Hòa Thượng Thích Tâm Thông (1916-1999)

Hòa thượng Thích Tâm Thông, thế danhNguyễn Văn Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm Bính Thìn – 1916 tại thôn An Ninh, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngài là con thứ hai của một gia đình có truyền thống lễ giáo và kính tín Tam bảo, nên đã sớm chịu ảnh hưởng cuộc sống thiền gia thanh đạm.

Năm Tân Mùi – 1931, lúc 15 tuổi, Ngài xin phép từ biệt song thân xuất gia đầu Phật, đến cầu pháp với Sư tổ Thích Thanh Lịch trụ trì chùa Lam Cầu, tỉnh Hà Nam. Sư tổ xét thấy Ngài có tư chất thông minh, tính tình hòa nhã, diện mạo khôi ngô nên đã hứa khả.

Năm Giáp Tuất – 1934, sau ba năm tu học, Ngài được thụ giới Sa di tại giới đàn chùa Đông An, huyện Xuân Thủy, do Tổ sư Thích Quảng Lãm làm Hòa thượng Đàn đầu.

Năm K Mão – 1939, Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, trụ sở Hội Phật giáo, cùng với 50 vị giới tử khác trúng tuyển sau kỳ khảo hạch giới đàn về lễ sám 21 ngày do Hòa thượng Thích Tố Liên làm chủ sám. Trong giới đàn này, sư tổ Trung Hậu là Hòa thượng Đàn đầu cùng chư vị giới sư cao thiền thạc đức trong các sơn môn lớn ở miền Bắc chứng đàn. Từ đây Ngài thực sự dự vào hàng Tăng bảo, là Sứ giả của đức Như Lai với trọng trách : “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

Sau khi thụ đại giới, với đức tính khiêm cung, chăm chỉ hiếu học, Ngài đã tu học ở các chốn Tổ Tế Xuyên (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), trường Phật học Quán Sứ – Hà Nội, chốn Tổ Trung Hậu, chốn Tổ Cao Phong (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Cồn (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Ở đâu Ngài cũng được thầy thương, bạn mến bởi sự hiền hòa, chân thật, nghiêm trì giới luật.

Năm Nhâm Ngọ – 1942, Ngài được Hội Phật giáo Chấn hưng cử vào Huế tu học tại Phật học đường Báo Quốc – Huế. Đến năm 1945 lại trở về chùa Quán Sứ – Hà Nội, bắt đầu dấn bước trên con đường phụng sự đạo pháp – dân tộc.

Năm Bính Tuất – 1946, Ngài về chùa Lam Cầu làm Thư Hội Phật giáo Cứu quốc, tham gia công tác bình dân học vụ và cô nhi viện ở chùa Lam Cầu, huyện Lý Nhân.

Năm Đinh Hợi – 1947, Ngài bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà giam Nam Định, đến năm 1948 trốn thoát và về công tác tại chùa Cồn, nơi Tổ Tuệ Tạng trụ trì.

Năm K Sửu – 1949, giặc Pháp tiến công chiếm đánh Nam Định, Ngài lại trở về chùa Quán Sứ. Thời gian này, Ngài được Hội Phật giáo cử về chùa Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tham gia giảng dạy Phật pháp cho Tăng Ni Phật tử và vận động nhân dân tham gia cứu quốc.

Năm 1951, khi Tổ Tuệ Tạng – Thượng thủ Giáo hội Tăng Già Việt Nam nhận lãnh trụ trì chùa Vọng Cung, tỉnh Nam Định, Ngài trở về phụng sự Tổ và được giữ chức vụ Giám viện.

Với cương vị trên, Ngài luôn tinh tiến trong mọi công việc phụng sự Tam bảo, giúp dân, giúp nước, đã cùng với chư Tăng trụ xứ kế thừa đức nghiệp lớn lao của sư tổ truyền lại. Dù trải biết bao thăng trầm của đất nước Ngài luôn nghiêm trì phạm hạnh, tiến tu Tam vô lậu học, giữ gìn thanh quy môn tự như ngày chư Tổ còn tại thế.

Từ đức độ và uy tín ấy, Ngài luôn được suy cử nhiều chức vụ và tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong Phật giáo và ngoài xã hội. Năm 1959, sau khi thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ở miền Bắc, Ngài được cử làm Ủy viên Thường trực Chi hội Phật giáo Thống nhất  tỉnh Nam Định và là Ủy viên Liên lạc Mặt trận Tổ quốc thành phố Nam Định.

Năm Nhâm Tý – 1972, Ngài được suy cử làm Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Cũng trong thời gian này, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, bom giặc Mỹ đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa Vọng Cung nơi Ngài trụ trì trước đây thành đống gạch vụn. Ngay sau khi Hiệp định Paris được kết, Ngài đã khuyến hóa Phật tử trong cũng như ngoài tỉnh cùng với chư Tăng trong trụ xứ dốc lòng xây dựng lại ngôi Tam bảo. Công việc tái thiết bắt đầu từ năm 1972 cho đến năm 1988 thì hoàn tất như ngày nay, và chùa Vọng Cung trở thành nét đặc trưng tiêu biểu của thành phố Nam Định.

Năm Tân Dậu – 1981, tại Hội nghị thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm Đinh Mão – 1987, Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ II, Ngài được Đại hội suy cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài đã đảm đương chức vụ này 2 khóa cho đến Đại hội Đại biểu lần thứ IV.

Năm K Tỵ – 1989, Ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử làm Phó đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang thăm và làm việc với Hiệp hội các tông phái Phật giáo Nhật Bản, Ngài cũng được phía bạn đón tiếp nồng hậu và kính trọng, đã để lại trong lòng Phật giáo Nhật Bản một ấn tượng đẹp đẽ về vị cao Tăng Việt Nam và thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Ngài còn có nhiều đóng góp trong công tác quốc tế của Phật giáo, đón tiếp nhiều đoàn Phật giáo quốc tế của nhiều nước đến thăm và làm việc với Phật giáo Việt Nam. Trong các buổi tiếp xúc làm việc, Ngài luôn làm cho bạn bè quốc tế hiểu được về Phật giáo Việt Nam.

Năm Canh Ngọ – 1990, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử Ngài tham dự lễ k niệm 20 năm thành lập Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Ulanbator – Mông Cổ. Sau hội nghị, Ngài cùng phái đoàn thăm hữu nghị Liên Xô.

Năm Quí Dậu – 1993, Ngài tham dự Hội nghị giải trừ quân bị do Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tổ chức tại Hà Nội.

Trong quá trình hoạt động Phật sự, Ngài luôn quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử giữ chức Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, và giữ chức Phân viện Phó Phân viện Nghiên cứu Phật học.

Ngoài việc tham gia Phật sự ở trung ương Giáo hội, Ngài còn quan tâm đến Phật giáođịa phương, trực tiếp làm Phó ban rồi Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh cho đến khi viên tịch. Trong Phật sự tại tỉnh nhà, Ngài cũng chăm lo đào tạo Tăng tài kế vãng khai lai bằng việc mở trường Cơ bản Phật học và trực tiếp làm Hiệu trưởng.

Trong mấy mươi năm qua, tại các khóa Hạ an cư của Phật giáo tỉnh Nam Định, Ngài luôn là bậc Thiền chủ mô phạm, là ngôi Chủ hạ của trường Hạ chùa Cả – trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Nam Định, bậc đạo đức khả kính của Tăng Ni Phật tử trên con đường tu thân hành đạo.

Tháng 11 năm Đinh Sửu – 1997, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoài những trọng trách mà một vị sứ giả của Đức Phật phải đảm nhận, Ngài còn tham gia Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh nhiều khóa và nhiều hoạt động xã hội khác để góp phần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Để tuyên dương những công lao to lớn mà Ngài đã cống hiến, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng cho Ngài : Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Bằng khen hạng nhất, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Bằng khen hạng nhất, Huy chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tuổi cao lão bệnh, Ngài đã thị tịch vào lúc 4 giờ 30 phút, ngày 25 tháng 8 năm 1999 (nhằm ngày Rằm tháng Bảy năm K Mão) tại Hà Nội, trụ thế 84 năm, 60 Hạ lạp. Nhục thân Ngài được đưa về nhập Bảo tháp tại Tổ đình Vọng Cung, thành phố Nam Định.

Cả cuộc đời Ngài, từ buổi sơ tâm cho đến lúc hóa duyên mãn tận là một tấm gương sáng, lấy việc nghiêm trì giới luật làm thân giáo để sách tấn hàng môn đồ, Phật tử. Ngài là một trong những vị cao Tăng giới hạnh tinh nghiêm, tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hậu thế quy ngưỡng.