sẽ được sinh lên cõi trời. Về sau, ba bộ luận lớn (Tam đại luận) là Thí luận, Giới luận, Sinh thiên luận nhấn mạnh đến hàng tu tại gia, khuyến khích bố thí, giữ giới để được sinh lên cõi trời.
Cũng như cõi trời, địa ngục cũng được liệt kê thành nhiều tầng, nhiều cảnh giới. Đây là cõi thấp nhất, khổ đau, tệ hại nhất trong các cõi. Đại khái có bốn loại địa ngục gồm 60 cảnh giới: căn bản địa ngục gồm 16 thứ trong đó có tám địa ngục cực nóng và tám địa ngục cực lạnh; cận biên địa ngục gồm 16 địa ngục phụ cận tám địa ngục cực nóng; Cô độc địa ngục gồm 28 địa ngục, trong đó Vô gián địa ngục, hay A-tỳ địa ngục (Avici) là nơi khổ đau cùng cực và liên tục. Khi nói đến các cõi trời, các kinh luận cũng như Kinh Ý Hành, Đại Lâu Thánh, Đại Bát-nhã, Thủ Lăng Nghiêm, Địa Tạng…, luận Câu-xá, Tỳ-bàsa, Đại Trí Độ, Du-già Sư Địa… cũng liệt kê, miêu tả các địa ngục nhằm cảnh giới, khuyến tu đối với hàng tại gia.
Như trên đã nêu, các cảnh giới luân hồi của chúng sinh không chỉ là các cõi trời hay địa ngục mà còn các cảnh giới khác như người, A-tu-la (loài có thần thông nhưng phải khổ đau vì nóng giận, bạo lực…), súc sinh (sống trong sự giết chóc và bị giết…), ngạ quỷ (đói khát, sống lang thang, nương gá…). Các loài chúng sinh sống cùng một cảnh giới lại sướng khổ khác nhau (như người sang, kẻ hèn, loài thú trên rừng, loài thú phải cực nhọc ở môi trường khó khăn hoặc bị người hành hạ hay được nuông chiều…). Lại nữa, việc tái sinh ở cõi nào không chỉ tùy thuộc vào hành động thiện ác trong đời hiện tại mà còn là kết quả của các hành động (nghiệp) từ vô số đời quá khứ. Chúng sinh có thể tái sinh vào cõi cao hơn hay thấp hơn do nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ, cho nên một người không chỉ có thể sinh lên cõi trời hay địa ngục mà còn có thể sinh vào các cảnh giới khác như A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ.
Dù được tái sinh ở cõi nào trong ba cõi, sáu đường, bốn cách (tam giới, lục đạo, tứ sinh), chúng ta vẫn phải mang thân phận chúng sinh, phải luân hồi khổ đau cho đến khi chúng ta đạt mục tiêu tối hậu của Phật giáo, tức Đại giải thoát, Niết-bàn, thành Phật. Rất cụ thể và thực tiễn, chúng ta cứ nỗ lực làm thiện, tránh ác thì nhất định về sau sẽ an vui hơn, thuận tiện hơn trên bước đường tìm về Đại giải thoát.
http://tapchivanhoaphatgiao.com